Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng, công nghệ thúc đẩy báo chí chuyển đổi số hiệu quả

09:44, 20/11/2024

Sự kết hợp giữa báo chí sáng tạo và công nghệ số không chỉ mang lại những trải nghiệm đột phá cho công chúng, mà còn giúp báo chí khẳng định lại vị thế dẫn dắt trong “cuộc chiến” thông tin, đảm bảo khả năng tiếp cận và tương tác nhanh chóng, chính xác tới độc giả.

Thích nghi với xu thế của thời đại

Nhận thức rõ sự thay đổi trong xu hướng tiếp cận thông tin của công chúng, chuyển đổi số đã trở thành chiến lược phát triển trọng tâm của ngành báo chí - truyền thông.

Theo các chuyên gia, nhiều cơ quan báo chí và truyền thông trên thế giới đã nhận thức được vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của các tờ báo. Họ đã bắt tay vào hành trình chuyển đổi, thay đổi mô hình hoạt động và kinh doanh để vượt qua khủng hoảng và phát triển mạnh mẽ.

Tại Việt Nam, vào ngày 6 tháng 4 năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, 100% các cơ quan báo chí sẽ đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước).

Đồng thời, 90% cơ quan báo chí sẽ áp dụng các nền tảng phân tích và xử lý dữ liệu tổng hợp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 100% các cơ quan báo chí sẽ vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình tiên tiến phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ trên thế giới, sản xuất nội dung theo xu hướng báo chí số.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai “Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí”, cung cấp 3 nền tảng hỗ trợ quan trọng: nền tảng Quản lý tòa soạn điện tử, nền tảng Phân tích thông tin và dư luận trên mạng xã hội, nền tảng Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành báo chí mạnh mẽ hơn nữa.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chính thức ra mắt Trung tâm Hỗ trợ Chuyển đổi số Báo chí. Trung tâm Hỗ trợ Chuyển đổi số Báo chí là một bộ phận thường trực được đặt tại Cục Báo chí, có nhiệm vụ hỗ trợ các cơ quan báo chí triển khai hiệu quả các mục tiêu chuyển đổi số được đề ra trong Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trung tâm sẽ là đầu mối cung cấp thông tin, tài liệu và hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện việc đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số trong ngành báo chí, đồng thời kết nối và tập hợp các chuyên gia, nhà nghiên cứu uy tín.

Trung tâm Hỗ trợ Chuyển đổi số Báo chí cũng có nhiệm vụ cung cấp các hỗ trợ thiết thực thông qua các hoạt động như đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng cho các cơ quan báo chí. Trung tâm sẽ huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp để tạo ra sự cộng hưởng, từ đó thúc đẩy hiệu quả của quá trình chuyển đổi số trong ngành báo chí.

Bên cạnh đó, Bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí cũng được công bố nhằm giúp các cơ quan báo chí xác định rõ vị trí của mình trong hành trình chuyển đổi số. Bộ chỉ số này sẽ là cơ sở để các cơ quan báo chí xây dựng lộ trình và kế hoạch chuyển đổi số phù hợp, giúp đổi mới một cách hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, Bộ chỉ số còn đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá quá trình thực hiện mục tiêu của các cơ quan báo chí, nhận diện các vướng mắc và nâng cao nhận thức của lãnh đạo về những công việc cần làm, bao gồm các tiêu chí và hành động cụ thể để đạt được mục tiêu chuyển đổi số. Đối với các cơ quan quản lý, dữ liệu thu thập từ Bộ chỉ số sẽ cung cấp cái nhìn tổng thể về tình hình chuyển đổi số trong ngành báo chí, từ đó đưa ra các hành động cụ thể để hỗ trợ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số đạt kết quả cao hơn.

Cùng với việc ra mắt Trung tâm Hỗ trợ Chuyển đổi số Báo chí và bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí, cổng kết nối trực tuyến và công cụ phần mềm đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí cũng đã được triển khai. Mô hình đánh giá này bao gồm 42 tiêu chí, được chia thành 10 chỉ số thành phần và nhóm lại thành 5 trụ cột chuyển đổi số báo chí, với tổng điểm tối đa là 100 điểm.

Các cơ quan báo chí đang dần thích ứng với chuyển đổi số.

Kết quả đạt được trong việc triển khai ứng dụng, công nghệ vào chuyển đổi số báo chí

Quá trình chuyển đổi số (CĐS) báo chí tại Việt Nam đã tạo ra những thay đổi đáng chú ý, mở ra các mô hình truyền thông mới như Báo chí di động, Tòa soạn hội tụ, Báo chí mạng xã hội, Báo chí đa nền tảng và Báo chí đa phương tiện. Nhiều cơ quan báo chí đã chuyển từ nền tảng in, phát thanh và truyền hình sang sử dụng nền tảng Internet, tạo ra sự kết hợp giữa công nghệ và báo chí truyền thống.

Các công nghệ hiện đại cho phép nhà báo sáng tạo nhiều hình thức truyền thông hấp dẫn như podcast, video, Megastory, infographics, longform, data journalism, media, lens,… Qua đó, các cơ quan báo chí cũng đã thay đổi phương thức quản lý nội bộ của tòa soạn, quy trình xuất bản, quản lý dữ liệu và tương tác công chúng bằng việc áp dụng các phần mềm kỹ thuật số tiên tiến.

