Nhật Bản: Robot lấy cảm hứng từ xe thám hiểm Mặt Trăng – giải pháp cho nông dân cao tuổi

13:28, 10/04/2025

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, bên cạnh việc nới lỏng chính sách nhập cư và sinh sản, Nhật Bản tăng cường ứng dụng robot vào sản xuất nông nghiệp.

Nhật Bản là quốc gia có dân số già nhất thế giới, với một phần ba trên 65 tuổi và cứ 10 người thì có một người trên 80 tuổi. Thực trạng đáng báo động này là hệ quả của tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ cao, dự báo khiến lao động từ 15 đến 64 tuổi giảm 30 triệu người trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2070.

Nông nghiệp trở thành một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, lực lượng lao động ngành đã giảm một nửa từ năm 2000 đến năm 2023 và số người dưới 60 tuổi chỉ chiếm khoảng 20% .

Nắm bắt xu hướng trên, anh Tamir Blum - một sinh viên trẻ đã thành lập Kisui Tech vào năm 2021. Công ty ứng dụng công nghệ từ hoạt động thám hiểm không gian để chế tạo robot nông nghiệp hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI).

Robot bán tự động này là Adam, có khả năng vận chuyển nông sản đã thu hoạch qua địa hình gồ ghề cũng như cắt cỏ và phun thuốc trừ sâu, đặc biệt là đối với vườn cây ăn quả ngoài trời.

Adam dự kiến sẽ có giá khoảng 20.000 đô la (511 triệu VND) trên thị trường quốc tế.

Kisui Tech đang hợp tác với Trung tâm Khoa học Môi trường, Sức khỏe và Thực địa tại Đại học Chiba nhằm phát triển hai mô hình Adam - một phiên bản kích thước đầy đủ và một phiên bản thu nhỏ. Sau đó, họ tiến hành thử nghiệm thực tế trên các trang trại khắp Nhật Bản.

Phiên bản Adam lớn cao 70 cm và dài 188 cm, chủ yếu dành cho những nông trại trồng táo và lê. Trong khi đó, phiên bản Adam nhỏ với kích thước chỉ bằng khoảng một phần ba, nhắm đến các trang trại nho và hồng, nơi có luống cây hẹp hơn. Ngoài ra, Kisui cũng đang phát triển nền tảng trực tuyến Newton, giúp nông dân theo dõi tình trạng cây trồng, đồng thời cung cấp những kiến thức về dịch bệnh và quản lý trang trại.

Anh Blum chia sẻ: “Tôi thực sự ngạc nhiên trước phản ứng của nông dân Nhật Bản, bởi tôi nghĩ phần lớn họ sẽ khá bảo thủ, không thích công nghệ và từ chối những trải nghiệm mới. Tuy nhiên, họ rất cởi mở, sẵn lòng đóng góp ý kiến và thử nghiệm Adam”.

Trước khi bước vào giai đoạn thương mại hóa, Adam được cải tiến đáng kể dựa trên phản hồi từ người dùng. Một trong số đó là màn hình cảm ứng được thay thế bằng bảng điều khiển có các nút bấm vật lý, tránh gây khó sử dụng cho nông dân vì họ thường phải đeo găng tay.

Anh Blum khẳng định: “Adam không chỉ là một công cụ nông nghiệp mà còn phục vụ cho mọi lĩnh vực ngoài trời”.

Kisui mới đây đã hoàn thành dự án thử nghiệm có trả phí đầu tiên để tự động hóa tuần tra và thu thập dữ liệu tại nhà máy năng lượng mặt trời của một công ty điện lực Nhật Bản. Ngành xây dựng cũng đề nghị sử dụng Adam để tuần tra, đảm bảo an ninh và vận chuyển hàng hóa nặng.