Nhật Bản nghiên cứu sản xuất thực phẩm trên Mặt Trăng
Chính phủ Nhật Bản và cơ quan vũ trụ nước này sẽ phối hợp với các công ty công nghệ và thực phẩm khởi động một nghiên cứu về việc phát triển một nguồn thực phẩm bền vững trên Mặt Trăng, trong một nỗ lực nhằm khuyến khích lĩnh vực tư nhân bước vào ngành kinh doanh trên không gian.
Theo kế hoạch, nghiên cứu công-tư nói trên sẽ bắt đầu từ tháng 3/2022, do chính phủ tài trợ, đứng đầu là Space Foodsphere, một nhóm nghiên cứu thực phẩm trong không gian có trụ sở tại Tokyo, gồm hàng chục thực thể trong đó có Cơ quan Thăm dò Không gian vũ trụ Nhật Bản, nhà sản xuất đồ gia vị Ajinomoto và công ty dữ liệu hệ thống tích hợp NTT Data Corp.
Các công ty khởi nghiệp như công ty sinh học liên doanh Euglena cũng nằm trong số các thành viên tham gia dự án.
Nghiên cứu cơ bản được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng sản phẩm trên Mặt Trăng cho đội ngũ làm việc dài hạn tại đây, gồm rất nhiều thành viên, vì việc chuyển thực phẩm ăn liền từ Trái Đất lên Mặt Trăng là bất khả thi.
Chuyến đi dài ngày lên Mặt Trăng đang ngày càng trở nên có thể thực hiện được, với các dự án thăm dò Mặt Trăng do Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác khởi động.
Mô hình một nhà máy thực vật sẽ được xây dựng trên Mặt Trăng.
Nhật Bản cũng tham gia chương trình Artimis do Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đứng đầu, vạch ra các ý tưởng thăm dò và sử dụng các nguồn tài nguyên trong không gian, trong đó có Mặt Trăng.
Nhóm nghiên cứu công-tư nói trên sẽ bắt đầu nghiên cứu tại một cơ sở trong nước, sau đó có thể chuyển đến một nơi có điều kiện môi trường giống với trên Mặt Trăng, như ở Nam Cực.
Nghiên cứu của họ nhằm phát triển các công nghệ để vận hành một cơ sở trồng cây trong phòng kín trên Mặt Trăng, nơi nhiệt độ dưới mức âm 100 độ C, thiếu nước và không khí để cây sinh trưởng.
Nghiên cứu cũng bao gồm cách để duy trì các điều kiện sức khỏe tinh thần và thể chất trong không gian hạn chế trong một thời gian dài. Các công nghệ này nếu được phát triển thành công cũng sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề trồng trọt trong điều kiện sa mạc hóa và biến đổi khí hậu trên Trái Đất.
Trong lĩnh vực tư nhân, nhà sáng lập và cựu Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn Amazon.com, ông Jeff Bezos hồi tháng trước đã đi vào không gian bằng tàu không gian và tên lửa đẩy của công ty vũ trụ tư nhân Blue Origin.
Doanh nhân Nhật Bản Yusaku Maezawa cũng có kế hoạch lên quỹ đạo Mặt Trăng theo chương trình của công ty SapceX tổ chức vào năm 2023.
Ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu ước tính thu nhập hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2040, tăng so với doanh thu hiện nay là 350 tỷ USD.
Chân Hoàn (T/h)