Ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc kiên quyết không để bệnh bạch hầu xâm nhập
Từ đầu năm 2020, bệnh bạch hầu xuất hiện trở lại với những diễn biến phức tạp khiến 64 trường hợp dương tính và 03 ca tử vong tại một số tỉnh Tây Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh. Trước tình hình đó, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã nhanh chóng tiếp cận thông tin, thực hiện các biện pháp phòng tránh, vệ sinh, tiêm chủng… với quyết tâm cao không để bệnh bạch hầu xuất hiện ở địa phương mình.
Thông tin từ Bộ Y tế, tỷ lệ mắc bạch hầu ở Việt Nam đã giảm từ 3,95/100.000 dân năm 1985 xuống 0,14/100.000 dân năm 2000. Tính đến năm 2012, Việt Nam đã khống chế tỷ lệ mắc bạch hầu xuống dưới 0,01/100.000 dân, đa số là trường hợp tản phát hoặc ổ bệnh bạch hầu nhỏ trên quy mô thôn, xã và thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 64 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó, có 03 trường hợp đã tử vong. Các ca mắc ghi nhận tại 4 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và thành phố Hồ Chí Minh.
Sở y tế tỉnh Vĩnh Phúc
Theo báo cáo của ngành Y tế Vĩnh Phúc, từ năm 1985 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ dịch bạch hầu tại huyện Bình Xuyên vào năm 2000 với tổng số 67 trường hợp mắc, 01 trường hợp tử vong. Ngay sau đó, ổ dịch đã được xử lý khống chế không để phát sinh và lan rộng ra các địa bàn khác. Trong suốt 19 năm qua, từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu. Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh đạt trên 95%; trong đó, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ em đạt trên 95%.
Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến của bệnh bạch hầu tại các tỉnh vùng Tây Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngay từ đầu năm, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố song song với việc tập trung phòng chống dịch bệnh COVID-19, vẫn tiến hành xây dựng kế hoạch tiêm chủng mở rộng trên địa bàn; sẵn sàng phương án, kế hoạch đáp ứng với tình hình dịch bệnh nói chung, trong đó có bệnh bạch hầu. Chú trọng việc giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và các đối tượng nguy cơ, qua đó nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới và người lành mang trùng, xử lý triệt để, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng.
Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 4, các điểm tiêm chủng thực hiện tạm dừng tiêm chủng 15 ngày theo hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nên một số trẻ chưa được tiêm chủng theo lịch. Trước thực trạng đó, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hiện công tác rà soát các đối tượng chưa được tiêm và tổ chức tiêm vét. Nhờ vậy, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin trong 6 tháng đạt hơn 47,5%; tỷ lệ tiêm bạch hầu - ho gà - uốn ván cho đối tượng trẻ 18 tháng đạt: 47,3%.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh cho trẻ nhỏ, học sinh trên địa bàn tỉnh, Ngành Y tế Vĩnh Phúc đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các lớp học, nhà trẻ, đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ. Hướng dẫn tổ chức việc theo dõi sức khỏe của trẻ em tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở để nhà trường thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh như: Sốt kèm theo đau họng, ho hoặc khàn tiếng... Các trường hợp này sẽ được cơ sở y tế xem xét cách ly, xử lý kịp thời, không để lây lan...
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; tuyên truyền rõ về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, trong đó có vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo đủ mũi và đúng lịch.
Với quyết tâm không để bệnh bạch hầu xuất hiện tại tỉnh, thời gian tới, Ngành Y tế Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới; tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị các tuyến về giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân; tổ chức các buổi tư vấn về lợi ích, lịch tiêm chủng cho các đối tượng trực tiếp chăm sóc trẻ. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị bệnh nhân; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ trên phạm vi toàn tỉnh để tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Đặc biệt, tăng cường và duy trì công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, bảo đảm trên 95% các trẻ được tiêm đủ các mũi cơ bản và nhắc lại; kiện toàn các đội cơ động phòng chống dịch, đội cấp cứu lưu động, hỗ trợ đầy đủ các trang thiết bị, vật tư y tế cho các địa phương có ghi nhận các trường hợp mắc bệnh để triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu, lợi ích của việc tiêm đúng, đủ mũi vacxin và các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh. Phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh tổ chức việc theo dõi sức khỏe của học sinh tại các trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở, thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học, thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch...
Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi và ở các đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc xin đầy đủ. Vi khuẩn bạch hầu thường khu trú và làm tổn thương đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai, dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), nguy cơ tử vong do tắc đường thở và viêm cơ tim, suy tim. Tuy nhiên hiện nay, bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu và đặc biệt bệnh được phòng ngừa hiệu quả nếu được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. |
Lê Duyên