Thanh Hoá: Áp dụng Khoa học và Công Nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm
DNTH: Thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/1/2019 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa Học và Công Nghệ tỉnh Thanh Hóa đã nghiên cứu, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1221/QĐ-UBND ngày 7/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt “Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025.
Đề án cũng giúp nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan. Đồng thời, đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin của sản phẩm hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.
Sản phẩm nước mắm Ba Làng được cấp và dán tem truy xuất nguồn gốc.
Qua đó, nhằm nắm bắt đầy đủ, chính xác thông tin về hoạt động, khả năng áp dụng và nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm của các đơn vị cung ứng, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, phân phối và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, đề xuất các giải pháp chủ yếu phục vụ công tác quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổng hợp thông tin để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh kết nối Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia với khả năng truy xuất nguồn gốc toàn quốc và kết nối quốc tế.
Sau hơn 4 năm triển khai Quyết định 1221 và Kế hoạch 227, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã đạt được những kết quả quan trọng, xây dựng được các văn bản cấp tỉnh, tiêu chuẩn cơ sở, quy chuẩn kỹ thuật địa phương, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho đối tượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hoá có khoảng gần 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh đã dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho sản phẩm hàng hóa của mình... Điều này cho thấy, việc triển khai Quyết định 1221 của UBND tỉnh Thanh Hoá giúp người sản xuất và kinh doanh, người tiêu dùng hiểu rõ hơn về vai trò của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh lan tỏa rộng hơn đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Có thể nói, trong những năm gần đây, xu hướng lựa chọn hàng hóa của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi, nhất là đối với hàng hóa thực phẩm. Khách hàng ngày càng đòi hỏi, lựa chọn khắt khe về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, việc sử dụng hàng hóa có đầy đủ tem nhãn truy xuất nguồn gốc luôn là cách tốt nhất để doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh bảo vệ được thương hiệu sản phẩm của mình, đồng thời tạo được niềm tin cho người tiêu dùng giúp họ yên tâm sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng đảm bảo.
Để triển khai hiệu quả việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, các ban, sở, ngành liên quan cần tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1221, Kế hoạch số 227 đã được UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt, phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn áp dụng, đào tạo, tập huấn cho các cơ quan quản lý, cán bộ thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, tổ chức, doanh nghiệp về Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn