Ngành công nghiệp game có thể trở thành ngành xuất khẩu có giá trị cao
Với những cột mốc phát triển quan trọng, ngành game ở nước ta có cơ hội trở thành một ngành xuất khẩu có giá trị cao. Tuy nhiên, toàn ngành hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng.
Ông Lê Quang Tự Do chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia ngành game Việt năm 2023 tổ chức ngày 31/10 - Ảnh: VGP/HM
Tại Diễn đàn quốc gia ngành game Việt năm 2023 tổ chức tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) ngày 31/10, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia nhấn mạnh, chuyển đổi số và ngành công nghiệp game là 1 trong 8 lĩnh vực trọng tâm sẽ giúp Việt Nam có những bước phát triển đột phá, góp phần vào mô hình đổi mới sáng tạo.
Trong 10 năm qua, ngành công nghiệp game Việt Nam có những bước tiến vượt bậc. Điều này được thể hiện qua doanh thu ngành game Việt Nam đã vượt 500 triệu USD và đứng thứ 5 tại Đông Nam Á, hơn một nửa dân số Việt Nam tiếp cận giải trí với sản phẩm game.
Với những cột mốc phát triển quan trọng, ngành game có cơ hội trở thành một ngành xuất khẩu có giá trị cao, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên đổi mới sáng tạo của khoa học kỹ thuật, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Những trở ngại cản lực
Tuy nhiên, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, (Bộ TT&TT) cho biết, ngành game Việt Nam hiện nay đang gặp một số trở ngại "lực cản" phát triển của ngành này.
Lực cản đầu tiên là ngành game đang bị phân mảng giữa sản xuất game và phát hành game. Có một nghịch lý là nhà sản xuất game Việt Nam thì bán cho nước ngoài chơi, còn người Việt Nam lại mua game của nước ngoài để chơi, dẫn đến thực tế 88% game phát hành ở Việt Nam hiện nay là game ở nước ngoài. Còn các nhân tài của Việt Nam thì "ẩn mình" trong bóng tối.
Cũng theo đại diện Bộ TT&TT, mặc dù ngành game rất phù hợp trong nhiều lĩnh vực của cách mạng công nghiệp 4.0 và có thể dễ dàng thu ngoại tệ nhưng ngành game hiện nay lại nhận sự định kiến từ xã hội, như ngành game là tệ nạn, là ngành không đáng tự hào.
"Những người đi học ngành game cũng còn tâm lý e ngại vì định kiến, người làm trong ngành cũng e ngại, do đó nguồn nhân lực ngành này đang thiếu hụt", ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Tuy nhiên, trong 1 năm trở lại đây, ngành game đã xuất hiện các tín hiệu tích cực, khi bắt đầu các "lực cản" trên vỡ dần và có nhiều góc nhìn mới tích cực về game hơn.
Tạo sức mạnh phát triển
Để thúc đẩy ngành game phát triển, theo lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, vấn đề mấu chốt nhất là tập hợp được 2 mảng về sản xuất và phát hành, khi đó sẽ tạo được sức mạnh phát triển ngành này.
Hiện nay, Bộ TT&TT bắt đầu triển khai một chương trình "game hub" theo mô mình doanh nghiệp lớn có thế mạnh về phát hành sẽ hợp tác với doanh nghiệp nhỏ nhưng có thế mạnh về sản xuất để bổ trợ nhau. Chương trình này dự kiến kết nối các studio nhỏ với các công ty game lớn.
Kết nối thứ 2 của chương trình là kết nối các công ty game ở nước ngoài với công ty game Việt Nam để cùng đầu tư.
Kết nối thứ 3 là kết nối giữa các quỹ với các nhà sản xuất game cần vốn để hợp tác.
"Thông quan các game hub này, các quỹ đầu tư sẽ yên tâm đầu tư vì đây là những dự án có thẩm định, có sự quản lý của cơ quan nhà nước. Dự kiến, tháng 12 tới, chương trình này sẽ bắt đầu công bố và triển khai trong năm 2024", ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Để ngành game Việt thực sự trở thành ngành công nghiệp giá trị cao và có sức canh tranh, tạo nhiều việc làm có giá trị kinh tế lớn, ông Vũ Quốc Huy cũng nhấn mạnh, chúng ta cần phải xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng quốc tế và hệ sinh thái đa dạng, đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau.
Gợi ý cho game Việt
Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc Phát hành trò chơi trực tuyến VNG cũng đã chia sẻ về chuỗi giá trị ngành game và ứng dụng cho Việt Nam. Theo đó, chuỗi này gồm 3 nhóm chính là các nhà phát triển, các nền tảng và các nhà phát hành.
Trong chuỗi giá trị này, nhóm các nhà phát triển luôn là nhóm có nhiều lợi ích nhất - tương ứng với sự đầu tư về chất xám, sự sáng tạo mà họ tạo ra với mỗi tựa game. Một sản phẩm thành công sẽ góp phần làm dày thêm lượng fan, khiến IP đó càng trở nên giá trị hơn.
Nhóm các nền đóng vai trò là trung gian, phân phối sản phẩm đến tay người dùng cuối, ví dụ như Appstore và Google play. Cuối cùng là các nhà phát hành giúp bản địa hóa các tựa game ở từng khu vực, nâng cấp trải nghiệm của người chơi, kết nối nhà phát triển với người dùng, xây dựng và phát triển cộng đồng người chơi.
"3 thành tố quan trọng này sẽ bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển trong một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Thực tế, mỗi công ty, tập đoàn chỉ làm tốt được 1 hoặc 2 trong 3 thành tố này. Với các doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta nên tập trung vào nhóm các nhà phát triển và phát hành", ông Lã Xuân Thắng gợi ý.
Nhóm nền tảng là phần tương đối khó khăn vì đây là cuộc chơi của những công nghệ nền tảng và tài chính. Trong khi, chúng ta đang sở hữu những lợi thế về hạ tầng phân phối, về nhân lực, về sức tiêu thụ của thị trường nội địa và khả năng kết nối với các doanh nghiệp ở các ngành công nghiệp khác.
Theo Báo Điện tử Chính phủ