Mạnh dạn đưa robot AI phục vụ hành chính công

15:53, 24/07/2025

Là cấp chính quyền gần dân, sát dân nhất, phường Cửa Nam, TP. Hà Nội đã ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp khi triển khai chính quyền 2 cấp.

Tại Tọa đàm: "Chuyển đổi số - Cầu nối "sống còn" giữa hai cấp chính quyền địa phương" sáng nay (24/7), bà Trịnh Ngọc Trâm, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, TP. Hà Nội ứng dụng chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Là cấp chính quyền gần dân, sát dân nhất, phường Cửa Nam đã ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bà Trịnh Ngọc Trâm, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, TP. Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo bà Trịnh Ngọc Trâm, để ứng dụng chuyển đổi số trong cải cách hành chính, thủ tục hành chính hiệu quả khi bắt đầu vận hành chính quyền địa phương hai cấp tại phường Cửa Nam, chúng tôi đã xác định những yếu tố quan trọng để có thể vận hành trơn tru.

Việc đầu tiên là công tác bồi dưỡng, đào tạo được chúng tôi chuẩn bị kỹ càng cũng như đồng hành, đã có khoảng 10 ngày triển khai vận hành thử nghiệm.

Phường đã lập một phòng giả định để triển khai thực hiện hành chính công và tại đó, đặt ra rất nhiều tình huống để có thể triển khai trong ngày đầu tiên.

Trong quá trình triển khai vận hành thử nghiệm đó, đã chỉ ra rất nhiều tồn tại, khó khăn và chúng tôi đã tổng hợp lại để cùng nhau tháo gỡ. Khi vận hành vào ngày mùng 1/7, chính vì sự chuẩn bị kỹ càng như vậy nên những vướng mắc ban đầu chưa phải là quá nhiều.

Tuy nhiên, đồng hành quá trình triển khai thực hiện, phường xác định sự quan trọng đối với một chính quyền cơ sở là đang có một sứ mệnh gần dân, sát dân nhất. Vậy thì thực hiện thủ tục hành chính làm sao để người dân ra với phường, ra với chính quyền gần dân nhất ấy phải thực sự hài lòng.

Phó Chủ tịch phường Cửa Nam chia sẻ, bên cạnh việc trang bị những kiến thức, kỹ năng cho cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hành chính công, chúng tôi cũng trăn trở cần phải làm gì để người dân ra với chính quyền cơ sở phải cảm thấy hài lòng. Chúng tôi đã trao đổi cùng các chuyên gia, các trường đại học cũng như tranh thủ xin ý kiến các cấp lãnh đạo và đã mạnh dạn đưa robot AI phục vụ hành chính công. Chúng tôi mong muốn rằng chính quyền cơ sở gần dân, sát dân như một không gian thực sự thân thiện và gần gũi với người dân.

Về thuận lợi, bà Trịnh Ngọc Trâm cho biết, người dân rất ủng hộ thực hiện sắp xếp mô hình chính quyền hai cấp, thứ hai là thời gian vừa qua, cả nước cũng như Thủ đô Hà Nội đang triển khai diện rộng về hệ thống dữ liệu, phủ rộng trên rất nhiều các lĩnh vực để người dân được tiếp cận. Khi người dân được trang bị, tiếp cận với nền tảng công nghệ như vậy thì sẽ là một điều kiện hết sức quan trọng và thuận lợi cho triển khai Nghị quyết 57 vào đời sống.

"Ở cơ sở, chúng tôi thấy các bác lớn tuổi cũng đã sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng công nghệ và làm rất tốt tất cả thủ tục cũng như những hoạt động cơ bản, truy cập và thậm chí là nhận giấy mời qua Zalo. Như vậy, nhận thức của người dân, đặc biệt là việc người dân chủ động tiếp cận với công nghệ, cũng sẽ là một sự thuận lợi để chúng ta có thể triển khai nhiều mô hình sáng tạo", bà Trịnh Ngọc Trâm chia sẻ.

Về khó khăn, bà Trịnh Ngọc Trâm cho biết sau khi sắp xếp, sáp nhập, khối lượng công việc đối với cấp phường rất lớn. Khối lượng công việc lớn đòi hỏi cán bộ phải tiếp tục rèn luyện và nâng cao, phải sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thử thách.

Vì vậy, trong thời gian đầu tiên, những cán bộ ở cấp cơ sở, thậm chí là lãnh đạo chính quyền, luôn phải đồng hành cùng anh em để tháo gỡ khó khăn để có thể triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Chúng tôi nghĩ rằng có khó khăn nhưng với niềm tin của nhân dân cũng như sự đồng hành, ủng hộ của các cấp lãnh đạo là cấp cơ sở có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ.