Microsoft hợp tác với các nhà xuất bản tin tức châu Âu để lấy tiền từ Big Tech
Theo Financial Times, Microsoft đã hợp tác với các nhà xuất bản châu Âu để làm sâu sắc thêm những rắc rối của Google và Facebook. Công ty có trụ sở tại Seattle, Mỹ vừa khởi động dự án phát triển một hệ thống trọng tài kiểu Úc cho EU, buộc Big Tech phải trả tiền cho tin tức.
Động thái của công ty Microsoft bị đánh giá là một trong những động thái "trơ trẽn" nhất nhưng chưa phù hợp với ngành báo chí, khai thác những khó khăn của các đối thủ ở Thung lũng Silicon và quảng bá công cụ tìm kiếm Bing của riêng mình như một sự thay thế thân thiện với bản quyền cho tin tức.
Microsoft đang hợp tác với các nhà xuất bản châu Âu để thúc đẩy một hệ thống giúp các nền tảng Big Tech trả tiền cho tin tức. |
Dự án liên quan đến việc Microsoft làm việc với 4 nhóm vận động hành lang hàng đầu của châu Âu cho các nhà xuất bản tin tức để phát triển một giải pháp pháp lý để “ủy thác thanh toán” cho việc sử dụng nội dung của “những người gác cổng có quyền lực thống trị thị trường”.
Liên minh không chính thức đề xuất rằng kế hoạch được bổ sung vào luật sắp tới của EU về Big Tech, bao gồm Hội đồng các nhà xuất bản châu Âu, News Media Europe và các hiệp hội dành cho các nhà xuất bản tạp chí và báo ở châu Âu, cùng đại diện cho hàng nghìn hãng tin tức.
Microsoft và các nhà xuất bản cho rằng họ sẽ hỗ trợ một hình thức trọng tài và xem xét kỹ mô hình được phát triển ở Úc. Điều này khiến Google thực hiện một loạt các thỏa thuận cấp phép và Facebook ngừng chia sẻ tin tức của Úc trên dịch vụ của mình.
Giám đốc điều hành truyền thông người Bỉ, ông Christian Van Thillo, Chủ tịch Hội đồng các nhà xuất bản châu Âu, hoan nghênh “sự công nhận của Microsoft” về giá trị “nội dung của chúng tôi mang lại cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của công cụ tìm kiếm và mạng xã hội”.
Trước sự thất vọng của các đối thủ, Microsoft đã đưa ra sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng đối với các cải cách của Úc và kêu gọi các chính phủ khác làm theo.
Tiết lộ về dự án với các nhà xuất bản châu Âu, Phó chủ tịch của Microsoft Casper Klynge cho biết: Khả năng tiếp cận tin tức chất lượng là rất quan trọng đối với sự thành công của các nền dân chủ của chúng ta.
Hệ thống của Úc đã lọt vào mắt xanh của các cơ quan quản lý trên toàn thế giới, những người cũng đang tìm cách trao quyền cho các nhà xuất bản trong các cuộc đàm phán cấp phép với Google và Facebook.
Bộ trưởng Truyền thông Úc Paul Fletcher cho biết: mối quan hệ giữa các công ty truyền thông và các nền tảng công nghệ đã trở nên mất cân bằng. Ảnh: EPA. |
Canada đang chuẩn bị các luật theo kiểu Úc, còn EU và Anh đang tìm cách nhập các yếu tố của hệ thống vào các luật sắp tới. Vẫn chưa rõ liệu tính toán của các nhà lập pháp có bị thay đổi bởi quyết định tẩy chay tin tức ở Úc của Facebook hay không.
Gần đây, các chính phủ Liên minh châu Âu đang trong quá trình thực hiện một cuộc sửa đổi về luật bản quyền. Điều này củng cố thêm yêu cầu của các nhà xuất bản về việc đòi bồi thường cho việc sử dụng các đoạn tin tức của Google.
Nhưng các giám đốc điều hành trong ngành và một số chuyên gia lo ngại rằng các điều khoản, không bao gồm bất kỳ hệ thống trọng tài nào để giải quyết tranh chấp, quá dễ dàng cho các nhóm Big Tech bỏ qua. Gần đây, Google đã đạt được thỏa thuận cấp phép với các nhà xuất bản Pháp, nhưng họ trả số tiền nhỏ hơn nhiều so với các thỏa thuận đã đạt được với các nhà xuất bản Úc.
Chủ tịch Fernando de Yarza của News Media Europe cho biết: “Kinh nghiệm ở Pháp và Úc đã cho chúng tôi thấy rằng thực sự cần một công cụ ràng buộc”.
Google và Facebook đều chỉ trích mạnh mẽ các cải cách của Úc là không khả thi và không công bằng. Google cho biết: “Chúng tôi đã có hàng trăm quan hệ đối tác với các nhà xuất bản tin tức lớn, nhỏ trên khắp châu Âu, khiến chúng tôi trở thành một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho ngành báo chí”.
Theo nhipcaudautu.vn