Mua bán hàng ‘nóng’ vẫn công khai khắp ‘chợ mạng’

08:58, 29/01/2024

Dạo một vòng “chợ mạng”, đặc biệt là trên mạng xã hội facebook, có tới hàng trăm hội nhóm mua bán, trao đổi vũ khí với đủ chủng loại như: súng săn, súng hơi, đạn chì, thuốc nổ, đao, kiếm, giáo, mác… hoạt động này đang diễn ra công khai trên không gian mạng và dường như khó kiểm soát.

Ngang nhiên rao bán hàng “nóng”

Trước sự phát triển của công nghệ, việc hình thành các hội nhóm mua bán, trao đổi hàng hoá diễn ra sầm rộ trong nhiều năm qua trên khắp chợ mạng. Cùng với hàng hoá đơn thuần, hoạt động mua bán vũ khí cũng cho thấy không kém phần sôi động, diễn ra công khai, đa dạng chủng loại.

Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "mua bán vũ khí" từ mạng xã hội Facebook chúng ta có thể dễ dàng nhận ra có tới hàng trăm, thậm chí hàng chục nghìn kết quả khác nhau với đủ các loại từ súng săn, súng hơi, súng ngắn, dao, kiếm, mã tấu, bình xịt hơi cay… Có nhóm hàng nghìn thành viên tham gia, có những nhóm kín giao dịch chỉ vài thành viên.

Chi tiết hơn, cũng trên mạng xã hội facebook, chỉ cần tìm kiếm cụ từ “mã tấu”, phóng viên đã nhận thấy có tới hàng trăm kết quả về các hội nhóm cả riêng tư và công khai khác nhau. Những nhóm này thường đăng bài cập nhật liên tục để những ai có nhu cầu có thể xem và mua sản phẩm ưng ý. Những bài viết được đăng tải chủ yếu là dạng bài viết quảng cáo, "chào hàng" hay thậm chí chỉ là khoe những chiếc phóng lợn, mã tấu với "giá tốt".

Nhiều chủ tài khoản sử dụng những tài khoản ảo để đăng tải các bài viết rao bán, quảng cáo sản phẩm. Để có thể liên hệ hay biết thêm thông tin chi tiết về sản phẩm cần qua một hoặc nhiều tài khoản Zalo được gắn trên các bài viết để đảm bảo tính báo mật cho những "giao dịch" kể trên.

Dù pháp luật cấm hành vi mua bán, trao đổi, song các mặt hàng này vẫn đang bày bán tràn lan trên mạng xã hội.

Không quá khó để liên hệ với một số điện thoại được gắn trên bài viết quảng cáo mã tấu hay dao phóng lợn. Chủ tài khoản này giao bán một "cây phóng" dài 1.5m với giá 400.000 đồng, một cặp mã tấu với giá lẻ là 220.000 đồng/cây và nếu mua cả cặp sẽ được hưởng "ưu đãi" chỉ còn 380.000 đồng/cặp… Hầu hết những sản phẩm này đều là những sản phẩm tự chế, có tính sát thương cao và mang tính chất kích động bạo lực.

Kèm theo những lời giới thiệu về sản phẩm, chủ tài khoản này còn cam kết: "400.000 đồng là anh chịu ship cho chú. Anh bọc cẩn thận, không sao đâu. Hàng này mình gửi ship lo gì em". Những lời khẳng định chắc nịch cho thấy sự "ngang nhiên" của những nhóm đối tượng kể trên khi quảng cáo, mua bán kiếm, mã tấu, phóng lợn…".

Có thể thấy, hoạt động mua bán, trao đổi diễn ra công khai thông qua hình thức nhắn tin trực tiếp hoặc các trang thành viên kinh đăng thông tin rao bán, trao đổi đều có số điện thoại. Khách hàng có nhu cầu chỉ cần nhắn tin hoặc gọi điện trực tiếp, thuận mua vừa bán sẽ được giao dịch. Tuy nhiên, việc giao dịch vận chuyển các mặt “hàng nóng” này thường được các đối tượng sử dụng hình thức vận chuyển bằng xe khách, đóng gói kín trong các kiện hàng, hoặc gửi qua đường chuyển phát nhanh, giao hàng công nghệ, không gặp mặt trực tiếp.

Nguy hiểm hơn, có đối tượng dù không có kiến thức kỹ thuật nhưng vẫn mua các loại linh kiện trên mạng, xem các clip hướng dẫn rồi tự chế vũ khí đã gây nguy hiểm cho chính bản thân và người mua. Mọi giao dịch đều diễn ra trên mạng xã hội, các tài khoản xã hội không chính chủ, số điện thoại cũng không chính chủ. Đáng lo ngại hơn, hầu hết những thành viên của nhóm thuộc độ tuổi thanh thiếu niên, thế hệ trẻ của đất nước.

