Mỹ gia tăng sức ép lên Trung Quốc

10:15, 09/08/2014

Trước và trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM 47) và Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), việc Mỹ đẩy mạnh quan hệ với các nước có liên quan đến Biển Đông đang làm Trung Quốc lo ngại.

Mỹ - Ấn tăng cường hợp tác quốc phòng

Ngày 8/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã tới Ấn Độ trong chuyến công du 3 ngày, với những cuộc bàn thảo về tăng cường tập trận chung, cùng phát triển vũ khí cũng như mở rộng mối quan hệ tổng thể giữa hai nước - VTV Online đưa tin.

 de

Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Hội nghị AMM 47.

Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Ấn Độ chỉ 1 tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Kerry công du Ấn Độ, phần nào cho thấy vị trí của quốc gia Nam Á này trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Obama.

Điều được dư luận quan tâm trong chuyến đi này, đó là Ấn Độ đang bày tỏ mong muốn mua thêm 39 chiếc trực thăng chiến đấu AH-64D Apache của Mỹ, bên cạnh 22 chiếc đang thương lượng. Ấn Độ vốn đã là quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, hiện đang mua 75% vũ khí từ Nga, nhưng những đơn đặt hàng từ Mỹ cũng tăng mạnh vì Ấn Độ muốn đa dạng hóa nguồn cung vũ khí.

Hai Thượng nghị sĩ Mỹ tới Việt Nam

Từ ngày 7-10/8, hai Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Sheldon Whitehouse cùng các cố vấn, trợ lý đã tới thăm và làm việc tại Việt Nam. Theo hai vị này, giữa hai nước còn có nhiều việc “có thể làm được” hơn nữa với tư cách là đối tác của nhau, Vietnamnet cho biết.

 

Hai Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Sheldon Whitehouse trong cuộc họp báo ngày 8/8 tại Hà Nội.

“Chúng ta cần có một nghị trình tham vọng hơn, nhất là trong thời điểm đang có những diễn biến lo ngại trên Biển Đông. Đây là lúc Mỹ và Việt Nam cần có bước nhảy vọt mạnh mẽ trong thời gian tới” - TNS John Mc Cain nói.

TNS John Mc Cain chỉ ngay ra việc, Mỹ sẵn sàng đi đến hoàn tất Hiệp định TPP với Việt Nam, tăng cường hợp tác quân sự, an ninh và đặc biệt cho rằng, đã đến lúc Mỹ có thể nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Theo đó, Mỹ sẵn sàng tăng cường hợp tác quân sự, gia tăng chuyến thăm tàu quân sự đến Việt Nam theo mức độ Việt Nam chấp nhận được và không tìm kiếm mục đích, không đặt ra yêu cầu thuê mướn căn cứ quân sự ở Việt Nam.

“Chúng tôi sẵn sàng gia tăng trợ giúp về an ninh, giúp Việt Nam đảm bảo hợp thức chủ quyền của mình, bảo đảm bảo vệ các quyền của Việt Nam” - Ông Mc Cain nhấn mạnh.

Còn TNS Sheldon Whitehouse cho biết, trong Quốc hội Mỹ, nếu có những bất đồng trong các vấn đề cũng là bình thường. Tôi không loại trừ có những bất đồng trong việc nới lỏng hay dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ông John McCain và tôi đại diện cho 2 đảng khác nhau, nhưng tôi tin rằng chúng tôi có thể làm việc để tạo ra hành động trong Quốc hội Mỹ, từ đó gửi tín hiệu khuyến khích nhánh hành pháp để họ giảm nhẹ lệnh cấm vận đối với Việt Nam.

Nhật – Mỹ “bắt tay” nhau phát triển tàu ngầm không người lái

Theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản, Nhật và Mỹ đang cùng phát triển tàu ngầm chạy bằng pin nhiên liệu, có thể hoạt động một tháng trong mỗi lần sạc.

Ngoài ra, đây là loại tàu ngầm không người lái, dài 10 m, có thể thực hiện lộ trình được phác thảo sẵn trước khi trở về căn cứ. Nó có thể được sử dụng để tuần tra dưới nước, có khả năng phát hiện các mối đe dọa tiềm tàng, nhưng không được trang bị ngư lôi hay vũ khí.

TQ đang chịu sức ép lớn từ Mỹ

Việc Mỹ “gia tăng sức ép” lớn nhất từ trước tới nay trước các hành vi ngang ngược của TQ trên Biển Đông trước và trong các Hội nghị cấp cao khu vực ASEAN đã quá rõ.

Trái lại, Bắc Kinh từ trước tới nay vẫn luôn phản đối sự tham gia của Mỹ vào quá trình giải quyết tranh chấp trên Biển Đông và thẳng thừng bác bỏ đề xuất của Mỹ, Philippines về việc ngừng các hành động đào đắp làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.

Thế nên “sự quyết liệt” trong các mối quan hệ trên đây của Mỹ đang làm “gia tăng đáng kể” sức ép lên Bắc Kinh trong việc đối phó với những quan ngại ngày càng tăng trong khu vực, đồng thời còn khuyến khích một số quốc gia ASEAN có những bước đi nhanh chóng hơn nữa trong việc xúc tiến bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để giảm thiểu căng thẳng.

Ông Ernest Bower, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (Mỹ) nhận định: “Người Mỹ quyết định như vậy không phải dựa trên những gì TQ nói, mà với những gì Bắc Kinh đang làm, Mỹ sẽ phải thay đổi luật chơi”.

“Việc Mỹ yêu cầu các bên ngừng mọi hoạt động thay đổi hiện trạng trên Biển Đông có thể được coi là một cấp độ tham gia và chính sách ngoại giao mới của Mỹ vào vấn đề này”, ông Bower nói thêm.

Thanh Trà (tổng hợp)