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, nhiều cơ quan báo chí tại Việt Nam đã trở thành các đơn vị báo chí đa phương tiện, như Thông tấn xã Việt Nam, VOV, VTV, Báo điện tử VietnamPlus, Báo điện tử VnExpress, Báo Tuổi trẻ. Đặc biệt, Báo điện tử VietnamPlus từ năm 2016 đã tiên phong trong việc xuất bản các bài báo longform kết hợp với đa phương tiện để tăng cường tính trải cho độc giả, tạo ra các sản phẩm báo chí sáng tạo như video 360 độ, newsgarae, RapNewsPlus và giúp độc giả có thể lựa chọn bài viết qua các sản phẩm được ứng dụng công nghệ tự động hoặc trí tuệ nhân tạo tiến tới việc hỗ trợ độc giả cá nhân hóa thông tin, áp dụng công nghệ VR và AR.

Ngày 24/5/2022, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã ra mắt Hệ sinh thái thông tin kinh tế VTVMoney, bao gồm 7 chương trình trực tuyến trên 6 nền tảng khác nhau (1 báo điện tử; 4 trang fanpage, 1 kênh Youtube) và 1 trang thông tin điện tử, đánh dấu một bước đột phá trong quá trình chuyển đổi số.

Ngoài ra, nền tảng truyền hình số VTVGo cũng đã phát triển mạnh mẽ, cung cấp đầy đủ 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia và gần 50 kênh truyền hình địa phương. Được cài đặt sẵn trên giao diện của các hãng tivi thông minh lớn. Từ năm 2024, nhiều tivi thông minh sẽ được tích hợp cài đặt sẵn nút bấm VTVGo trên điều khiển tự động, giúp người dùng dễ dàng truy cập vào các dịch vụ truyền hình số. Điều này giúp nền tảng VTVGo thu hút hàng triệu lượt khán giả quan tâm, với hơn 28,5 triệu thiết bị điện tử được cài đặt và có gần 10 triệu người theo dõi, với trung bình 450 triệu lượt xem hàng tháng. Đặc biệt, nền tảng này còn phục vụ cộng đồng kiều bào với hơn 1 triệu người sử dụng ở nước ngoài.

Từ năm 2021, sự trỗi dậy của Podcast đã trở thành một xu hướng mới trong báo chí, Báo Nhân Dân đã triển khai các bản tin thời sự hàng ngày trên nền tảng này. Năm 2022, nhiều tờ báo khác như Báo Tuổi Trẻ, Báo Người Lao Động, Báo Dân Việt.... cũng đã ra mắt thử nghiệm Podcast. Đến cuối năm 2023, đã có một số cơ quan báo chí triển khai mô hình thu phí nội dung, bao gồm các tờ báo lớn như Tạp chí Ngày nay, Báo điện tử Vietnamnet, Báo Tuổi trẻ, và Báo Người Lao động.

Sau khi chuyển từ mô hình báo sang tạp chí, Thời báo Kinh tế đã nhanh chóng áp dụng những cách làm báo mới, đặc biệt chú trọng vào việc ứng dụng công nghệ để nâng cao tính sáng tạo trong cách kể chuyện. Không chỉ ứng dụng công nghệ để phát triển các thể loại báo chí hiện đại như long-form, e-magazine mà còn tận dụng công nghệ để gia tăng nguồn thu cho tòa soạn. Một trong những bước đi nổi bật là việc vận hành chatbot kinh tế.

Báo chí đã và đang ứng dụng mạnh mẽ nhiều nền tảng và công nghệ để đáp ứng nhanh chóng công cuộc chuyển đổi số.

Đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng nền tảng, công nghệ vào chuyển đổi số báo chí

Để triển khai hiệu quả các mô hình báo chí sáng tạo gắn với ứng dụng công nghệ số, yếu tố tiên quyết là sự quyết liệt và chỉ đạo trực tiếp từ người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong công tác báo chí. Lãnh đạo cơ quan báo chí cần lan tỏa tầm quan trọng của việc thay đổi và tạo ra sự đồng thuận trong tòa soạn để mọi người đều nhận thức được sự cần thiết phải thay đổi

Cần có một chiến lược rõ ràng về ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo, với các mục tiêu, sứ mệnh cụ thể. Phải xây dựng kế hoạch chi tiết, phân chia thành các giai đoạn ngắn hạn và dài hạn để triển khai các sáng kiến đổi mới, từ đó từng bước thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả. Chuyển đổi số không nhất thiết phải bao gồm những thay đổi lớn, mà có thể bắt đầu từ những khâu nhỏ nhưng vẫn mang lại giá trị lớn cho tòa soạn, giúp cải thiện chất lượng - tạo ra sự khác biệt.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Cục Báo chí và Bộ Thông tin và Truyền thông đã, đang và sẽ có những hoạt động hỗ trợ thiết thực trong việc thúc đẩy các cơ quan báo chí ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo số. Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí thuộc Cục Báo chí thường xuyên triển khai các lớp đào tạo bồi dưỡng, cung cấp kiến thức về công nghệ mới, cách làm báo mới và xu hướng báo chí mới cho các cơ quan báo chí; tư vấn cụ thể về việc lựa chọn công nghệ và tìm kiếm nhà cung cấp sản phẩm công nghệ phù hợp cho báo chí (sẵn sàng làm “cầu nối” giữa các cơ quan báo chí với công ty công nghệ trong nước lẫn các công ty công nghệ ở nước ngoài)…

Các cơ quan báo chí phải hướng đến mục tiêu giành lại thị phần người đọc/người xem/người nghe, giữ được “trận địa” thông tin. Từ đó mới có thể kéo công chúng về với báo chí chính thống, giúp họ tiếp cận những nguồn tin được kiểm chứng, có giá trị và ý nghĩa nhân văn, thay vì việc tiếp cận thông tin sai lệch, xấu độc trên các kênh truyền thông khác, các cơ quan báo chí không có cách nào hiệu quả, khả thi hơn là đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số - Ông Lưu Đình Phúc (Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT) cho biết./.