Theo Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, trên 58% các vụ án phạm tội đều liên quan dến việc sử dụng dao và vũ khí, trong đó có nhiều tội rất nghiêm trọng như giết người, bắt cóc, ma túy, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ…

Mã tấu, dao, phóng lợn... mua bán, trao đổi công khai trên không gian mạng.

Sẽ xử lý nghiêm cac hành vi vi phạm

Thời gian qua, cùng với tình hình nóng lên của các loại tội phạm lừa đảo, thì tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ cũng trở thành vấn đề nóng ở nhiều địa phương. Trong đó, hoạt động chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ càng trở nên phức tạp hơn nhờ sự hỗ trợ của mạng xã hội.

Từ hoạt động mua bán hay học cách chế tạo vũ khí, vật liệu nổ qua mạng, rất nhiều vụ án nghiêm trọng đã xảy ra. Điển hình như vụ hàng chục thanh thiếu niên tụ tập hỗn chiến, chạy xe máy tốc độ cao trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội hồi cuối tháng 9/2023 vừa qua. Quá trình gây án, có đối tượng đã mang theo vũ khí nóng, bắn vào những người đi đường. Hậu quả khiến 3 người bị thương.

Gần đây nhất, Công an tỉnh Bắc Giang vừa bắt giữ đối tượng chế tạo, mua bán súng săn quy mô lớn, với 6 khẩu súng săn, gần 700 linh kiện lắp ráp súng, hơn 4.000 viên đạn chì… và những clip quảng cáo, rao bán, dạy cách lắp ráp các loại súng hơi. Đó là những tang vật lực lượng chức năng thu giữ được tại nơi ở của 1 đối tượng tại thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên (Bắc Giang). Đối tượng khai nhận, đã tự quay các clip quảng cáo súng săn để đăng lên mạng xã hội. Và trong vòng hơn 1 tháng đã bán trót lọt gần chục khẩu súng hơi với giá từ hơn 4 triệu đến gần chục triệu đồng mỗi khẩu tùy loại. Đối tượng này cho biết: "Linh kiện tôi đặt mua trên mạng. Mỗi khẩu súng tùy loại, sau khi trừ đi công lắp và tiền linh kiện thì lãi từ 2- 4 triệu đồng. Khách hàng thì cũng bán qua mạng nên không biết rõ họ ở đâu và cụ thể là ai...".

Hiện trên không gian mạng xuất hiện tràn lan những hội nhóm quảng cáo, rao bán, thậm chí dạy cách làm công cụ hỗ trợ, vũ khí, vật liệu nổ… Nguyên nhân của tình trạng này là do sự hạn chế về mặt nhận thức của một bộ phận người sử dụng mạng xã hội, muốn đăng tải những clip đó để khuyến trương bản thân, câu like, câu view... Và nguyên nhân của hiện tượng này cũng xuất phát từ những đối tượng xấu có tư tưởng cực đoan.

Ở góc độ pháp luật, hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021 của chính phủ. Mức phạt tiền cao nhất lên đến 40 triệu đồng. Hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự, mức hình phạt cao nhất có thể là 5 năm tù. Tuy nhiên, tình trạng tàng trữ, mua bán, trao đổi vật liệu nổ trái phép gia tăng ở nhiều địa phương. Đã có những vụ nổ thương tâm xảy ra. Hậu quả là những nỗi đau kéo dài.

Có một số tài khoản còn công khai bán cả súng ngắn.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được thi hành kể từ ngày 1/7/2018. Qua 5 năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả rất tích cực trong công tác quản lý nhà nước, góp phần bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, chính vì nhiều quy định chưa theo kịp thực tiễn nên theo thống kê, số tội phạm trong lĩnh vực này không ngừng gia tăng.

Theo thống kê, trong 05 năm triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các lực lượng chức năng đã đấu tranh phát hiện, bắt giữ 19.384 vụ, 31.013 đối tượng vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (năm 2022 xảy ra 1.127 vụ, 1.782 đối tượng, so với năm 2019 tăng 128 vụ = 12,8 %, 350 đối tượng = 24,4 %), trong đó, nổi lên các băng, nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm đường phố (giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ…) hoạt động rất manh động, gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các khái niệm cũng như chế tài xử phạt phù hợp với thực tiễn.

Được biết, Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024 và các cơ quan chức năng hiện đang lấy ý kiến về dự thảo Luật này. Đây là bước sửa đổi cần thiết để từng bước kiềm chế loại tội phạm ngày càng manh động, phức tạp này, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

Theo đó, việc chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt các loại vũ khí thô sơ, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ có thể bị xử lý hình sự ở mức 1-7 năm tù. Nếu sử dụng gây hậu quả sẽ phải đối diện với mức cao nhất là tù chung thân.

Theo Tạp chí Thương trường

(https://thuongtruong.com.vn/news/mua-ban-hang-nong-van-cong-khai-khap-cho-mang-115339.html)