Ứng dụng công nghệ viễn thám giúp ngành nông nghiệp vượt qua sự mù mờ về dữ liệu

14:43, 23/01/2024

Công nghệ viễn thám được sử dụng sớm nhất tại Việt Nam là vào ngành lâm nghiệp, từ cách đây 40 năm trong điều tra quy hoạch rừng, lập bản đồ hiện trạng rừng. Nhờ công nghệ viễn thám, có thể theo dõi hàng tháng tình trạng mất rừng; cung cấp thông tin về sinh khối, phục vụ điều tra tích tụ carbon.

Cụ thể, TS. Vũ Anh Tuân, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết công nghệ viễn thám được sử dụng sớm nhất tại Việt Nam là vào ngành lâm nghiệp, từ cách đây 40 năm trong điều tra quy hoạch rừng, lập bản đồ hiện trạng rừng. Nhờ công nghệ viễn thám, có thể theo dõi hàng tháng tình trạng mất rừng; cung cấp thông tin về sinh khối, phục vụ điều tra tích tụ carbon.

Đối với cây lúa, Việt Nam đã ứng dụng viễn thám vào theo dõi sự phân bố diện tích, năng suất theo mùa vụ, ước tính sinh khối, sản lượng thu hoạch, tình trạng đốt đồng; theo dõi lịch thời vụ, giai đoạn sinh trưởng, ảnh hưởng hạn mặn, ngập lũ đến sản xuất lúa; ước tính khí methan phát thải từ ruộng lúa; tình hình sâu bệnh, dinh dưỡng, giống lúa.

Sản phẩm hàng tháng từ viễn thám được cung cấp cho Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp và Cục Trồng trọt để hỗ trợ triển khai sản xuất với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2018 đến nay.

Công nghệ viễn thám cũng được ứng dụng trong lĩnh vực phòng chống thiên tai như theo dõi lũ tại Đồng bằng Sông Cửu Long, theo dõi lũ do bão (tại miền Trung), sử dụng ảnh radar, chụp trong mọi điều kiện thời tiết. Công nghệ viễn thám còn giúp theo dõi điều kiện mặt đất như nhiệt độ bề mặt, độ ẩm, độ bốc hơi, chỉ số khô hạn.

Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm khác từ viễn thám đã được nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam như: Biến động đường bờ; Xói lở bờ biển; Đánh giá chất lượng nước; Xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Khu vực nuôi trồng thủy sản.

Công nghệ viễn thám được sử dụng sớm nhất tại Việt Nam là vào ngành lâm nghiệp, từ cách đây 40 năm trong điều tra quy hoạch rừng, lập bản đồ hiện trạng rừng. Ảnh minh họa 

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho hay ngành thủy sản có nhu cầu rất lớn đối với ứng dụng công nghệ viễn thám. Quan trọng nhất là dữ liệu hàng ngày về hoạt động tàu cá trên biển, đặc biệt tại các vùng giáp ranh trên biển. Về nuôi trồng thủy sản, cần kiểm soát biến động diện tích vùng nuôi; đánh mã số vùng trồng, vùng nuôi, từ đó có những chỉ đạo cụ thể đối với việc nuôi trồng.

Bên cạnh đó, ngành thủy sản cũng cần có dữ liệu ảnh chụp về các hệ sinh thái biển, san hô để từ đó đưa ra các giải pháp bảo vệ, kiểm soát biến động của các hệ sinh thái. Ngành thủy sản cũng cần sử dụng các ảnh chụp viễn thám để đưa ra các dự báo ngư trường khai thác thủy sản cho ngư dân.

Ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi đề xuất ứng dụng công nghệ viễn thám trong quan trắc, giám sát sông ngòi, dự báo nguồn nước. Ngành thủy lợi cần sử dụng ảnh viễn thám kết hợp các công nghệ khác giải quyết các bài toán hiện nay như kiểm đếm dung tích thực của các hồ chứa; dự báo dòng chảy, lượng mưa để tính toán cân đối các khu vực thừa, thiếu nước.

Tại Việt Nam hiện có 2 chiến lược chi phối các hoạt động liên quan đến ứng dụng viễn thám là Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Chiến lược nêu rõ các mục tiêu ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám trên mọi lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa, đưa trình độ viễn thám của Việt Nam lên tầm quốc tế… và Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030.

Hiện Việt Nam đang làm chủ 2 vệ tinh viễn thám VNREDSat-1, hoạt động từ 2013. Vệ tinh này do Viện Hàn lâm và Công nghệ Việt Nam vận hành đã hoạt động được hơn 10 năm với tuổi thọ thiết kế chỉ 5 năm nên tiến tới cần được thay thế. Dự kiến cuối năm 2024, đầu năm 2025, vệ tinh LOTUSat-1 dự kiến sẽ đưa lên quỹ đạo với công nghệ chụp ảnh xa, xuyên qua mây, có khả năng theo dõi thiên tai, lũ lụt tốt.

Theo lộ trình phát triển vệ tinh Việt Nam, vệ tinh LOTUSat-1 khi đi vào hoạt động sẽ được xin cơ chế miễn phí cung cấp ảnh vệ tinh cho các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, để vệ tinh tăng tần suất quan sát và chụp ảnh thường xuyên trên lãnh thổ Việt Nam, phía Viện sẽ làm việc để trao đổi ảnh giữa các vệ tinh với các nước bạn.

Theo Tạp chí Chất lượng Việt Nam

(https://vietq.vn/ung-dung-cong-nghe-vien-tham-giup-nganh-nong-nghiep-vuot-qua-su-mu-mo-ve-du-lieu-d218187.html)