MoMo cho phép người dùng họp chợ online mùa dịch
Mới đây, Ví MoMo vừa ra mắt tính năng "Có gì bán nấy" giúp các cá nhân tự kinh doanh, tiểu thương, doanh nghiệp nhỏ... có thể đưa ngay các sản phẩm của mình lên MoMo và chia sẻ qua QR code hay đường link. Như vậy, sau lĩnh vực tín dụng với ví trả sau, MoMo đã chính thức bước chân vào TMĐT với mô hình C2C.
Theo MoMo, tính năng "Có gì bán nấy" được ra mắt với mong muốn có thể hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn của người dân trong việc mua lương thực, thực phẩm khi giúp kết nối nhanh người bán và người mua trong thời điểm các tỉnh, thành phố siết chặt giãn cách "ai ở đâu, ở yên đấy". Tính năng này còn có thể dễ dàng áp dụng cho hình thức đi chợ hộ, mua chung đang được các hộ gia đình trong các chung cư, cư dân các quận/huyện… ưa chuộng trong thời gian gần đây.
Luôn đặt người dùng làm trung tâm, MoMo thấu hiểu tất cả những lo lắng thường nhật của mọi người, đồng thời hiểu rằng mỗi người mỗi gia đình cần có sức khỏe và vững tâm để vượt qua được đại dịch. Từ đó, đội ngũ kỹ sư cùng với công nghệ lõi tự phát triển và sự chủ động về công nghệ, MoMo luôn nhanh chóng phát triển những tính năng giải quyết các tình huống cấp bách của xã hội. Chỉ trong thời gian ngắn, tính năng "Có gì bán nấy" được gấp rút thực hiện, nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa cấp thiết trong mùa dịch.
Người bán hàng chỉ cần có tài khoản MoMo và vào tính năng "Có gì bán nấy" tạo danh sách sản phẩm đang bán, bao gồm tên sản phẩm, đơn vị, giá thành, hình ảnh... Với mỗi nhóm sản phẩm đang bán, người bán có thể thiết lập từng mặt hàng riêng. Việc tạo "gian hàng online" này hoàn toàn miễn phí và không cần đợi xét duyệt.
Với gian hàng đã tạo, người bán dễ dàng giới thiệu gian hàng của mình đến nhiều người thông qua QR code hoặc đường link dẫn trực tiếp đến "gian hàng online". Việc chia sẻ QR code hoặc đường link gian hàng này trên các group cộng đồng, cư dân khu vực lân cận thuận tiện cho giao hàng trong tình hình giãn cách xã hội.
Đặc biệt, sau khi người mua chốt đơn và chuyển tiền thanh toán, người bán sẽ có danh sách được tổng hợp theo Nhóm sản phẩm, sản phẩm riêng lẻ, người đặt,… tại mục "Quản lý đơn hàng" giúp việc tổng hợp đơn hàng được thuận lợi, đơn giản. Không chỉ dừng ở đó, ở công đoạn cuối cùng là giao/nhận hàng, tính năng cũng hỗ trợ người bán ghi chú và đánh dấu đơn hàng "đã giao" hoặc "chưa giao" cùng với bảng thống kê chi tiết tất cả đơn hàng để tiện theo dõi.
Tất cả quá trình mua bán, chốt đơn, chuyển tiền đều được thực hiện ngay trên ứng dụng MoMo. Bên cạnh trải nghiệm all in one (tất cả trong một) ưu việt này, việc thanh toán không tiền mặt bằng MoMo còn giúp hạn chế tiếp xúc, tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Chỉ trong vài ngày ra mắt thử nghiệm, tính năng nhanh chóng nhận được sự đón nhận của mọi người và được nhiều người bán sử dụng bán các mặt hàng theo thời vụ như đặc sản địa phương, bán đồ ăn thức uống tự làm, gom hàng để cung cấp cho cộng đồng cư dân trong giai đoạn giãn cách...
Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập, Phó chủ tịch Ví MoMo, cho biết, tính năng "Có gì bán nấy" đã được đội ngũ công nghệ của MoMo nỗ lực triển khai trong thời gian rất ngắn với mong muốn nhanh chóng hỗ trợ người dân mua sắm các hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch.
"Chúng tôi tin rằng hình thức mua bán giữa các cá nhân và hộ kinh doanh nhỏ sẽ trở nên ngày càng phổ biến, đặc biệt tại các đô thị đông đúc. MoMo sẽ tiếp tục hoàn thiện dần tính năng này và đẩy mạnh thành một sản phẩm chủ lực, dựa trên nền tảng thanh toán an toàn, tiện lợi sẵn có", ông Diệp chia sẻ thêm.
Trước đó, Zalo Connect cũng đã cho ra mắt tính năng "Đi chợ gần nhà" để tìm kiếm người đi chợ hộ hoặc đặt mua các loại thực phẩm thiết yếu, thuốc men trong khu vực sinh sống qua Zalo Connect. Người dùng muốn đi chợ giúp người khác hoặc mở gian hàng thiết yếu có thể đăng ký thông tin tại mục "Đăng ký bán hàng".
PV