Microsoft khó xử với khách hàng vì Snowden
07:00, 27/08/2013
Microsoft đã viết thư cho Nhà trắng yêu cầu được công bố thêm thông tin về chương trình gián điệp Prism của NSA. Không có lý do nào khác ngoài việc khách hàng của hãng này đang gây sức ép buộc “ông trùm” phần mềm phải làm vậy.
Microsoft đang khó ăn khó nói với khách hàng sau khi Prism bị cựu nhân viên nhà thầu Edward Snowden tiết lộ ra ngoài công chúng. Theo đó, dưới sức ép của chính phủ Mỹ, Microsoft cũng như nhiều hãng công nghệ lớn khác của Mỹ như Google, Yahoo, Apple, và Facebook buộc phải cung cấp các cơ chế cho phép chính phủ tiếp cận thông tin khách hàng cá nhân dưới vỏ bọc cuộc chiến chống khủng bố. Các tài liệu bị công bố cho thấy Microsoft đã giúp NSA tiếp cận hòm thư Outlook, Hotmail, Skype, cũng như các dịch vụ dữ liệu đám mây khác của hãng. Microsoft đã phải cung cấp các công cụ để chính phủ vượt qua cơ chế mã hóa thông tin nhằm do thám khách hàng của hãng.
Đáng sợ Xbox!
Việc sử dụng các dịch vụ của Microsoft cho mục đích gián điệp đã gián tiếp biến chúng thành các công cụ thu thập thông tin đáng sợ. Xbox và Kinect chính là trợ thủ đắc lực nhất. Camera của Kinect 2.0 luôn trong chế độ bật, có thể nghe, xem hay thậm chí là đo được cả nhịp tim người dùng. Thiết bị này chẳng khác gì tai mắt theo dõi gần như không sót thứ gì của người dùng.
Thật khôi hài khi Microsoft từng vận động cho khẩu hiệu: “Riêng tư của bạn chính là ưu tiên của chúng tôi”. Xbox One và Kinect 2.0 đang hứng chịu nhiều chỉ trích nhất bởi cơ chế online thường xuyên để gửi thông tin về máy chủ Microsoft. Kể cả trước khi PRISM bị lộ đã có nhiều lo ngại về việc dữ liệu Kinect 2.0 ghi chép lại có thể bị lợi dụng cho các mục đích phi pháp. Và nay, rõ ràng là NSA đã tiếp cận không giới hạn vào máy chủ Microsoft và đương nhiên người dùng bị theo dõi gần như không thiếu thứ gì. Microsoft từng bào chữa một cách yếu ớt rằng người dùng có thể tắt Kinect để ngăn chặn điều này, nhưng thử hỏi mấy ai làm điều đó. Xbox One và Kinect là phần cứng chơi game trực tuyến đòi hỏi người dùng hầu như phải online 24/24 trên mạng, và theo đó thông tin cá nhân của họ cũng được gửi liên tục về máy chủ Microsoft.
Trong một thông báo trả lời báo chí, Microsoft nói rằng hãng chỉ cung cấp dữ liệu cho chính phủ khi có lệnh của tòa án. “Chúng tôi chỉ cung cấp dữ liệu khách hàng khi nhận được trát của tòa và không bao giờ làm đó điều trên cơ sở tự nguyện. Thêm nữa, chúng tôi chỉ đáp ứng yêu cầu đối với một số lượng giới hạn các tài khoản và nhận dạng người dùng. Nếu chính phủ triển khai chương trình an ninh quốc gia trên cơ sở tự nguyện để thu thập dữ liệu khách hàng thì chắc chắn chúng tôi không bao giờ tham gia”.
Yêu cầu công khai thông tin
Giờ thì Microsoft đang kẹt trong thế phải làm một việc gì đó để không bị khách hàng tẩy chay. Hãng đã viết một lá thư cho Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Eric Holder cảnh báo chính quyền rằng “Hiến pháp đang bị thử thách”, và rằng hãng muốn được quyền công bố thêm thông tin và làm rõ về chương trình PRISM cho khách hàng. “Như chúng tôi được biết, Hiến pháp Mỹ đảm bảo quyền tự do cơ bản trong tự do ngôn luận trừ khi cần giữ im lặng trong một số trường hợp xâm hại tới lợi ích của chính phủ. Giờ là lúc chúng ta đối diện với một số thực tế hiển nhiên. Nhiều tài liệu về PRISM đã lộ ra ngoài công chúng và việc chúng tôi cần chia sẻ thêm thông tin về chương trình này đã không còn vi phạm lợi ích của chính phủ nữa”. Trên trang blog của Microsoft, một luật sư của công ty cũng nói rõ rằng ngay sau khi Microsoft được chính phủ “bật đèn xanh”, hãng sẽ công bố thông tin ngay lập tức.
Không chỉ có Microsoft lo nghĩ về PRISM. Trong một phát biểu gần đây, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg cũng bày tỏ sự lo ngại cao độ, nhất là khi báo chí biết được Facebook đã cho phép chính phủ thâm nhập vào thông tin người dùng. Trong khi đó, sếp của Google là Larry Page thì tỏ ra cay cú: “Những bài báo nói rằng Google đang cung cấp sự tiếp cận không giới hạn tới dữ liệu người dùng của chúng tôi là hoàn toàn sai sự thật”. Trong số các hãng công nghệ “nạn nhân” này hiện chỉ có mỗi Microsoft yêu cầu Nhà Trắng công khai thêm thông tin về chương trình PRISM.
Đương nhiên các đại gia công nghệ không phải vô can trước sự nổi giận của người dùng, nhưng dù sao việc họ yêu cầu chính phủ Mỹ cung cấp thêm thông tin cũng đáng được hoan nghênh hơn là không làm gì. Những tiết lộ động trời về PRISM không chỉ cho thấy sự vi phạm nghiêm trọng tới quyền tự do mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh người dùng về lòng tin đối với các nhà cung cấp dịch vụ mà họ tham gia.
Gia Nguyễn