Lời giải cho bài toán phát triển nhân lực số

15:18, 24/08/2024

Nguồn nhân lực số tại Việt Nam luôn dồi dào nhưng chưa thực sự đáp ứng được môi trường làm việc của các doanh nghiệp...

Chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi số hiện nay tại nhiều đơn vị doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Chú trọng đào tạo

Các xu thế công nghệ nổi trội trên toàn cầu như trải nghiệm thực tế tăng cường (AR), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain) hay điện toán đám mây, khoa học dữ liệu (data science) đang là những từ khóa “nóng” trong tuyển dụng. Nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực chuyển đổi số đang rất lớn, thu hút lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất vào thời điểm này của các công ty chính là khó tuyển dụng được lao động chất lượng cao trong các ngành này. Để đáp ứng nhu cầu, bên cạnh việc tìm kiếm, doanh nghiệp cần phải có kế hoạch bồi dưỡng lao động giỏi, đáp ứng yêu cầu công nghệ số.

Ông Trần Kim Chung - Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có quy mô lớn tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội chia sẻ, đầu tư cho các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số đã lấy đi lợi nhuận của doanh nghiệp trong vài năm. Đây cũng được coi là khoản đầu tư xứng đáng.

“Hiệu quả mà chuyển đổi số mang lại đang rất hữu hiệu. Chi phí sản xuất, quản lý giảm đáng kể, kênh phân phối rộng mở hơn và đã có những đơn hàng xuất khẩu đầu tiên. Song, chỉ có khả năng sử dụng các ứng dụng số vào công việc của nhân sự lớn tuổi trong công ty là phải đào tạo liên tục; bộ phận vận hành chuyển đổi số phải thuê từ đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ khá tốn kém”, ông Chung cho biết.

“Dự kiến khoảng cuối năm 2024 thì mọi thứ mới trơn tru. Doanh nghiệp đang tiến hành gửi nhân sự đi đào tạo để có thể nhận chuyển giao trong giữa năm nay. Chi phí cũng rất tốn kém nhưng cũng mong rằng nhận lại được kết quả xứng đáng với công sức mà chúng tôi đã bỏ ra”, ông Chung chia sẻ thêm.

Bà Nguyễn Thị Bích Hồng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tuyển dụng Nhân tài (HR2B) cho rằng, trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay thì nhân lực số là bài toán hầu như tất cả doanh nghiệp đều phải giải quyết, nhất là sự thiếu hụt nguồn nhân lực số trong nhóm quản lý. Chuyển đổi số cần đi từ tổng thể, từ trên xuống, nên đội ngũ quản lý có vai trò rất quan trọng.

Việc họ nhận thức như thế nào về chuyển đổi số sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới phương pháp triển khai và quản lý vận hành sau đó. Để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực chuyển đổi số, theo bà Hồng, then chốt là đào tạo, đa dạng hóa nguồn lực và sử dụng dịch vụ tuyển dụng chuyên nghiệp.

Nhiều chuyên gia cho biết, những nhóm vấn đề chính của quá trình chuyển đổi số thành công đó là kinh doanh, công nghệ và con người. Tất cả người lao động tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào quy trình hoạt động của doanh nghiệp đều là thành phần quan trọng trong toàn bộ quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công đòi hỏi trình độ cao về kỹ thuật và nhân lực.

Khát nhân lực số ngành ngân hàng

Theo thống kê từ một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tuyển dụng thuộc tốp đầu thị trường, hiện có khoảng 2.500 vị trí tuyển dụng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Trong đó, Vietcombank đang có nhu cầu tuyển dụng 274 chỉ tiêu nhân sự từ nay đến cuối năm ở các vị trí chuyên viên khách hàng, kế toán, giao dịch viên, nhân sự, công nghệ thông tin, nhân viên ngân quỹ, hỗ trợ kinh doanh.

Ngân hàng ACB cũng đang tìm kiếm 500 nhân sự có kinh nghiệm cho các chức danh giám đốc và chuyên viên trong lĩnh vực quan hệ khách hàng, doanh nghiệp, cá nhân. Nhiều ngân hàng khác đang có nhu cầu tuyển dụng mạnh nhân sự công nghệ như: Kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI), lập trình viên, kiểm thử...

Dù vậy, theo đánh giá từ khối quản trị nhân lực ở một số ngân hàng, việc tuyển dụng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số là vấn đề nan giải của nhiều ngân hàng hiện nay. Trước tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực số trong nước, nhiều ngân hàng phải tổ chức chiến dịch vươn ra tìm kiếm nhân tài gốc Việt tại Singapore, Úc, Anh…

Chia sẻ với báo chí, bà Đặng Trịnh Nhã Hương - Giám đốc khu vực miền Nam của nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng lớn Navigos Search cho biết, ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam đang tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động nên có nhu cầu rất lớn về nhân sự cho quá trình chuyển đổi số.

Việc phát triển công nghệ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng khiến nhiều nhà băng ưu tiên tuyển dụng những nhân sự có năng lực công nghệ số để hỗ trợ quá trình số hóa toàn diện, những nhân sự có thế mạnh về công nghệ lõi như: AI, Big Data (dữ liệu lớn), Blockchain (chuỗi khối)... Đây là nhóm nhân lực đang được săn đón tại Việt Nam nhưng nguồn cung không dồi dào.

Đánh giá của Navigos Search cũng cho thấy những vị trí nghiệp vụ như chuyên gia dữ liệu, kỹ sư tài chính hay lập trình viên được các ngân hàng tìm kiếm nhiều nhất, có mức lương cao nhưng thiếu hụt nguồn cung.

Trong khi đó, công tác đào tạo nội bộ chưa đáp ứng kịp nhu cầu, chất lượng nhân lực tuyển mới tuy có trình độ nhưng phải đào tạo thêm mới làm được việc.

Phát triển nguồn nhân lực luôn là yếu tố cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngành ngân hàng đang tích cực ứng dụng các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và chuỗi khối. Những công nghệ này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ mà còn nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Song hành với sự phát triển của công nghệ ngân hàng là những yêu cầu về lực lượng nhân sự được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng số. Các chuyên gia nhân lực nhận định, sự phát triển của công nghệ thông tin tạo ra những điều kiện mới cho xã hội tri thức, trong đó năng lực số là yếu tố quan trọng để người lao động có thể học tập và làm việc hiệu quả.

Tuy nhiên, các ngân hàng đang khó khăn trong việc xây dựng khung năng lực số chung cho toàn ngành, điều này dẫn tới khó khăn và thiếu đồng bộ trong đánh giá chất lượng nguồn nhân lực cũng như xác định các tiêu chuẩn đào tạo, tuyển dụng.