Một sự nghiệp vĩ đại được dẫn dắt bởi một con người bình dị
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất lớn lao của Đảng và Đất nước ta và tạo ra sự hụt hẫng trong nhân dân. Từ lâu, Tổng Bí thư đã trở thành biểu tượng của Đảng và là chỗ dựa niềm tin của toàn dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tạo buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập ĐHQGHN (1993-2013), ngày 9/12/2013.
Rất nhân văn, trọng nghĩa tình và hết sức gần gũi, gắn bó với nhân dân
Tôi đang bồi hồi nhớ lại những ngày giáp Tết trước thềm Xuân Tân Mão (2011), khi Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI vừa thành công tốt đẹp. Hòa chung với niềm vui cả nước, chúng tôi vô cùng phấn khởi khi GS. Nguyễn Phú Trọng, người sinh viên ưu tú của Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội, được Đại hội tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư.
Với niềm tự hào khôn xiết, Ban Lãnh đạo Đại học Quốc gia xin được lên chúc Tết Tổng Bí thư. Thật bất ngờ, chúng tôi nhận được lời từ chối hết sức nhẹ nhàng, đại ý: Rất cảm ơn các bạn và chúc toàn thể cán bộ, sinh viên nhà trường những điều tốt đẹp nhất nhân dịp năm mới sắp đến, nhưng cho mình xin lỗi vì năm nay mình sẽ không tiếp lãnh đạo đơn vị nào lên chúc Tết đâu.
Chưa hết thất vọng thì đột nhiên chúng tôi lại nhận niềm vui bất ngờ. Qua điện thoại, vẫn chất giọng nhẹ nhàng, tình cảm ấy, Tổng Bí thư nói mình không tiếp các đoàn lãnh đạo lên chúc Tết là để cho lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương tập trung lo cho công việc vào dịp cuối năm bận rộn, thay vì phải dành thời gian cho những nghi lễ chúc tụng lãnh đạo. Còn đối với Đại học Quốc gia Hà Nội mà tiền thân là Đại học Tổng hợp Hà Nội, ngôi trường gắn bó với mình từ thời sinh viên, thì sẽ rất vui nếu được đón tiếp các thầy, cô.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là cựu sinh viên Khoa Ngữ Văn, khóa 8, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (người đứng thứ hai từ trái sang, chụp tháng 2/1965 ở ký túc xá Mễ Trì, Hà Nội).
Và thế là với túi quà là những cuốn sách, anh em chúng tôi cùng với đại diện một số nhà giáo lão thành của Đại học Quốc gia Hà Nội đã có dịp diện kiến tân Tổng Bí thư. Cuộc gặp gỡ diễn ra hết sức giản dị nhưng vô cùng ấm cúng và thân mật. Buổi gặp mặt thân tình ấy đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp về một vị Tổng Bí thư rất nhân văn, trọng nghĩa tình và hết sức gần gũi với anh em.
Trong không khí thân thiết và cởi mở, tôi đã ngỏ lời xin Tổng Bí thư một số hình ảnh thời sinh viên để trưng bày trong phòng truyền thống. Chúng tôi thật bất ngờ khi được nghe Tổng Bí thư say sưa chia sẻ những kỷ niệm đẹp về thời gian học tập dưới mái trường Đại học Tổng hợp và hứa sẽ tặng phòng truyền thống Nhà trường những kỷ vật mà Giáo sư Nguyễn Phú Trọng đã nâng niu, gìn giữ suốt hơn nửa thế kỷ qua. Sau đó phòng truyền thống đã nhận được những tư liệu quý, trong đó có cuốn luận văn tốt nghiệp "Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu" do thầy Đinh Gia Khánh hướng dẫn và những tấm hình chụp với các bạn sinh viên khoá 8 khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Nhà tư tưởng có tầm nhìn chiến lược
Không chỉ là một nhà lãnh đạo bình dị, khiêm tốn, chân thành, gần gũi anh em, sâu sát thực tế, gắn bó với nhân dân và luôn lắng nghe ý kiến của quần chúng, Tổng Bí thư còn là nhà tư tưởng có tầm nhìn chiến lược.
