“Người Sói 2013”: những cảnh quay thực sự đáng xem

16:16, 26/08/2013

The Wolverine 2013, bộ phim hành động mới nhất của Twentieth Century Fox sản xuất, có 266 cảnh kỹ xảo do xưởng Rising Sun Pictures (RSP) thực hiện. Chỉ riêng cảnh tái hiện vụ nổ bom hạt nhân tại Nagasaki, Nhật Bản trong Thế chiến thứ II đã cần tới 75 chuyên gia RSP đảm trách. Xưởng này còn tạo hẳn các môi trường số cho cảnh quay ngôi làng phủ tuyết ở Nhật Bản, các hiệu ứng liên quan tới chiến đấu như móng vuốt của Người sói cũng được sử dụng trong nhiều phần của bộ phim giúp tạo ra những cảnh quay thực sự đáng xem.

Tái hiện vụ nổ bom nguyên tử Nagasaki

Các kỹ sư của RSP đã phải giả lập vụ nổ bom Nagasaki theo cách hoàn toàn khác so với những gì người ta đã xem trên màn ảnh về sự kiện này. RSP đã phải bỏ ra nhiều công sức tái tạo hiệu ứng vụ nổ sao cho nó phải được diễn ra ở quy mô lớn, khốc liệt và thực sự là thảm họa hủy diệt. RSP đã làm việc cực kỳ tỉ mỉ để tái tạo vụ nổ và các hiệu ứng mảnh vụn được quan sát qua mặt vịnh theo đúng như góc cảnh quay mà người ta vẫn hay xem về vụ nổ hạt nhân Nagasaki vào tháng 8/1945. Tuy nhiên, vụ nổ được RSP được tái tạo theo hướng giao thoa chặt chẽ với nhân vật trong cảnh quay để thấy được sự tàn phá khủng khiếp của bom hạt nhân. 


RSP đã xây dựng một mẫu 3D chi tiết của trại tù binh và cho nổ tung cùng với các đợt sóng phóng xạ tràn qua. Một trong số các sóng này đã đẩy Người sói lên không trung và rồi anh hạ cánh xuống một tảng đá và lấy thân mình làm lá chắn cứu mạng một người lính Nhật. Đây là cảnh quay khá ấn tượng nhưng thực hiện nó lại tốn nhiều thời gian và công sức. Phil Brennan, giám sát tổng thể khâu VFX của RSP đã cho xây hẳn một trại tù binh ở gần Vịnh Botany, phía nam Sydney. Đây là nơi thực hiện khá nhiều cảnh quay mặt đất cho bộ phim. Các cảnh sau khi quay sơ bộ được quét bằng kỹ thuật LiDAR rồi được chia nhỏ và tái tạo hình học. RSP đã sử dụng hệ thống giả lập Bullet Physics để tạo hiệu ứng nổ cho các chi tiết này. 

Cảnh quay trên còn được hỗ trợ bởi nhiều hiệu ứng bổ sung khác như đám khói bốc lên từ mặt đất rồi tràn qua thành phố, mặt nước, trại tù binh rồi tràn vào các tòa nhà và mọi thứ trên đường đi. Prema Paetsch, Trưởng nhóm FX của RSP, cho biết việc tái hiện vụ nổ này càng chi tiết bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, và đương nhiên sẽ mất nhiều thời gian để xử lý kỹ thuật. Nhằm tái hiện cột khói hình nấm của vụ nổ hạt nhân, RSP đã sử dụng một hệ thống hạt (particle system) để mô phỏng và cho chạy một loạt các giả lập nhỏ hơn. Cách làm này giúp mang lại hiệu ứng ảo một cách khá đầy đủ ở độ phân giải, âm thanh, quy mô và chi tiết như mong đợi.

Môi trường số

RSP đã dựng lên các môi trường số tương tác để phục vụ cho các cảnh quay quan trọng, điển hình là cảnh trận chiến trong ngôi làng và bộ móng vuốt của Người sói. Đây chính là yếu tố cốt lõi giúp đạt được những hiệu ứng kỹ xảo chất lượng cao.

Cảnh Người sói bị một nhóm kẻ xấu tấn công tại ngôi làng Nhật Bản cần khá nhiều hiệu ứng đặc biệt. Các ngôi vườn của Nhật nơi cuộc chiến diễn ra trên thực tế được quay tại Cảng Darling, Sydney rồi sau đó được xử lý lại. Trong khi đó, các cảnh hành động gây cấn được quay một phần tại bãi đỗ xe Sydney, các toà nhà, dãy núi và phòng thí nghiệm được giả lập với tuyết phủ bao quanh. Các góc nhìn rộng và từ trên cao của ngôi làng hoàn toàn là cảnh dựng. Các chuyên gia kỹ xảo cũng dựng lên nhiều mũi tên và dây thừng mà nhóm người ninja nhắm vào Người sói. 

Phiên bản số thay thế cho bộ móng vuốt của Người sói cũng được sử dụng nhiều lần trong các cảnh quay chứa đựng yếu tố nguy hiểm. Trong các cảnh quay này, diễn viên Hugh Jackman đã phải mặc nhiều thiết bị hỗ trợ để các chuyên gia có thể lồng ghép bộ móng vuốt vào một cách dễ hơn. Nói chung, các yếu tố sáng tạo này đều được xây dựng trên tầng tầng lớp lớp các hình dạng định hình trông giống như các lớp nứt ra và đổ xuống khi các tòa nhà bị tan chảy các lớp khói bụi bốc lên. Với các cảnh quay khó “nhắn”, nhiều lớp màu được tạo ra để đạt được hiệu ứng mong đợi.

Văn Hân

TIN LIÊN QUAN