Đang hình thành liên minh Nhật - Úc - Ấn - Mỹ đối nghịch Trung Quốc
Với mưu đồ “độc chiếm” biển Đông, Trung Quốc đang “tự cô lập” mình và đẩy các nước có liên quan xích lại gần nhau hơn.
- Gây hấn với Việt Nam, Trung Quốc có thể bị một “Trân Châu Cảng” mới!
- Trung Quốc: Quốc gia hiếu chiến nhất biển Đông
- Dụng “bài cũ” với VNCH và Philippines, Trung Quốc ắt sẽ thảm bại
- Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép như thế nào?
- Trung Quốc chi bao nhiêu cho quốc phòng trong năm 2014?
- Trung Quốc nói sẽ không tham gia vụ kiện tranh chấp biển Đông
- Trung Quốc lại chặn các dịch vụ của Google
- Quốc hội, Chính phủ Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép
Mỹ sẽ “ra tay” nếu Trung Quốc độc chiếm biển Đông
Trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 13/6 đưa tin, chuyên gia phân tích về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, ông Ernest Bower cho rằng, Trung Quốc đã sai lầm khi nhận định Mỹ sẽ không “mạnh tay” can thiệp để bảo vệ Việt Nam.
"Đường lưỡi bò" liếm trọn biển Đông là mưu đồ bá quyền trên biển của Trung Quốc.
“Rõ ràng, sự hung hăng gần đây của Trung Quốc đã gây nên sự lo ngại tại các nước láng giềng”, ông Bower nói trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Đức Deutsche Welle. Ông Bower đã chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc kể từ khi nước này ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam.
Và, “Bắc Kinh nghĩ rằng Washington lúng túng, không có gan thực hiện một cuộc can thiệp nghiêm trọng, cho nên Trung Quốc mới có động thái địa chính trị là hạ đặt giàn khoan trong vùng thềm lục địa của Việt Nam” Ông đã phát biểu như thế trên tờ Washington Times (Mỹ).
Tại cuộc họp an ninh 2+2 giữa Nhật Bản và Úc tại Tokyo ngày 12/6, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tuyên bố ủng hộ Nhật Bản cải tổ Hiến pháp, cho phép Tokyo tăng cường khả năng phòng thủ với các nước đồng minh. Úc nêu rõ, tranh chấp chủ quyền tại biển Đông và biển Hoa Đông phải được giải quyết bằng con đường đối thoại và các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston nhấn mạnh, trong vấn đề biển Đông rằng “cần được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế”. Úc ngày càng bày tỏ quan điểm mạnh trong bối cảnh Trung Quốc hung hăng khẳng định chủ quyền tại biển Đông và Hoa Đông.
Hiện giới quan sát cho rằng, yếu tố Trung Quốc đã thúc đẩy hình thành một “liên minh chiến lược” tứ cường gồm Nhật-Úc-Ấn-Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mỹ đề xuất dừng khiêu khích ở biển Đông
Ông Danny Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á, người đã đưa ra đề nghị trên cho biết, đề nghị của ông “đáng để suy nghĩ” và nó không phải là một đề xuất chính thức giữa lúc ông có cuộc gặp với những người đồng cấp tại Myanmar để chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh khu vực cuối năm nay.
"Bản thân các nước tuyên bố chủ quyền có thể xác định các loại hành vi bị coi là khiêu khích của một bên khác, và yêu cầu tự nguyện “đóng băng” các hành động kiểu này trong điều kiện các bên tuyên bố chủ quyền khác chấp thuận thực thi tương tự”, ông Russel nói với báo giới hôm 10/6.
"Họ có thể sẵn sàng cam kết đơn giản là không chiếm giữ bất kỳ tính năng đất đai nào ở biển Đông mà gần đây không có người ở”, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã ví dụ.
Mỹ muốn thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử nhằm ngăn chặn sự cố leo thang ở biển Đông, vùng biển có những lộ trình thương mại quan trọng mà hiện Trung Quốc đang yêu sách chủ quyền với hầu hết diện tích, bất chấp sự chồng lấn với một số nước khác.
Ông Russel nói rằng, ông bày tỏ hy vọng Bắc Kinh nên hiểu tuyên bố của các nước khác đưa ra “không phải trong tinh thần lên án”.
Campuchia lên tiếng, lo ngại về tình hình biển Đông
Ngày 13/6, Người phát ngôn Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, Tham tán chính trị Trần Văn Thông cho biết, Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia đã có công hàm phúc đáp sau khi Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia gửi công hàm thông báo về tình hình trên biển Đông kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Công hàm phúc đáp của Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia bày tỏ sự “lo ngại sâu sắc về những diễn biến và các sự cố gần đây” trên biển Đông.
Công hàm nêu rõ, với tư cách là nước khởi xướng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Campuchia đề cao tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh trên biển Đông, nhấn mạnh Campuchia ủng hộ các bên liên quan thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC, gồm cả các yếu tố chính trị lẫn pháp lý, nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển Đông.
Thanh Trà (tổng hợp)