Luật Báo chí (sửa đổi) phải kiến tạo sự phát triển, mở ra không gian sáng tạo mới
Sáng ngày 17/4, tại buổi làm việc với các cơ quan báo chí chủ lực về dự án Luật Báo chí (sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh Luật Báo chí phải kiến tạo sự phát triển, mở ra không gian sáng tạo mới và báo chí phải trở thành một nhóm ngành của công nghiệp văn hóa.
Sáng 17/4, tại Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng có buổi làm việc với các cơ quan báo chí chủ lực về dự án Luật Báo chí (sửa đổi).
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau khi Bộ VHTTDL tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã ngay lập tức có các cuộc làm việc với Cục Báo chí và các Cục, Vụ liên quan về vấn đề xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi).
Bộ trưởng khẳng định, xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) là nhiệm vụ chính và quan trọng hàng đầu của Cục Báo chí trong thời gian tới. Để đảm bảo tiến độ xây dựng và chất lượng của dự án Luật Báo chí (sửa đổi), đồng thời đảm bảo luật khi được ban hành có "tuổi thọ" lâu dài, Bộ trưởng yêu cầu công tác xây dựng Luật phải quán triệt quan điểm mới nhất của Đảng, Nhà nước đó là Luật Báo chí phải kiến tạo sự phát triển, mở ra không gian sáng tạo mới và báo chí phải trở thành một nhóm ngành của công nghiệp văn hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định việc sửa Luật Báo chí là vấn đề khó, trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ bùng nổ, sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động sâu sắc đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh quy hoạch, sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay sẽ đặt ra nhiều vấn đề mới trong việc xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi), Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các cơ quan báo chí chủ lực đóng góp các ý kiến đi thẳng vào những băn khoăn, trăn trở của hoạt động báo chí hiện nay.
Theo Cục Báo chí, Bộ VHTTDL, việc xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí, đặc biệt là định hướng của Đại hội XIII của Đảng: "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại" và quy định của Hiến pháp năm 2013.
Việc sửa Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, luật hoá những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm; rà soát, xác định rõ phạm vi những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh.
Dự thảo Luật sửa đổi sẽ tập trung vào 4 nội dung lớn bao gồm: Tăng cường công tác quản lý hoạt động báo chí; Nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; Thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; Điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.
Các quy định của Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ chặt chẽ hơn nhưng vẫn đảm bảo hành lang thông thoáng để cơ quan báo chí phát triển; nhất là khuyến khích các cơ quan báo chí phát triển đa nền tảng, đa dịch vụ; thúc đẩy kinh tế báo chí.
Việc sửa Luật cũng sẽ khắc phục hạn chế của quy định hiện hành, phân biệt rõ báo và tạp chí để chống "báo hóa" tạp chí, quy định cụ thể các nội hàm, khái niệm để có các quy định điều chỉnh phù hợp; Khắc phục tình trạng "tư nhân hóa" báo chí, báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích; Quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền cơ quan quản lý nhà nước về báo chí của địa phương.
Đồng thời, tạo môi trường cho tạp chí khoa học phát triển lành mạnh; không bị biến tướng thành báo và tạp chí thông thường; khắc phục những tồn tại, bất cập trong quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trong thời gian qua...