Mở rộng tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ qua thương mại điện tử

17:42, 21/12/2023

Thành phố Hà Nội sẽ tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng qua các kênh thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa…

Các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP được đưa lên các kênh thương mại điện tử. Ảnh minh họa

Theo kế hoạch về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố năm 2024 của UBND TP. Hà Nội, Thành phố đặt mục tiêu giữ vững xếp hạng từ thứ hai trở lên so với cả nước về Chỉ số thương mại điện tử (EBI) hằng năm.

Doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng và tính cho cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 13% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố; tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 53%.

Về thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử, thành phố Hà Nội phấn đấu đạt 48%; các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử đạt 69%.

Về website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến, Thành phố phấn đấu đạt 79%; doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử đạt 49%; doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động đạt 39%.

Đồng thời, duy trì 100% số chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc; khai thuế, nộp thuế điện tử, duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt 100%.

Hoàn thuế điện tử 100% doanh nghiệp thuộc đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng trường hợp xuất khẩu, đầu tư đăng ký sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử; 100% số doanh nghiệp, tổ chức đăng ký phát hành hóa đơn điện tử; 95% doanh nghiệp, tổ chức đăng ký phát hành sử dụng Hóa đơn điện tử; đưa vào quản lý 90% số cơ sở kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn thành phố (loại trừ các trường hợp hộ cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ...).

Về tỷ lệ thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt, thành phố Hà Nội phấn đấu đạt 100%; tỷ lệ thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt 100%...

Thành phố cũng tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng qua các kênh thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn.

Cùng với đó, phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công; bảo đảm an ninh, an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại điện tử.

Ngoài ra, Thành phố còn phát triển hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics trên địa bàn Thành phố và mở rộng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trên cả nước…

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

(https://thanglong.chinhphu.vn/mo-rong-tieu-thu-san-pham-thu-cong-my-nghe-qua-thuong-mai-dien-tu-103231221160621018.htm)