Người Việt tìm gì trên Google năm 2012?
19:10, 27/12/2012
"Zeitgeist", tiếng Đức có nghĩa là “hồn thời gian”, dùng để chỉ những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất và tăng nhanh nhất tại trang web google.com.vn và cho một cái nhìn sơ bộ về năm vừa qua thông qua kết quả tìm kiếm.
Google công bố danh sách các kết quả tìm kiếm hàng đầu tại Việt Nam
Không ai giống nhau. Cách hai người tìm kiếm cũng thể hiện phần nào sự khác biệt đó. Vậy điều gì thu hút sự chú ý chung của người Việt Nam trong năm qua? Lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam, danh sách Zeitgeist của Google cho thấy sự quan tâm đa dạng của người Việt, thể hiện rõ qua các từ khóa tìm kiếm trên mạng trong năm 2012 với phạm vi tìm kiếm từ con người, thương hiệu cho đến giải trí và sức khỏe.
Sự ra mắt của Giọng Hát Việt và vụ bê bối dàn xếp kết quả đã khiến chương trình trở thành xu hướng tìm kiếm số 1 tại Việt Nam trong năm 2012. Và ai có thể cưỡng lại “cơn bão” điệu nhảy Gangnam Style từ Hàn Quốc đang không ngừng lan rộng khắp thế giới kể từ lúc xuất hiện vào tháng 8 vừa qua? Trong thời buổi kinh tế khó khăn, người Việt Nam vẫn thể hiện sự hài hước và tình yêu cuộc sống với những tìm kiếm liên quan đến giải trí chiếm gần ⅔ số lượng từ khóa tìm kiếm tăng nhanh nhất trong năm 2012. Những xu hướng cụ thể của năm nay:
Trong khi các vận động viên quốc tế như Michael Phelps thu hút được sự chú ý của chúng ta, phụ nữ Việt Nam lại là những người đứng đầu trong danh sách những người nổi tiếng và trong cả danh sách vận động viên thể thao, vốn được coi là chỗ dành cho phái mạnh. Người mẫu Ngọc Trinh hay vận động viên Taekwondo đoạt huy chương Olympic đầu tiên cho Việt Nam, Trần Hiếu Ngân, được tìm kiếm rất nhiều trong hai danh sách này. Và ai là diễn viên nam duy nhất nằm trong danh sách người nổi tiếng? Chàng diễn viên điển trai Hàn Quốc, Lee Min Ho. Đối với thương hiệu, chỉ có ba công ty Việt là Vinamilk, Trung Nguyên và PT2000 nằm trong danh sách các thương hiệu được tìm kiếm nhất. Những thương hiệu nổi tiếng được tìm kiếm thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng của người Việt đến quần áo và phụ kiện nước ngoài. Trung Nguyên là sự ngoại lệ duy nhất khi nằm trong cả hai danh sách.
Giải trí
Trong khi người Việt rất biết nắm bắt xu hướng nhảy mới với Gangnam Style, từ khóa tìm kiếm về âm nhạc và bài hát lại cho thấy rõ sở thích nghe nhạc rất Việt của chúng ta. Nhạc Phật giáo là từ khóa được tìm kiếm số 1, đặc biệt trong những ngày như lễ Phật Đản và lễ Vu Lan. Ngược lại, tại hạng mục Phim, việc tìm kiếm lại mang hơi hướng quốc tế với những bộ phim Trung Quốc, bao gồm cả phim truyện lịch sử như Thủy Hử, Tây Du Ký, và phim nhiều tập Thần Bài, hay phim hoạt hình Nhật Bản và phim hài như Mr.Bean. Long Ruồi là phim Việt Nam duy nhất trong danh sách.
Tất cả về công nghệ thông tin
Các tìm kiếm liên quan đến công nghệ đều khẳng định vị trí số 1 của iPhone trong năm 2012, trong khi ứng dụng truyền thông trực tuyến được ưa chuộng nhất của năm, Viber, nằm ở vị trí thứ 2. Cả Nokia, Samsung và Qmobile đều nằm trong hai danh sách sản phẩm công nghệ và điện thoại di động, nhưng chính việc gia tăng không ngừng các từ khóa tìm kiếm về máy tính bảng cho thấy người Việt Nam ưa chuộng công nghệ thế nào. Bốn trong số 10 từ khóa tìm kiếm tăng nhanh nhất liên quan tới máy tính bảng là Bipad, iBuy, Nexus 7 và Novo7 đều mới xuất hiện trong năm nay (chưa hề được tìm kiếm tại google.com.vn trước đó).
Điều này cuối cùng cũng chính thức được khẳng định. Người Việt làm quen nhiều hơn với đồ ăn nước ngoài thông qua số lượng tìm kiếm các món kimbab, pizza và sushi. Trong khi hai món địa phương, cháo đậu xanh và mắm ruột, chứng tỏ đồ ăn quen thuộc vẫn ở quanh ta, khẩu vị của người Việt đang dần thay đổi với 7 trong số 10 từ khóa tìm kiếm nhà hàng là về các tiệm ăn nước ngoài.
Chăm sóc sức khỏe
Mọi người vẫn nói “sức khỏe là vàng”. Thật vậy, người Việt Nam luôn quan tâm tìm tòi mọi vấn đề liên quan tới sức khỏe, từ thông tư của Bộ Y tế cho tới cân điện tử và cả bí quyết làm đẹp. Hiệu quả của chiến dịch truyền thông tăng cường sự hiểu biết về căn bệnh thế kỷ HIV/Aids đã khiến cho từ khóa ‘triệu chứng HIV’ đứng đầu danh sách. Xu hướng tự chẩn đoán sức khỏe cho bản thân cũng tương đối rõ ràng khi người Việt thường xuyên tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh H5N1, sốt xuất huyết hay đau ruột thừa.
Từ xưa đến nay, Tết vẫn là khoảng thời gian dành cho gia đình và tạm thời ngưng tìm kiếm Nhưng theo kết quả từ Google hóa ra Tết lại là thời gian cao điểm cho các tìm kiếm liên quan tới địa điểm du lịch cả ở trong và ngoài nước. Địa điểm du lịch nào được ưa chuộng nhất? Ở tại Việt Nam, chúng ta thích du lịch đến những chỗ có nước như thác Giang Điền hay hồ Đại Lại, đây là hai từ khóa đứng đầu danh sách. Đối với du lịch quốc tế, các nước láng giềng như Singapore, Cambodia hay Philippines được tìm kiếm nhiều nhất.
Mua sắm
Hóa ra xu hướng ‘săn’ đồ tốt và rẻ cũng được phản ánh trên mạng trong thời đại kỹ thuật số. Khi người Việt tìm chỗ mua đồ tốt nhất và rẻ nhất, chúng ta muốn tiết kiệm đồng tiền làm ra bằng cách tìm kiếm các phiếu giảm giá, đặc biệt là phiếu giảm giá đồ ăn uống và spa. Trong số các công ty bán phiếu voucher giảm giá, Nhommua đứng đầu về số lượng tìm kiếm. Người Sài Gòn tìm kiếm nhiều gấp ba lần người dân ở các thành phố khác và mặt hàng tìm kiếm tăng nhanh nhất là giày (số lượng tìm kiếm tăng 350% so với năm trước).
Danh sách Zeitgeist được công bố vào thời điểm cuối năm (có tại www.google.com/zeitgeist) nêu bật những xu hướng tìm kiếm thịnh hành nhất năm 2012, ngoài ra cũng có một công cụ miễn phí khác để phân tích những xu hướng của thế giới, khu vực trong quá khứ lẫn hiện tại www.google.com.vn/trends.
M.A