Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến: Công nghệ số cần được hiện diện nhiều hơn trong đời sống nhiếp ảnh Việt Nam

09:42, 10/05/2024

Công nghệ thông tin đã và đang hiện diện trong đời sống nhiếp ảnh Việt Nam và chắc chắn sẽ có rất nhiều hình ảnh giá trị có thể được các tay máy chuyên nghiệp và nghiệp dư ghi lại được. Dưới đây là những tâm sự của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam với Tin học & Đời sống.

Ông Vũ Huyến - Nhà báo, nhà giáo, nhà nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu lí luận phê bình.

Trước hết, ông nghĩ gì về sự hiện diện của công nghệ thông tin và công nghệ số trong đời sống nhiếp ảnh ở Việt Nam hiện nay?

Tôi vừa xuất bản một cuốn sách ảnh cá nhân có tên là “Điều giản dị”. Trong đó toàn là những bức ảnh về những người bình thường trong đời sống xã hội mà những phương tiện kỹ thuật số đã trở thành không thể thiếu với họ. Điển hình là về một cô bán bưởi đội nón đang gọi điện thoại với những khách hàng của mình. Và bây giờ thì kể cả những người bán rau ở gần nhà tôi cũng có điện thoại thông minh. Người chạy xe ôm công nghệ cũng không thể thiếu điện thoại thông minh… Và đương nhiên, với nghề báo chí như chúng tôi thì gần như ai cũng dùng điện thoại thông minh, máy ảnh số, máy tính.

Nói chung, các công nghệ số đã và đang rất phổ biến trong xã hội ngày nay và dưới con mắt của các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và không chuyên thì hoàn toàn có thể chớp lấy những khoảnh khắc đáng giá từ những phản ánh của họ về những sự hiện diện đó trên nhiều phương diện khác nhau.

Nhà tôi có 2 đứa cháu nội, đứa nào cũng dùng điện thoại. Tất nhiên là gia đình chỉ cho chúng nó dùng điện thoại “cục gạch” thôi nhưng vô cùng tiện lợi. Những quan hệ xã hội ngày nay từ những chuyện nhỏ trong cuộc sống đều không thể thiếu sự hiện diện của các phương tiện công nghệ số. Vì thế, tôi cho rằng nếu như chúng ta tổ chức được một cuộc thi nhiếp ảnh về chủ đề này với đối tượng dự thi là bất kể ai cũng có thể tham gia thì chắc chắn đây sẽ là một cuộc thi hết sức hấp dẫn.

Ngày nay, chúng ta có rất nhiều doanh nghiệp về công nghệ thông tin và viễn thông. Và ngay cả các doanh nghiệp ngoài 2 lĩnh vực này thì việc sử dụng các công nghệ số cũng là hết sức bình thường. Liệu rằng mối quan tâm của họ tới việc mà chúng ta có thể làm thì nên như thế nào?

Cuộc thi mà chúng ta dự kiến để nói về tác động của công nghệ số thì tôi tin rằng chẳng có doanh nghiệp nào lại không quan tâm và không muốn có sự hiện diện của mình trong đó. Tôi tin rằng chính các tập đoàn, doanh nghiệp về viễn thông, công nghệ thông tin và kể cả các doanh nghiệp, cơ quan khác cũng chắc chắn sẽ quan tâm.

Và cũng phải nói thêm là không chỉ có các tập đoàn, doanh nghiệp về viễn thông và công nghệ thông tin mà ngay cả hệ thống ngân hàng thương mại, doanh nghiệp dịch vụ… cũng không thể thiếu sự hiện diện của công nghệ số trong công việc thường ngày của chính họ.

Cùng với việc đó, các nhà cung cấp máy ảnh số, điện thoại thông minh, máy tính bảng cũng luôn mong muốn có thêm nhiều khách hàng. Vì thế, nếu chúng ta tổ chức được cuộc thi nhiếp ảnh này thì thị trường cho các thiết bị kỹ thuật số này chắc chắn sẽ có thêm phần sôi động và khách hàng của họ với những bức ảnh chụp được sẽ tạo cho họ những khoảnh khắc nhiếp ảnh đáng giá của một cuộc sống văn minh với nhiều góc nhìn hết sức đa dạng.

Với bản thân những nhà nhiếp ảnh như chúng tôi, từ ngày có flycam thì đã xuất hiện hàng ngàn bức ảnh chụp từ trên cao mà qua đó, chúng ta nhìn thấy đất nước chúng ta với vẻ đẹp từ trên xuống mà trước đây muốn có cũng không được. Thậm chí, có cả những thiết bị có thể ghi hình kể cả dưới nước. Đã có những tour du lịch được tổ chức về lặn biển mà nếu tham gia nhưng lại không chụp ảnh, quay phim lại thì thật là lãng phí.

