Motorola Moto G (2014) – Chưa đủ sức thuyết phục người mua
Sau những thành công nhất định với Moto G (2013), thương hiệu Motorola tiếp tục tung ra bản kế nhiệm Moto G (2014) với nhiều kỳ vọng hơn, dù vẫn hướng đến phân khúc tầm trung. Trong đó, máy có thiết kế cải tiến chút ít, nhưng màn hình lớn hơn dù có cùng độ phân giải, CPU và bộ nhớ RAM. Phiên bản Moto G mới đã thực sự “lột xác" hay chưa?
Thiết kế
Tiếp tục phát huy những lợi thế của "người tiền nhiệm", phiên bản Moto G mới vẫn được Motorola sử dụng cùng một kiểu ngôn ngữ thiết kế, trong đó vừa đảm bảo sự nhỏ gọn vừa mang lại sự thoải mái khi cầm trên tay.
Các góc của máy bo tròn kết hợp với tấm nắp lưng bằng nhựa ở mặt sau hơi cong giúp cho máy ôm tay người dùng hơn khi cầm.
Mặt trước ngoài màn hình chính, camera trước và các cảm biến, chúng ta còn thấy một cải tiến trên Moto G mới đó là hệ thống loa kép ở mặt trước (một ở mép trên, một ở mép dưới), giúp tăng cường trải nghiệm âm thanh cho người dùng, đặc biệt là khi sử dụng điện thoại để nghe nhạc và xem phim.
Giống như phiên bản trước, tấm nắp lưng bằng nhựa ở mặt sau của Moto G (2014) cũng có thể tháo rời để gắn thẻ SIM, thẻ nhớ mở rộng micro SD nhưng không thể thay pin. Thậm chí vị trí của camera, đèn flash và logo M cũng không thay đổi
Cạnh phải gồm nút nguồn và nút điều chỉnh âm lượng.
Cạnh đỉnh gồm cổng cắm tai nghe
Cạnh đáy chỉ có duy nhất cổng microUSB.
Mở tấm nắp lưng ở mặt sau để truy cập vào khe cắm thẻ nhớ microSD và khe cắm thẻ SIM.
Với kích thước 141,5x70,7x11mm, Moto G mới hơn lớn khi cầm trên tay, mặc dù vẫn có thể sử dụng bằng một tay nhưng hơi “gượng” và đặc biệt nếu bỏ túi quần hoặc túi áo sẽ cảm thấy hơi khó chịu.
Màn hình
Màn hình kích thước 5 inch với độ phân giải HD (1.280x720 pixel) của Motorola Moto G (2014) là phù hợp với mức giá. Trong đó, màn hình có khả năng hiển thị hình ảnh tươi sáng, đầy màu sắc và khá chi tiết, có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu giải trí như xem phim HD hay duyệt ảnh độ phân giải cao.
Tuy nhiên, việc tăng kích thước màn hình trên Moto G mới trong khi vẫn giữ nguyên độ phân giải đồng nghĩa với việc mật độ điểm ảnh sẽ giảm từ 329 ppi (trên Moto G cũ) xuống còn 294 ppi, dù không cao nhưng vẫn đảm bảo hình ảnh hiển thị đủ chi tiết.
Với độ sáng tối đa 390 nit, màn hình của Moto G mới chưa đủ tốt để hiển thị dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, mà cần phải che sáng lại mới có thể nhìn thấy nội dung trên màn hình.
Hiệu năng
Giống như các thiết bị tầm trung trong cùng phân khúc, Motorola Moto G (2014) được trang bị vi xử lý lõi tứ Qualcomm Snapdragon 400 xung nhịp 1,2GHz, đồ họa Adreno 305 và bộ nhớ RAM 1GB. Cấu hình này không khác biệt so với "người tiền nhiệm" và vẫn đủ tốt cho đa số người dùng khi sử dụng bình thường.
Thử nghiệm thực tế cho thấy tốc độ kích hoạt ứng dụng nhanh, chuyển đổi giữa các ứng dụng ngay lập tức và di chuyển giữa các màn hình home mượt mà. Nhưng có một ngoại lệ đó là thời gian chụp các bức ảnh liên tục hơi chậm, vì liên quan đến khả năng tự động lấy nét, do đó mà có thể người dùng sẽ bỏ qua một vài khoảnh khắc chuyển động nhanh.
Trong các bài kiểm tra hiệu năng quen thuộc Moto G (2014) cũng thực hiện khá tốt khi so với các đối thủ.
Máy sẽ có hai phiên bản 8GB và 16GB nhưng hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ microSD, cho phép người dùng mở rộng bộ nhớ của máy lên tối đa 32GB.
Camera
Không ngạc nhiên khi phiên bản Moto G mới có camera tốt hơn so với phiên bản cũ. Với camera chính 8 megapixel ở mặt sau (so với 5 megapixel) với ống kính khẩu độ f/2.0 và camera trước cũng tăng lên 2 megapixel (so với 1,3 megapixel).
Chất lượng ảnh chụp nhìn chung đã được cải thiện so với Moto G (2013) và hoàn toàn có thể sử dụng tốt cho nhu cầu sử dụng bình thường. Trong hầu hết các trường hợp, ảnh chụp vẫn có màu sắc chưa gần với thực tế, ngay cả khi chụp trong điều kiện ánh sáng đầy đủ. Mặc dù vẫn có một số trường hợp ngoại lệ ảnh chụp khá tốt.
Ảnh chụp trong tình huống ánh sáng thấp hơn, hơi mờ khi tay người dùng chỉ cần rung nhẹ, các chi tiết khá đầy đủ nhưng vẫn có tỉ lệ nhiễu nhất định. Khi sử dụng đèn flash LED, ảnh chụp được cải thiện tốt hơn.
Chất lượng video tốt khi quay ở độ phân giải HD 720p, hình ảnh sắc nét, ổn định và đặc biệt micro có khả năng ghi âm rất chính xác.
Thời lượng pin
Với pin công suất 2.070mAh (giống như người tiền nhiệm), Moto G (2014) hoàn toàn đủ khả năng đảm bảo một ngày làm việc trọn vẹn, thậm chí là hơn so với đa số người dùng trung bình. Bởi trong thử nghiệm thực tế khi xem video liên tục, máy có thể kéo dài tới 8 giờ 53 phút.
Có nên mua hay không?
Mặc dù có nhiều điều ấn tượng bên trong Moto G mới nhất như màn hình lớn, camera cải tiến, loa tốt hơn… nhưng trên thực tế người dùng Moto G (2013) cũng chưa cần nâng cấp lên phiên bản mới, bởi những cải tiến trên Moto G (2014) là chưa đủ thuyết phục. Nhưng nếu là người mua mới thì đây là chiếc điện thoại đáng xem xét với mức giá dưới 200 USD.
Hoàng Thanh