Nhà mạng không nên quá lo lắng về các dịch vụ OTT

08:00, 05/04/2013

Theo các nhà phân tích, các dịch vụ OTT là xu hướng tất yếu của sự phát triển công nghệ, vì thế nhà mạng không nên chống lại OTT mà nên tìm kiếm mô hình kinh doanh có lãi dựa trên mối quan hệ hợp tác với OTT.

Các dịch vụ OTT (over-the-top) đang là chủ đề thu hút sự tranh luận của các ngành công nghiệp viễn thông thế giới, trong đó có cả Việt Nam vì những thống kê cho thấy các dịch vụ OTT ăn lẹm hàng tỷ USD doanh thu của các nhà mạng. Đối phó thế nào với dịch vụ OTT, chặn hay sống chung với OTT đang là câu hỏi được nhiều cơ quan quản lý viễn thông và nhà mạng đặt ra.

Nỗi lo ngại OTT đang bị thổi phồng

Skype, Facetime, Google Voice, Facebook Messenger, Rebtel. WhatsApp, iMessage, BlackBerry Messenger là những dịch vụ OTT và nhiều ứng dụng tương tự khác là một bộ những dịch vụ chủ yếu được dùng để gọi điện thoại, gọi video và nhắn tin. Song điều đáng nói là chúng được thiết kế để “qua mặt” mạng di động, thay vào đó chúng có thể dựa vào kết nối Wi-Fi.

 


Line là một dịch vụ OTT rất nổi tiếng tại châu Á

Tất nhiên, những dịch vụ này vẫn chạy tốt trên mạng lưới của nhà mạng, nhưng những dịch vụ tiêu tốn nhiều băng thông như Skype và Facetime tận dụng được mạng WiFi vẫn tốt hơn. Các dịch vụ OTT (over-the-top) truyền tải và phân phối nội dung dưới dạng các gói IP trực tiếp đến thiết bị người dùng. Miễn là cuộc gọi được thực hiện và tin nhắn được chuyển đi khi dùng các ứng dụng OTT giữa hai thiết bị kết nối Internet, người dùng sẽ không phải trả bất kỳ mức phí nào. Tất nhiên, họ phải sử dụng kết nối Internet băng rộng hoặc một gói cước dữ liệu dành cho smartphone. Có lẽ vì thế mà nhiều người cho rằng miễn phí dịch vụ OTT là điều hợp lý, bởi tâm lý chung là người dùng đã có một trong những kết nối và vì thế họ có thể tận dụng các nội dụng OTT.

 

Thực ra, OTT có thể khiến nhà mạng lo lắng vì người dùng sẽ không còn trả phí thoại hay tin nhắn cho nhà mạng nữa. Tuy nhiên, nỗi lo này đang bị thổi phổng. CEO Randall Stephenson của nhà mạng Mỹ AT&T nói các dịch vụ OTT không gây ra bất kỳ sự bất ổn nào cho công ty và không đe doạ đến nguồn doanh thu của họ. Ngoài ra, CEO AT&T cũng cho biết các công ty sẽ không thể làm gì nhiều với các dịch vụ OTT bởi đó là cách công nghệ đang phát triển. Điều này có thể hiểu được. Cách tốt nhất mà một nhà mạng có thể làm là hướng khách hàng đến một gói cước dữ liệu dành cho smartphone.

Hiện nay tại Mỹ, các nhà mạng như Verizon Wireless và AT&T đang cung cấp gói cước thoại và nhắn tin không giới hạn cùng với một dung lượng dữ liệu nhất định sử dụng trong hàng tháng. Như thế, các nhà mạng sẽ có được nguồn doanh thu ổn định nhưng gần như đã bão hoà và không thể tăng lên. Từ quan điểm nhà mạng, gói cước dữ liệu không giới hạn chỉ tốt khi thu hút khách hàng mới, bởi những gói cước này nổi tiếng gây ra sự căng thẳng cho mạng lưới.

Ngoài ra, các dịch vụ OTT cũng có thể mang lại nguồn thu cho nhà mạng qua cước roaming dữ liệu. Với việc nhiều người đi du lịch, công tác nước ngoài, họ muốn kết nối với bạn bè, gia đình trên đường đi và họ sẽ phải sử dụng mạng dữ liệu tốc độ cao nếu không có Wi-Fi. Trong tình huống đó, dù sử dụng dịch vụ roaming hay ứng dụng OTT thì người dùng vẫn phải trả phí cho nhà cung cấp dịch vụ.

