Nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu, không được chủ quan

Minh Hà 15:11, 06/04/2020

Ngày 6/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp sáng 6/4 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch bệnh; triển khai thực hiện cách ly tập trung, cách ly xã hội; phân tích, đánh giá tình hình và dự đoán diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới để có biện pháp ứng phó  phù hợp; sản xuất máy thở, mua sắm trang biết bị, vật tư y tế; công tác kiểm soát đường biên giới; triển khai hỗ trợ một số nước phòng chống dịch bệnh…

Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ 

Đánh giá diễn biến dịch bệnh trong nước, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng vừa qua chúng ta đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn kiểm soát tốt tình hình.

Tuy nhiên diễn biến dịch bệnh còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu, nên không được lơ là, chủ quan, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị trong thời gian tới các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của trung ương, nhất là Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội; đi từng ngõ, gõ từng nhà để rà soát, sàng lọc, phát hiện sớm, quản lý chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng, dập dịch.

Chia sẻ quan điểm này, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong những ngày gần đây số người bị lây nhiễm đã phát hiện rất ít. Số người được chữa khỏi tăng lên. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể yên tâm, do vậy người dân và các cơ quan, đơn vị, địa phương không được chủ quan mà phải tiếp tục hiệp đồng chặt chẽ, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh.

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, bảo đảm tốt về an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Về phía quân đội, Trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Trưởng Ban Thường trực phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Bộ Quốc phòng cho biết, tuần qua số lượng người nhập cảnh từ Lào, Campuchia về Việt Nam đã giảm tới 55%. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh ở một số Đông Nam Á rất phức tạp, dự báo số người công dân Việt Nam về nước thời gian tới sẽ tăng lên. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tiếp tục quản lý chặt đường biên giới; giao các Quân khu ở phía Nam bố trí khu vực tạm cư cho công dân về nước; tiếp tục tổ chức tốt công tác cách ly tập trung; đồng thời đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế về công tác bảo đảm trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch. Ảnh: VGP/Đình Nam

Chủ động đảm bảo trang thiết bị y tế phòng chống dịch 

Về công tác hậu cần, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện chúng ta đã sản xuất được khẩu trang y tế và trang phục phòng hộ cho y bác sĩ từ nguồn nguyên liệu trong nước để phục vụ công tác phòng chống dịch trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Về máy thở, chúng ta đang nghiên cứu sản xuất máy thở xâm nhập, không xâm nhập, sắp tới sẽ có máy thở thay thế nguồn nhập khẩu.

"Hiện số lượng trang thiết bị, vật tư y tế, máy thở, đồ bảo hộ... đã sẵn sàng cho tình huống xuất hiện 10.000 bệnh nhân mắc COVID-19. Đồng thời, Tiểu ban Hậu cần đang lên phương án chuẩn bị trang thiết thiết bị, vật tư y tế... cho các tình huống xấu hơn, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả", Thứ trưởng Trương Quốc Cường thông tin.

Bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng

Liên quan đến công tác điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ đã ban hành công điện yêu cầu tất cả bệnh viện nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Theo đó, tất cả những người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay hoặc cách ly, chuyển tuyến đúng.

Bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn cho tất cả nhân viên y tế khi khám và điều trị cho người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19. Trường hợp người bệnh cấp cứu chưa khai thác được yếu tố nguy cơ thì kíp cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ cá nhân như khi cấp cứu người nhiễm COVID-19.

Dựa trên tình hình thực tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bố trí các phòng khám theo nguyên tắc ở khu vực bên ngoài các khối nhà chính, khối nhà nội trú; phòng ngừa tối đa nguy cơ lây nhiễm vào các khu bên trong.

Các bệnh viện tuyến trên ưu tiên nhận người bệnh nặng, cấp cứu, chuyển tuyến; hạn chế tối đa nhận các trường hợp khám bệnh thông thường mà tuyến dưới thực hiện được. Tăng cường khám bệnh, tư vấn theo các hình thức trực tuyến, điện thoại, viễn thông để giảm lưu lượng người đến khám bệnh.  Giãn, hoãn việc mổ phiên các trường hợp trì hoãn được.

"Người dân trước đây khi khám bệnh thường đến thẳng bệnh viện, bây giờ khi trước đến thăm khám (trừ trường hợp cấp cứu) bà con nên liên hệ với cơ sở y tế để được hướng dẫn, đặt lịch hẹn khám trước… bảo đảm giãn cách xã hội", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo.

Tại cuọc họp sáng 6/4, các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định diễn biến dịch bệnh COVID-19 còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu, nên không được lơ là, chủ quan. Ảnh: VGP/Đình Nam

Các biện pháp đang cho thấy hiệu quả

Về tình hình dịch bệnh, thông tin mới nhất từ Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 6 thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và liên tiếp 2 buổi sáng (5-6/4) không có trường hợp mắc mới COVID-19. Như vậy các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 của Việt Nam đang cho thấy hiệu quả. Hiện Việt Nam đang đứng ở vị trí 96/209 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc COVID-19; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực ASEAN.

Tính đến 7h30’ ngày 6/4, Việt Nam đã ghi nhận 241 trường hợp mắc COVID-19, hiện chưa có người tử vong; 91 bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh (16 người giai đoạn 1; 75 người giai đoạn 2); 150 người dang được điều trị tại 21 cơ sở y tế, trong đó số ca âm tính từ 1 lần trở lên là 52 người (bao gồm 23 ca âm tính từ 2 lần trở lên). Dự kiến trong ngày hôm nay sẽ có thêm một số ca được xuất viện…

Trong số các bệnh nhân nặng, nữ bệnh nhân số 17 (bệnh nhân duy nhất phải can thiệp ECMO - kỹ thuật tim phổi nhân tạo) đã kết thúc điều trị ECMO, chỉ còn thở máy, lọc máu. Bệnh nhân này cũng đã có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với COVID-19.

Bên cạnh đó, 1 ca bệnh nhân nặng (bệnh nhân 161, 88 tuổi, chuyển từ Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương). Hiện tại bệnh nhân không sốt, tình trạng lâm sàng tạm ổn định, không có suy tạng khác. Bệnh nhân này bị xuất huyến não, cao huyết áp, tiểu đường, hở van động mạch chủ, thể trạng gầy yếu.

Bốn bệnh nhân nặng khác đã không còn phải thở máy. Trong số này có 3 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-3 lần với virus gây ra COVID-19.

Trên thế giới, dịch bệnh COVID-19 đã lây lan ra 209 quốc gia/vùng lãnh thổ, với 1.272.860 người mắc; 69.424 người tử vong. Hoa Kỳ và châu Âu tiếp tục là điểm nóng của đại dịch, trong đó Hoa Kỳ có 336.673 người mắc, 69.424 người tử vong; Tây Ban Nha có 131.646 người mắc, 12.641 người tử vong; Italy có 128.948 người mắc, 15.887 người tử vong; Đức 100.123 người mắc, 1.584 người tử vong,… Tại Đông Nam Á, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh, với tổng số ca mắc là 13.182, số ca tử vong là 422 người./.

Theo (Chinhphu.vn)