Vì thế, tôi tin rằng nếu chúng ta tổ chức cuộc thi nhiếp ảnh này thì sẽ nhận được sự ủng hộ rất lớn của không chỉ các nhà tài trợ về công nghệ thông tin và viễn thông. Và số người hưởng ứng tham gia cũng sẽ rất lớn khiến ban giám khảo rất khó để chấm giải và lựa chọn ra những tác phẩm xứng đáng để trao giải thưởng.

Với các phần mềm đồ hoạ và công nghệ trí tuệ nhân tạo, không ít người có thể chế tác ra những bức ảnh rất có giá trị về nghệ thuật mà nếu chụp ảnh trực tiếp thì không thể làm được. Ông nghĩ gì về thể loại tác phẩm này?

Ngay trên cả điện thoại thông minh ngày nay, người ta đã có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo để chế tác nhiếp ảnh. Không ít người đã sử dụng nó để chế tác những bức ảnh cho chính mình và người thân về những hình ảnh gắn với quá khứ và tương lai.

Còn với các nhà nhiếp ảnh thì nhờ đó cũng tạo ra được một lối nhìn mới cho tác phẩm của họ. Nhiếp ảnh truyền thống là những hình ảnh ghi được theo cách thức trực tiếp. Nhưng với công nghệ đồ hoạ và trí tuệ nhân tạo thì cách thức sáng tạo hoàn toàn khác. Qua cách nhìn ấy bằng những công cụ mới, đương nhiên sẽ có những hình ảnh ấn tượng và muốn nhấn mạnh điều gì thì Photoshop sẽ giúp chúng ta làm được điều đó. Vì thế, người ta gọi hình thức này là nhiếp ảnh ý tưởng.

Tôi cho rằng ở Việt Nam hiện nay thì nhiếp ảnh ý tưởng cũng đang hết sức phát triển và cộng đồng tham gia công việc này cũng hết sức mong muốn chính thức có một cuộc thi cho những tác phẩm của họ. Đây là cuộc thi cho những người thích dùng Photoshop và trí tuệ nhân tạo để tha hồ thể hiện các ý tưởng nhiếp ảnh của cá nhân họ.

Khách nước ngoài tham quan triển lãm ảnh kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ (1995-2020). Ảnh: VŨ HUYẾN

Cuối cùng, ông có mong muốn gì với Hội Tin học Việt Nam và các đối tác sẽ tham gia phối hợp để tổ chức cuộc thi nhiếp ảnh này?

Cá nhân tôi xin có tâm sự là lý ra cuộc thi nhiếp ảnh này phải có từ lâu rồi. Tuy nhiên, đến nay chúng ta mới dự kiến tổ chức lần đầu tiên. Vì thế, tôi đánh giá rất cao sáng kiến này cùng những vận động trong công tác tổ chức cuộc thi nhiếp ảnh “Khoảnh khắc Công nghệ số” do Hội Tin học Việt Nam chủ trì.

Đây chính là sự sáng tạo trong việc tổ chức hoạt động nhiếp ảnh để chính nhiếp ảnh tích cực đóng góp, phản ánh về sự phát triển của công nghệ thông tin với đất nước. Tôi cũng tin chắc rằng ngay từ cuộc thi lần đầu tiên năm 2024 sẽ có có nhiều kết quả hết sức tích cực. Và những kết quả đó sẽ đặt ra vấn đề tiếp tục phải tổ chức thi cho những năm tiếp theo với những kết quả hay hơn. Chúng ta cứ mỗi ngày lại chúng ta lại có thêm những khoảnh khắc được ghi lại có giá trị cả về nghệ thuật lẫn tính thời sự chuyên môn. Có được cuộc thi này, chắc chắn sẽ là nguồn động viên tinh thần cho sự phát triển của công nghệ thông tin và chuyển đối số nước nhà mà ai ai cũng kỳ vọng và mong đợi.

Một lần nữa, tôi rất mong muốn lãnh đạo Hội Tin học Việt Nam tạo mọi điều kiện cần thiết cho công tác tổ chức cuộc thi nhiếp ảnh “Khoảnh khắc công nghệ số” mà chúng ta sắp tổ chức lần đầu tiên. Tôi cũng hết sức mong muốn, Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệt tình ủng hộ cuộc thi này và tin rằng các nhà tài trợ sẽ nhiệt tình hưởng ứng và chắc chắn sẽ có rất nhiều tác phẩm có giá trị tham gia cuộc thi.

Xin cám ơn ông và tin tưởng vào sự thành công của cuộc thi mà chắc chắn chúng ta sẽ tổ chức kể từ năm nay!

Theo Tạp chí in số 1 tháng 4/2024