Motorola Moto G – Smartphone tầm trung, giá tốt
Phân khúc smartphone tầm trung hiện nay đã gần như bão hòa, nhưng có vẻ như Motorola đã chứng minh được rằng người dùng sẽ không cần phải chi trả quá nhiều để có được một chiếc smartphone tầm trung tốt nhất như Moto G.
Motorola Moto G mạnh với bộ vi xử lý lõi tứ, màn hình 4,5 inch độ phân giải HD sắc nét và một thiết kế trẻ trung với nhiều màu sắc để lựa chọn. Nhưng liệu Moto G có phải là sự lựa chọn tốt nhất trong mức giá?
Thiết kế
Motorola Moto G có kích thước khá nhỏ gọn, thiết kế đơn giản với kiểu dáng đẹp. Mặt trước của máy là màn hình chính 4,5 inch được thiết kế với ý tưởng màn hình tràn cạnh viền (edge to edge) được bảo vệ bằng kính cường lực Gorilla Glass 3 với khả năng chống trầy hiệu quả, 4 góc của máy cũng được bo tròn tạm cảm giác mềm mại khi cầm trên tay.
Sát mép trên cùng của màn hình là camera trước 1,3 megapixel ở góc trên bên trái cùng với đèn LED thông báo nhỏ bên cạnh. Ở chính giữa là vị trí loa và bên trái là cảm biến ánh sáng môi trường xung quanh.
Bên dưới sẽ không có nút bấm vật lý nào, thay vào đó là các nút cảm ứng tương tự như các thiết bị Nexus.
Cạnh đáy là khe cắm micro USB và lỗ micro siêu nhỏ
Cạnh đỉnh là cổng cắm tai nghe 3.5 mm cùng với một lỗ microphone nhỏ
Cạnh bên phải gồm có nút nguồn và nút chỉnh âm lượng
Là một thiết bị tầm trung nên tấm nắp lưng của Moto G được thiết kế bằng nhựa nhưng không như Moto X khi người dùng có thể tùy chọn màu sắc cho máy thông qua Motorola Moto Maker, với Moto G hãng Motorola lại cung cấp rất nhiều tùy chọn màu sắc khác nhau có sẵn để người dùng có thể thay đổi vỏ của máy nếu muốn như: Màu đen, màu hồng, màu đỏ, màu vàng…
Dù vậy, vật liệu nhựa có nhược điểm là dễ bị những vết ố và dính bám dấu vân tay khi sử dụng lâu dài. Mặc dù người dùng có thể mở tấm tấm nắp lưng của máy để thay vỏ và lắp thẻ micro SIM nhưng pin của máy là không thể tháo rời, đồng thời Moto G cũng thiếu khe cắm thẻ micro SD và đó là những điểm trừ lớn nhất của thiết bị này.
Với kích thước 129,9x65,9x11,6 mm, Moto G là gần như cùng một kích thước với Moto X (129,3x65,3x10,4mm) cũng như LG Optimus F6 (127x65,8x10,2mm). Nexus 5 là hơi dài và dày hơn so với 3 mẫu smartphone trên với kích thước 137,9x69,2x8,6mm. Nặng 143g của Moto G là nặng hơn so với Optimus F6 (123,9g), Nexus 5 (130g) cũng như Moto X (130g). Dù vậy, việc cầm bằng một tay và thao tác với Moto G vẫn dễ và linh hoạt.
Màn hình
Với màn hình cảm ứng kích thước 4,5 inch và độ phân giải HD (1.280x720 pixel), có thể nói màn hình của Moto G là tốt nhất trong mức giá khi so với các đối thủ cạnh tranh. Đến cả Galaxy S4 Mini (364 USD) và HTC One Mini (490 USD) có giá đắt hơn thì độ phân giải màn hình cũng không bằng Moto G.
Từ trái qua phải là màn hình của Moto G; Nexus 5 và Samsung Galaxy S3
Mặc dù độ phân giải màn hình không phải là yếu tố quyết định tất cả, nhưng rõ ràng màn hình của Moto G là rất sắc nét, tươi sáng và màu sắc tự nhiên, đủ tốt để xem hình ảnh độ phân giải cao, xem phim và chơi trò chơi.
Với độ sáng trung bình đo được là 363 lux, màn hình của Moto G là mờ hơn so với Optimus F6 (401 lux) có kích thước 4,5 inch và độ phân giải 960x540 pixel. Màn hình của Nexus 5 và Moto X cũng sáng hơn với độ sáng 460 lux và 472 lux tương ứng.
Hiệu năng
Thuộc phân khúc tầm trung nên Moto G được trang bị vi xử lý lõi tứ Qualcomm Snapdragon 400 xung nhịp 1,2GHz với bộ nhớ RAM 1GB, tất cả đủ để cho người dùng trải nghiệm Android tốt nhất với mức sử dụng thông thường.
Dù không mạnh như chip Snapdragon 800, nhưng thử nghiệm với game Super Monsters Ate My Condo, đồng thời có 8 ứng dụng đang chạy nền thì Moto G vẫn chơi tốt mà không có trục trặc nào, game Real Racing 3 cũng chạy mượt mà. Với 4 ứng dụng khác đang chạy, kích hoạt ứng dụng camera chỉ cần 2,01 giây.
Moto G cũng tỏ ra vượt trội trong bài kiểm tra hiệu năng tổng thể Quadrant khi ghi được 8.251 điểm, cao hơn so với mức trung bình (7.546 điểm) của các loại smartphone và gần như cao gấp đôi so với Optimus F6 (4.957 điểm) với CPU lõi tứ Qualcomm MSM8930 xung nhịp 1,2GHz với 1GB bộ nhớ RAM.