 


Trái lại, các nhà mạng kiếm doanh thu chủ yếu từ các dịch vụ trả trước hay trả theo ngày có thể bị tác động xấu khi các ứng dụng OTT nở rộ. Các nhà mạng Ấn Độ đã rơi vào trường hợp này. Nhưng các dịch vụ OTT tại đây chủ yếu vẫn chỉ giới hạn ở tin nhắn, gọi điện video vẫn phải dùng trên PC hoặc laptop. Khi người dùng gọi điện qua Skype hoặc Facetime trên điện thoại nhiều, nhà mạng với mô hình kinh doanh dựa trên trả trước sẽ thấy doanh thu bị cắt giảm. Tuy vậy, theo các nhà phân tích, đây không phải là mối lo ngại lớn, vì khách hàng trả trước thường không dùng dữ liệu nhiều.

 

OTT là xu hướng của thời đại, của công nghệ

Các nhà mạng đã đáp lại tình huống OTT theo nhiều cách khác nhau. Những người theo chủ nghĩa bảo hộ và ngăn chặn dịch vụ thường là những người có tầm nhìn thiển cận và không thân thiện với khách hàng. Một giải pháp tốt hơn cho các nhà mạng là đưa ra gói cước, giá cước hấp dẫn để cạnh tranh trực tiếp với những dịch vụ OTT. Một số nhà mạng đã nhảy vào sân chơi này và đưa ra các dịch vụ cạnh tranh OTT. Cách đây vài năm, hãng Sprint của Mỹ đã bắt tay với Google Voice và khách hàng của Sprint đã có cơ hội được tận hưởng tất cả các lợi ích của Google Voice. Tu Me của nhà mạng Telefonica cũng là một ứng dụng smartphone cung cấp cuộc gọi miễn phí, các dịch vụ nhắn tin, định vị miễn phí qua Wi-Fi hoặc qua kết nối di động. Bobsled và Clever Connect của T-Mobile là những nỗ lực của các nhà mạng để chống lại mối thách thức OTT. Tuy nhiên, tất cả những dịch vụ và ứng dụng do nhà mạng đưa ra đều có rất ít thành công.

Các dịch vụ truyền thông hội tụ (Rich Communication Services - RCS) là một giải pháp khác của các nhà mạng. RCS đạng được Hiệp hội GSM quảng bá với nền tảng “Joyn” và sẽ được tích hợp sẵn trong điện thoại. Nó cho phép người dùng gọi điện, gọi video, nhắn tin cùng với các khả năng truyền tải file, chia sẻ video qua nhiều mạng lưới và thiết bị với bất cứ ai trong danh sách danh bạ. Không may, RCS vẫn không thu hút nhiều sự quan tâm lắm.

 


Thực tế, các nhà mạng đã nhận ra lợi ích khi hợp tác với các dịch vụ OTT thay vì cạnh tranh với họ. Các mô hình kinh doanh cần được áp dụng để kiếm tiền trên hiện tượng OTT sẽ tạo ra doanh thu gia tăng, vì thế nhà mạng sẽ không trở thành “đường ống truyền dẫn đơn thuần”. Doanh thu này có thể khiến nhà mạng mất một số tiền trong doanh thu đến từ thoại và tin nhắn, nhưng đó là cách làm thuận theo tương lai và sự phát triển của công nghệ. Nhà mạng cần nhận ra ở góc độ người dùng, việc họ sử dụng các dịch vụ nội dung này không có gì sai. Chất lượng và trải nghiệm chung sẽ là vấn đề được ưu tiên hàng đầu sau mức giá.

 

Về lâu dài, nhà mạng cũng không thể làm ngơ mãi với OTT. Các quốc gia đang có sự thâm nhập mạnh mẽ của smartphone sẽ nhận thấy phần lớn thuê bao di động đều sử dụng cước dữ liệu trong vài năm tới. Mọi thứ sẽ đổi khác. Đó là lúc nhà mạng nên lo lắng về các dịch vụ OTT bởi sự tăng trưởng từ các dịch vụ thoại, tin nhắn và dữ liệu sẽ chậm lại. Nhưng ai mà biết được, biết đâu sẽ có điều gì đó to lớn khác xảy ra trong ngành công nghiệp viễn thông trong 5-10 năm nữa, và nó sẽ đền bù cho bất kỳ tổn hại nào do OTT gây ra. Cách đây 20 năm, không nhiều người nhận ra ngành kinh doanh ĐTDĐ sẽ bùng nổ như bây giờ. Cách đây 10 năm, mấy ai nghĩ rằng chúng ta sẽ bị nghiện sử dụng Internet di động trên smartphone, tablet và nó làm thay đổi thói quen tiêu dùng thời gian của con người. Vì thế, OTT hiện tại chỉ là một mối lo ngại “phụ” và không phải là mối đe doạ “chính”. Hãy đợi và xem.

Hoàng Linh