Nghệ An: Chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy hành chính
Chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính đóng vai trò rất quan trọng và mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, là nền tảng để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính địa phương. Đây là mục đích mà huyện Yên Thành (Nghệ An) đang hướng tới để quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ được công khai, minh bạch, giảm thiểu chi phí và thời gian thực hiện.
Chuyển đổi số - đòn bẩy thúc đẩy cải cách hành chính
Là địa phương đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số năm 2023, xã Long Thành (Yên Thành) đã hoàn thành mô hình chuyển đổi số đối với hệ thống thông tin cơ sở và xây dựng xong bộ tài liệu chuyển đổi số.
Hạ tầng số được đầu tư đồng bộ, bảo đảm an toàn về thông tin. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), quản lý văn bản và điều hành, chữ ký số… được sử dụng thành thạo, giảm thiểu sử dụng giấy tờ. Trên 90% người dân có điện thoại thông minh kết nối Iternet băng rộng, giao tiếp trên môi trường mạng và TTHC trực tuyến được thực hiện ngay tại nhà. Các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của xã được quảng bá trên sàn thương mại điện tử và các nền tảng số khác. 100% các cơ sở kinh doanh có mã QR phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Mở kênh OA trên ZALO để giao tiếp với người dân.
Cán bộ văn phòng huyện Yên Thành hướng dẫn cho người dân đăng ký dịch vụ công trực tuyến.
Ông Đặng Như Linh xóm Yên Mội (Long Thành) chia sẻ: “Từ khi hệ thống chuyển đổi số của xã hoàn thiện, nhiều công việc tôi ngồi ở nhà thực hiện qua trực tuyến nên đỡ phải đi lại, thời gian đó tôi làm việc khác”. Hoàn thành hệ thống phòng họp trực tuyến kết nối liên thông cấp huyện, tỉnh và xây dựng xong mô hình thôn thông minh.
Là xã đầu tiên của huyện và nằm trong tốp đầu của tỉnh hoàn thành chuyển đổi số, Ông Nguyễn Văn Đề Chủ tịch UBND xã Long thành chia sẻ: “Chúng tôi xác định hoàn thành chuyển đổi số tạo nền móng cho việc xây dựng bền vững chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Luôn lấy người dân làm chủ thể, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể trên cơ sở các thế mạnh của xã”.
Quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, hàng tháng lãnh đạo huyện Yên Thành đều tổ chức kiểm tra việc giải quyết TTHC, số hóa hồ sơ,thanh toán trực tuyến và thực hiện đồng bộ hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến.
Những kết quả nổi bật
Chuyển đổi số là lĩnh vực rộng, việc hoàn thành đòi hỏi cần có thời gian, nguồn lực lớn và một quá trình dài theo lộ trình của tỉnh. Những thành quả bước đầu của chuyển đổi số đã tác động mạnh mẽ đến cải cách hành chính, thúc đẩy xây dựng bền vững chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số của huyện Yên Thành.
Năm 2023 toàn huyện tiếp nhận 81.012 hồ sơ trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh (chiếm ¼ số hồ sơ của 21 huyện, thị, thành) trong đó số hồ sơ trực tuyến đạt 76%. Đã giải quyết xong 80.348 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết trước hạn đạt 98%. Thực hiện gần 52.000 hồ sơ chứng thực điện tử và hơn 2.700 lượt liên thông khai sinh, khai tử, tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt gần 66%, thanh toán trực tuyến đạt hơn 35% và đứng đầu cả tỉnh về nội dung này.
Người bị ốm đau được cán bộ đến tận nhà trao các giấy tờ cần thiết.
Ba tháng đầu năm 2024 số hồ sơ của Yên Thành chiếm 24,25% tất cả số hồ sơ của 21 huyện, thị, thành cả tỉnh và tỷ lệ số hóa đạt gần 99%, tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 88%.
Đơn giản hóa TTHC cấp huyện, xã bằng việc cắt giảm thời gian thực hiện 152/292 thủ tục cấp huyện, 69/100 cấp xã. Rà soát cấu hình thành phần hồ sơ, biểu mẫu trong quy trình điện tử để tiếp nhận và giải quyết các TTHC.
Đến cuối tháng 9/2023 toàn bộ quy trình điện tử giải quyết TTHC được hoàn thiện. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến ngày càng được nâng lên, tạo dần thói quen giải quyết TTHC trên môi trường điện tử và đây cũng là một kênh đánh giá chỉ số hài lòng của người dân.
Anh Đào Văn Ngũ, cán bộ Văn phòng UBND huyện Yên Thành tâm sự: “Người dân địa phương vẫn còn có thói quen đến trụ sở xã để làm các TTHC, trong khi vẫn dễ dàng thực hiện các thủ tục này qua dịch vụ công trực tuyến. Để giúp người dân tiết kiệm chi phí và thời gian, chúng tôi tập trung hướng dẫn đăng ký tài khoản, các bước thực hiện nộp và trả hồ sơ. Từ đó tạo dần thói quen cho người dân tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính của huyện vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Giải pháp cho thời gian tới, ông Hoàng Doanh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: “Cùng với chuyển đổi số, tiếp tục cắt giảm TTHC và xây dựng quá trình xử lý hồ sơ theo quy chuẩn. Tiếp tục phát triển chính quyền số để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, giúp cấp trên lãnh đạo, chỉ đạo được nhanh chóng, thuận lợi. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến”./.
Theo https://mic.gov.vn