Đáng ngạc nhiên là Moto G cũng đánh bại Nexus 5 (7.696 điểm) dựa trên CPU Qualcomm Snapdragon 800 xung nhịp 2,26GHz với 2GB bộ nhớ RAM. Tuy nhiên, Moto X với CPU lõi kép Qualcomm Snapdragon S4 xung nhịp 1,7GHz với 2GB RAM ghi được điểm số cao nhất với 9.054 điểm.
Moto G cần 12 phút 3 giây để chuyển mã một đoạn video dung lượng 204MB từ độ phân giải 1080p xuống 480p thông qua ứng dụng Vidtrim, đánh bại Optimus G6 (14:21), nhưng không vượt qua được Moto X (06:41) hoặc Nexus 5 (7:51).
Với đồ họa Adreno 305, Moto G không thể hiện được nhiều trong bài kiểm tra hiệu năng đồ họa bằng 3DMark Ice Storm Unlimited (không giới hạn) với 4.365 điểm, thấp hơn so với Moto X (10.663 điểm) và Nexus 5 (16.103 điểm), nhưng vẫn cao hơn so với Optimus F6 (3.079 điểm).
Camera
Camera chính 5 megapixel ở mặt sau của Moto G với đèn flash LED duy nhất, ứng dụng camera đơn giản và tương tự như trên Moto X. Trong đó người dùng có thể chọn các chế độ chụp như HDR, Flash, Touch to focus, Panorama, SLO (Slow motion video)… Nhưng tiếc là người dùng không có các tùy chọn để điều chỉnh các thiết lập ISO, cân bằng trắng.
Ảnh chụp từ camera chính của máy có kết quả khá tốt, dù không thể so sánh với các loại smartphone hàng đầu. Ảnh chụp cận cảnh với Moto G rõ ràng nhưng nhìn quá sáng. Ảnh chụp bằng camera 8 megapixel của Nexus 5 cũng có kết quả tương tự. Camera 10 megapixel của Moto X là tốt nhất
Ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng yếu, ảnh chụp từ camera của Moto G là khá sáng. Tuy nhiên, các chi tiết quá mềm và khuôn mặt chủ thể là hơi mờ. Ảnh chụp từ camera của Nexus 5 là chi tiết, sắc nét và màu sắc chính xác
Camera của máy cũng có khả năng quay video HD 720p với tốc độ 30 khung hình mỗi giây có chất lượng trung bình nhưng thiếu chi tiết và không thật sự gây ấn tượng.
Hệ điều hành
Moto G khi ra mắt sẽ chạy phiên bản Android 4.3 (Jelly Bean) mà không phải là Android 4.4 (KitKat) như Nexus 5 nhưng Motorola đã hứa sẽ tung ra bản cập nhật sớm nhất để người dùng có thể tải về và sử dụng.
Ngoài các ứng dụng được cài đặt sẵn cùng Android 4.3, Motorola cũng cài đặt sẵn một số ứng dụng của riêng hãng. Trong đó bao gồm Motorola Assist để tự động điều chỉnh các thiết lập dựa trên thông tin tài khoản Google của người dùng. Trong khi Motorola Migrat là một công cụ sao lưu cho phép đồng bộ dữ liệu từ điện thoại cũ sang. Ngoài việc sao lưu hình ảnh, video và địa chỉ liên lạc, Motorola Migrat cũng có thể sao lưu các văn bản và lịch sử cuộc gọi.
Ngoài ra Moto G còn cung cấp cho người dùng 50GB không gian lưu trữ miễn phí cho tài khoản Google Drive, đây là tính năng rất đáng giá, cho phép người dùng có thể lưu trữ nhiều dữ liệu hơn, nhất là đối với thiết bị không hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ mở rộng như Moto G.
Thời lượng pin
Pin 2.070 mAh của Moto G kéo dài trong 7 giờ 16 phút trên Laptop Battery khi liên tục lướt web trên mạng Wi-Fi với độ sáng màn hình thiết lập là 40%. Tốt hơn so với thời gian trung bình (6:39) của smartphone.
Trong một thử nghiệm khác, Moto G kéo dài 8 giờ 17 phút khi xem video độ phân giải HD lặp đi lặp lại liên tục với màn hình thiết lập ở độ sáng 50% và đồng bộ hóa email được bật. Máy được kết nối với mạng Wi-Fi trong 2,5 giờ đầu tiên trước khi kết nối với mạng dữ liệu di động cho phần còn lại của bài kiểm tra. Như vậy với mức sử dụng bình thường thì Moto G hoàn toàn đủ để người dùng sử dụng trọn một ngày.
Kết
Với hiệu năng tốt, màn hình sắc nét và nổi bật hơn các đối thủ, thời lượng pin dài và đặc biệt là mức giá hợp lý, giúp cho Motorola Moto G trở thành một trong những thiết bị hàng đầu và là sự lựa chọn tốt nhất trong phân khúc smartphone tầm trung hiện nay.
Ưu điểm
- Hiệu năng mạnh.
- Giá cạnh tranh.
- Màn hình hiển thị tốt nhất trong phân khúc giá.
- Thời lượng pin dài.
Nhược điểm
- Chất lượng ảnh chụp là dưới mức trung bình
- Không hỗ trợ khe cắm thẻ micro SD.
- Pin không thể tháo rời.
Hoàng Thanh