Đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên trong “nghi án” hối lộ

09:43, 25/03/2014

Chiều qua, 24/3, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 1940/VPCP-V1, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu làm rõ thông tin việc đưa hối lộ tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Cụ thể, trước thông tin Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã khai báo với Văn phòng Công tố Tokyo (Nhật Bản) việc đưa hối lộ 80 triệu yen cho một cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để có được hợp đồng tư vấn thiết kế dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao chủ động xác minh, làm rõ và liên hệ với các cơ quan chức năng của Nhật Bản để thu thập hồ sơ tài liệu về việc Chủ tịch JTC khai báo đã đưa hối lộ cho một cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố, điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đã tạm đình chỉ 4 cán bộ của Tổng Công ty Đường sắt

Cũng trong ngày 24/3, trao đổi với các báo, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, quyết định đình chỉ chức vụ sẽ được áp dụng tiếp với 2 Phó Tổng giám đốc trong vòng 10 ngày, để làm rõ thông tin liên quan đến việc Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản đã "lại quả" 80 triệu yen (khoảng 16,4 tỷ đồng) cho một quan chức ngành Đường sắt. Đó là các ông: Ngô Anh Tảo, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đường sắt của Tổng công ty và ông Trần Quốc Đông, Phó Tổng giám đốc, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt.

Trước đó, ông Trần Quang Lục, Trưởng ban Quản lý dự án đường sắt của Cục đường sắt Việt Nam thời kỳ 2008 - 2009 cũng bị tạm đình chỉ để giải trình những vấn đề có liên quan. Quyết định tạm đình chỉ ông Lục được ký vào ngày 24/3 nêu rõ, ông Lục bị tạm đình chỉ chức vụ để giải trình trách nhiệm cá nhân trong thời gian làm Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt thuộc Tổng Công ty, do có liên quan đến nhà thầu tư vấn thực hiện gói thầu "Dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn I".

Ông Lục là cán bộ thứ hai bị tạm đình chỉ sau ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban quản lý của Tổng Công ty. Trong cuộc họp chiều 23/3, trước Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông Lục cam kết “không nhận hối lộ” trong thời gian làm Giám đốc Ban quản lý dự án này. Vị trí của ông sau đó đã được bàn giao cho ông Trần Quốc Đông - người đương chức Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt.

Chỉ đạo tại cuộc họp này (hôm 23/3), Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh: "Yêu cầu tất cả cán bộ liên quan tạm dừng công việc để viết giải trình, và cam kết về chuyện có hay không nhận hối lộ, kể cả người đã chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu cũng phải giải trình. Nếu phát hiện cán bộ tham nhũng, tiêu cực như báo Nhật đã thông tin, sẽ xử lý nghiêm minh, bất kể người đó là ai".

Ông Thăng cũng cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với JICA và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam để phối hợp chia sẻ, làm rõ thông tin trên. Trong ngày 24/3, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công an, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ.

Đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên trong “nghi án”

Liên quan nghi án nhận hối lộ 80 triệu yen về dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Ngọc Hồi - Yên Viên, đã có 4 cán bộ ngành đường sắt bị tạm đình chỉ để phục vụ điều tra. Theo hồ sơ, dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, giai đoạn 1 có quy mô xây dựng mới đường sắt đôi trên cao đoạn Giáp Bát - Gia Lâm với chiều dài 15,36 km và khu Tổ hợp Ga Ngọc Hồi dài 3,85 km. Tổng mức đầu tư là 19.460 tỷ đồng, trong đó 13.972 tỷ đồng vay của JICA, còn lại là vốn đối ứng.

Dự án do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là chủ đầu tư, tiến độ thực hiện dự kiến từ năm 2008 đến năm 2017. Đây là tuyến đường được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng từ nhiều năm nay với sự tham gia của nhiều hãng tư vấn nước ngoài như Đức (DOSRCH), Hiệp hội tư vấn Nhật Bản (JTCA), Tổ chức JETRO (Nhật Bản)...

 

Phối cảnh tuyến đường sắt số 1 dính nghi án một quan chức nhận hối lộ

Theo thiết kế, đường sắt trên cao từ Ngọc Hồi đến Yên Viên là đường sắt đôi, dài khoảng 28 km. Toàn tuyến có 5 ga dùng chung giữa đường sắt Quốc gia và đường sắt đô thị, bao gồm: Ngọc Hồi, Giáp Bát, Hà Nội, Gia Lâm, Yên Viên. Và 11 ga chỉ dùng cho vận tải hành khách đô thị là: Vĩnh Quỳnh, Văn Điển, Hoàng Liệt, Phương Liệt, Bạch Mai, công viên Lê Nin, Phùng Hưng, Long Biên Nam, Long Biên bắc, Đức Giang, Cầu Đuống. Riêng ga Ngọc Hồi là ga đầu mối trên mặt đất, có chức năng lập tàu khách và tàu hàng đường sắt Quốc gia...

Theo nghiên cứu của Tư vấn JETRO (Nhật Bản), Tổng mức đầu tư cho dự án ước tính khoảng 25,5 ngàn tỷ đồng (tương đương khoảng 1.600 triệu USD). Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 1.100 triệu USD, bao gồm: Xây dựng mới tổ hợp khu ga Ngọc Hồi, cải tạo khu ga Gia Lâm, Yên Viên phục vụ di chuyển khu ga Hà Nội và khu ga Giáp Bát và đảm bảo vận hành liên tục của tuyến đường sắt Quốc gia.

Xây dựng đoạn đường sắt trên cao từ Giáp Bát đến Gia Lâm với tổng chiều dài 10 km, bao gồm cả các cầu, cầu vượt trên đoạn này. Xây dựng ga Hà Nội và 2 toà nhà 21 tầng tại khu vực Hà Nội và 1 toà nhà 21 tầng tại ga Giáp Bát, bao gồm cả ga tạm phục vụ chạy tàu trong quá trình thi công giai đoạn 1; Xây dựng 6 ga đ­ường sắt đô thị; Mua sắm 75 tàu phục vụ đường sắt đô thị…

Giai đoạn 2, với tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD, bao gồm: Xây dựng mới đoạn Ngọc Hồi - Giáp Bát với quy mô 3,4km cầu cạn, 3,87km trên mặt đất và 6km đường tạm. Xây dựng đoạn đường sắt Gia Lâm - Yên Viên với quy mô 2,4 km cầu cạn, 5,31km trên mặt đất. Xây dựng các cầu, cầu vượt trên đoạn Ngọc Hồi - Giáp Bát và Gia Lâm - Yên Viên. Xây dựng khu ga Yên Viên gồm ga khách, ga hàng và các khu kỹ thuật đầu máy toa xe…

Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, đến thời điểm này, dự án đường sắt trên cao tuyến Ngọc Hồi – Yên Viên đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật nhưng do đoạn tuyến phía bắc cầu sông Hồng chưa được Hà Nội và các ngành thống nhất hướng tuyến nên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chưa thể phê duyệt được toàn bộ thiết kế kỹ thuật. Hợp đồng tư vấn đã giải ngân khoảng 80% phần tiền yen và 69% phần tiền Việt.

Thanh Trà (tổng hợp)