Mục tiêu vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia trong quý II
Bộ KH&CN đang nỗ lực để vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia trong quý II, phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại của hàng hóa.
Hoạt động KH&CN tại địa phương đạt nhiều kết quả tích cực
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức và cả những vướng mắc về một số cơ chế, chính sách nhưng nhờ sự định hướng, lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt sự chủ động, sáng tạo của 63 Sở KH&CN trên cả nước, hoạt động KHCN tại địa phương năm 2023 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và cả nước.
Báo cáo của Vụ Ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật (Bộ KH&CN) cho thấy, trong năm vừa qua, hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo ở địa phương đã có nhiều kết quả rất tích cực. Theo đó, sở KH&CN các tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực tham mưu tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND ban hành 477 văn bản quản lý, điều hành; 33 địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW Bộ Chính trị. 63/63 địa phương xây dựng và triển khai bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII).
Năm 2023, Việt Nam xếp hạng thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu; là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua, một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Đặc biệt, Hà Nội lần đầu tiên lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Đông Nam Bộ tiếp tục thực hiện tốt vai trò vùng dẫn dầu cả nước về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Công tác đầu tư tài chính, nhân lực cho KHCN tiếp tục được các địa phương quan tâm. Qua báo cáo cho thấy gần 40 tỉnh, thành phố bố trí kính phí cao hơn mức thông báo của trung ương, huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN đã có bước phát triển hơn, có thêm nhiều tập đoàn kinh tế lớn trích lập quỹ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ với số kinh phí huy động được hơn 3.000 tỷ.
Hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, năng lực tiềm lực KHCN tiếp tục được đầu tư thông qua 128 dự án với số vốn gần 1.200 tỷ đồng. Các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã có những kết quả rõ nét, ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHCN phát triển các sản phẩm chủ lực, góp phần nâng hạng sao cho sản phẩm OCOP của các địa phương, bảo hộ nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu chính ngạch.
Các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu. Techfest đã được triển khai sôi động tại các vùng, địa phương cùng với Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia được tổ chức tại TPHCM đã mang đến cơ hội kết nối nguồn lực tài chính, đối tác, phát triển thị trường trong nước và quốc tế, chia sẻ kiến thức giúp doanh nghiệp khởi nghiệp phát huy hiệu quả nguồn lực và thúc đẩy kinh tế-xã hội.
Các kết quả KHCN ngày càng tham gia sâu vào các ngành, lĩnh vực đóng góp thiết thực, hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội. Cụ thể, thông qua Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế năm 2023 tăng hơn năm 2022 (44,8%, so với 43,8%); tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng lên 47,45%.
Từ ý kiến của các Sở KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN nghiêm túc ghi nhận và khẩn trương có phương án giải quyết. Đặc biệt, có "2 việc cần làm ngay". Đầu tiên, đó là hoàn thiện ngay thông tư quy định việc triển khai các nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh. Theo Bộ trưởng, việc này đã được "nâng lên, đặt xuống" từ năm 2020, nhưng còn một số vướng mắc nên chưa ban hành được.
"Chúng ta cùng chia sẻ về tính đặc thù của mỗi địa phương trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, tuy nhiên, chúng ta cũng cần có 1 khung chung để các tỉnh có căn cứ triển khai theo", Bộ trưởng nói; đồng thời giao Vụ Ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật hoàn thiện việc này trong quý II/2024 trên cơ sở xin ý kiến của tất cả 63 tỉnh, thành phố về dự thảo này trước khi trình lãnh đạo Bộ xem xét, ban hành.
Một việc nữa, đó là đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, trong quý II. Đây là việc nhiều địa phương rất quan tâm, phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại của hàng hóa và cũng là lời hứa của Bộ trưởng với Quốc hội.
Về các định hướng trọng tâm của ngành KHCN trong năm 2024, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, một nhiệm vụ quan trọng của ngành đó là là sửa Luật KHCN năm 2013 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là sửa toàn diện. Trong đó bao gồm toàn bộ các chính sách liên quan; cá nhân hoạt động KHCN; việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN và đổi mới sáng tạo; cơ chế tài chính, đầu tư cho hoạt động này và đổi mới sáng tạo; phố biển tri thức và ứng dụng thành tựu KHCN...
Thứ hai, Bộ KH&CN cũng đang rà soát, phối hợp các bộ, ngành liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định ở cấp Nghị định của Chính phủ (sửa Nghị định số 95 năm 2014, Nghị định số 70 năm 2018) đối với các vấn đề liên quan đến cơ chế đầu tư, tài chính và các vấn đề liên quan đến tài sản trang bị và hình thành trong quá trình triển khai các nhiệm vụ KHCN.
Thứ ba, Bộ KH&CN đang tập trung làm rõ nội dung về quản lý nhà nước đối với hoạt động đổi mới sáng tạo. Đây là chức năng quản lý nhà nước Chính phủ đã giao cho Bộ. Bộ đang đề xuất với Chính phủ việc cùng phối hợp các bộ, ngành xây dựng nghị định của Chính phủ về hoạt động đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng hỗ trợ các địa phương triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ vào cuộc sống.
Từ những vấn đề trên, Bộ trưởng đã nêu "4 đặt hàng" đề nghị Sở KH&CN tập trung thực hiện. Trong đó, Sở KH&CN cần tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy, HĐND, UBND tỉnh, thành phố xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về KHCN và đổi mới sáng tạo bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi từ Trung ương đến địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo tại địa phương.
Tham gia, phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN hoàn thiện thể chế, chính sách về KHCN và đổi mới sáng tạo, trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN năm 2013, các quy định về cơ chế tài chính, đầu tư cho hoạt động KHCN (sửa Nghị định số 95 năm 2014); phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định số 70 ngày 15/05/2018 về việc xử lý tài sản được hình thành trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ KHCN...
Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu cấp thẩm quyền tăng cường đầu tư tiềm lực, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho KHCN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN tại địa phương để đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ KHCN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách cấp cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo tại địa phương và cần tiếp tục tăng cường thu hút các nguồn lực ngoài xã hội cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo.
Chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ KHCN phục vụ trực tiếp cho mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bám sát các nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và vùng. Phối hợp giữa các đơn vị chức năng của Bộ, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình KHCN cấp quốc gia phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và vùng.
Ngoài ra, các Sở KH&CN tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong phát triển sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương; tăng cường hợp tác, liên kết địa phương, liên kết vùng, tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về KHCN và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh sự phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo tại địa phương, tham gia tích cực vào phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; tăng cường kết nối cung - cầu công nghệ; thúc đẩy phát triển thị trường KHCN. Tiếp tục triển khai Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII).
Theo Tạp chí Chất lượng Việt Nam