TikTok đang nỗ lực xin giấy phép kinh doanh thương mại điện tử tại Indonesia

13:10, 02/12/2023

TikTok đang nỗ lực xin giấy phép kinh doanh thương mại điện tử tại Indonesia sau khi nước này áp đặt lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử trên mạng xã hội, một động thái được xem là đòn đánh mạnh vào TikTok, đặc biệt là khi công ty này đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào khu vực Đông Nam Á, trong đó có Indonesia.

Antara, hãng thông tấn chính thức của Indonesia, thông báo rằng ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok đang tiến hành quá trình xin giấy phép kinh doanh thương mại điện tử từ Chính phủ Indonesia.

Ngày 27/9, Indonesia đã ban hành lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử trên mạng xã hội, một động thái được coi là tác động lớn đối với TikTok, có 125 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tại Indonesia, quốc gia có hơn 270 triệu dân. TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc), đang nỗ lực chuyển đổi cơ sở người dùng thành nguồn doanh thu từ thương mại điện tử.

Thứ trưởng Thương mại Indonesia, Jerry Sambuaga, cho biết TikTok trước đây đã vi phạm quy định và không có giấy phép. Tuy nhiên, hiện tại, họ đang giải quyết vấn đề này và có thể hợp tác với các công ty địa phương miễn là tuân thủ các quy định.

TikTok đang tiến hành đàm phán với các công ty thương mại điện tử Indonesia như Tokopedia, Bukalapak.com, và Blibli của GoTo để thúc đẩy doanh thu thương mại điện tử. Ngoài TikTok, các mạng xã hội khác ở Indonesia, như Facebook và Google, cũng đã nộp đơn xin giấy phép thương mại điện tử để tuân thủ các quy định mới của nước này.

Indonesia, với dân số hơn 270 triệu người, đặc biệt là một thị trường trọng điểm cho thương mại điện tử, chiếm 52% tổng giá trị hàng hóa bán ra trên sàn thương mại điện tử của khu vực Đông Nam Á vào năm 2022. TikTok đã hoạt động thành công ở Indonesia và khu vực này, với GMV tăng từ 600 triệu USD vào năm 2021 lên đến 4,4 tỷ USD vào năm 2022, trước khi bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm mới.

Trước đó, mạng xã hội TikTok đã bị cơ quan bảo vệ dữ liệu của Ireland (DPC) phạt số tiền lên tới 345 triệu euro (tương đương 370 triệu USD, khoảng 8.000 tỉ đồng) vì vi phạm các quy định về quyền riêng tư liên quan đến dữ liệu cá nhân của trẻ em do Liên minh châu Âu (EU) ban hành.

Cụ thể, trước ngày 31-12-2020, TikTok đã đặt mặc định quyền riêng tư của các tài khoản dưới 16 tuổi là "công khai". Cho đến tháng 1-2021, mới bắt đầu thay đổi quy định mặc định cho đối tượng này thành "riêng tư". Hành động này đã vi phạm Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của EU. Ngoài ra, mạng xã hội này cũng vi phạm nhiều quy định khác liên quan đến bảo mật dữ liệu trẻ em của EU.

Đáng chú ý, TikTok đã bị tố cáo về việc gửi dữ liệu cá nhân người dùng về Trung Quốc và việc tuân thủ quy định của EU về việc đưa dữ liệu ra khỏi khu vực này. DPC đang tiến hành một cuộc điều tra khác về vấn đề này và dự kiến sẽ đưa ra kết luận trong thời gian tới.

Theo Tạp chí Điện tử & Ứng dụng

(https://dientuungdung.vn/tiktok-dang-no-luc-xin-giay-phep-kinh-doanh-thuong-mai-dien-tu-tai-indonesia)