Tôi còn nhớ trong buổi gặp gỡ các nhà khoa học dự Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ 5 ngày 15/12/2016, các học giả nước ngoài tất thảy đều ngỡ ngàng và bày tỏ sự ngưỡng mộ khi GS. Nguyễn Phú Trọng thể hiện kiến thức uyên bác và đưa ra ý kiến thuyết phục, rằng chỉ trong vòng 30 năm nữa thôi (nghĩa là vào dịp kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 100) Việt Nam sẽ đứng vào hàng ngũ các nước phát triển.
Với ý chí đó của người đứng đầu Đảng, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Tư tưởng lớn của Tổng Bí thư đã được quán triệt tới toàn Đảng toàn dân là phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để đưa đất nước đi lên.
Là một nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Giáo sư Nguyễn Phú Trọng hiểu sâu sắc tầm quan trọng của văn hoá đối với sự phát triển bền vững của Đất nước.
Tại Hội nghị văn hoá toàn quốc ngày 24/11/2021, cùng với việc nhấn mạnh tư tưởng "văn hóa soi đường cho quốc dân đi" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư đã đưa ra quan điểm có tính nền tảng "văn hoá là hồn cốt của dân tộc". Đó chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc, là tài nguyên vô tận giúp đất nước tạo ra lợi thế con người trong quá trình hội nhập và đi lên trong quá trình toàn cầu hoá.
Cũng chính từ tư tưởng này mà người đứng đầu Đảng đã đưa ra triết lý "ngoại giao cây tre" mềm dẻo dựa trên những nguyên tắc kiên định vững vàng. Đó là sự phát triển trong tình hình mới tư tưởng ngoại giao "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Hồ Chủ tịch.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Barack Obama đã bỏ qua các nguyên tắc ngoại giao của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ để trân trọng mời và tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước và mới đây Tổng thống Joe Biden lại một lần nữa phá lệ nhận lời mời của người đứng đầu Đảng sang thăm chính thức Việt Nam, nâng vị thế đất nước lên một tầm cao mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt Lớp Văn 8 (1963-1967), Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Củng cố niềm tin của Dân đối với Đảng
Di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho Đảng và dân tộc thật đồ sộ. Đóng góp của một trí thức lớn cho sự nghiệp phát triển đất nước thật vô cùng lớn lao, khó lòng kể hết. Nhưng lịch sử sẽ mãi nhớ ghi công lao của ông cho một sự nghiệp vĩ đại. Đó là củng cố niềm tin của Dân đối với Đảng.
Trong quá trình mở cửa hội nhập và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo ở các cấp đã thoái hoá, biến chất, lao vào con đường tham nhũng. Tệ nạn tham nhũng không chỉ làm tổn hại đến công quỹ quốc gia mà nghiêm trọng hơn là đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ. Đã có lúc chúng ta từng coi, đây có thể là quốc nạn, là nguy cơ làm sụp đổ chế độ, khuynh đảo quốc gia.
Là người thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, coi cội nguồn sức mạnh của Đảng là Nhân dân mà niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng là động lực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đích thân phát động và trực tiếp chỉ đạo công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực không có giới hạn, không có vùng cấm. Công việc thật gian nan, khó khăn, phức tạp mà nếu không có bản lĩnh, quyết tâm, tài thao lược và nhân cách trong sáng thì khó có thể đạt được thành công như hôm nay.
Thành quả lớn nhất của công cuộc đấu tranh phòng chống tham những là củng cố được lòng tin của Nhân dân với Đảng, với sự nghiệp cách mạng và từ đó tạo nên khí thế hồ hởi trong toàn dân, biến thành quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân dốc lòng thực hiện các quyết sách được Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, thực hiện khát vọng đưa Đất nước đi tới phồn vinh.
Công cuộc phòng chống tham nhũng thành công còn giúp cho việc phát triển một bộ máy lãnh đạo trong sạch, vững mạnh, đủ sức vượt qua mọi khó khăn thử thách đưa đất nước lên hàng những quốc gia hùng cường như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.
Đất nước, Nhân dân, Đảng, các lực lượng vũ trang mãi nhớ ghi công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong trái tim mỗi người Việt Nam yêu nước sẽ luôn khắc ghi hình ảnh một trí thức uyên bác, giàu lòng nhân ái, bình dị giữa đời thường, đã xả thân vì sự nghiệp lớn của Đảng và dân tộc.
Xin được kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn Giáo sư!
Theo Báo điện tử Chính phủ