Nhiều điểm mới về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị định 132/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành có một số nội dung mới là đã mở rộng đối tượng loại trừ áp dụng quy định giới hạn chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngày 9/11, Tổng cục Thuế tổ chức họp báo chuyên đề để cung cấp thông tin về Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Nghị định kế thừa những nội dung đã được quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, chỉ sửa đổi và bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc sửa đổi một số điều để đảm bảo rõ ràng, minh bạch.
Trong đó, Nghị định kế thừa quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP (Nghị định 68) ngày 24.6.2020 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20. Cụ thể, nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%; cho phép khống chế chi phí lãi vay sau khi đã trừ lãi tiền gửi, tiền vay và mở rộng đối tượng được miễn áp dụng quy định khống chế. Quy định về khống chế lãi vay được trừ này đã cơ bản khắc phục những nhược điểm của Nghị định 20.
Tính toán của cơ quan soạn thảo cho thấy, quy định hồi tố năm 2017, 2018 đối với nội dung nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30% đồng thời cho bù trừ với lãi tiền gửi, tiền cho vay, dự kiến số thuế phải hoàn hoặc khấu trừ vào khoảng 4.785 tỉ đồng.
Quang cảnh buổi họp báo chuyên đề.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng thông tin thêm, các quy định về quản lý thuế với các giao dịch và doanh nghệp liên kết từ Nghị định 20, Nghị định 68 đến Nghị định 132 đều không phân biệt doanh nghiệp liên kết với nước ngoài hay trong nước. Đây là xu hướng chung của quốc tế, đã ban hành chính sách thì phải áp dụng chung.
Cũng theo vị này, ngay bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng đã vươn ra đầu tư nước ngoài. Hay thực tế bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng có sự chuyển giá lẫn nhau, vì đặc thù nước ta có nhiều chính sách ưu đãi thuế theo địa bàn, lĩnh vực trong khi một tập đoàn trong nước hiện nay cũng đa nghề, đa lĩnh vực.
"Khi có sự chênh lệch thuế giữa các lĩnh vực có quan hệ liên kết sẽ phát sinh chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp, pháp nhân hay địa bàn có thuế suất cao sang thuế suất thấp. Kể cả trong trường hợp không có chênh lệch lãi suất thì doanh nghiệp vẫn có hoạt động chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp có lãi sang doanh nghiệp lỗ", ông Đặng Ngọc Minh nói.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, hiện số liệu doanh nghiệp có kê khai giao dịch liên kết tính đến cuối 2019 là khoảng 16.500, trong đó, số doanh nghiệp kê khai có phát sinh giao dịch liên kết khoảng 8.000.
Quy định này đã điểm trúng "huyệt" của các doanh nghiệp FDI, quản lý được công tác chuyển giá, trốn thuế, nhưng lại vô tình gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước, khiến không ít doanh nghiệp phải nộp thêm hàng trăm tỷ đồng tiền thuế mỗi năm, từ lãi thành lỗ, hoặc bị tính thuế 2 lần cả công ty mẹ và công ty con nếu cho nhau vay tiền.
Vì vậy, tháng 6 năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 68, nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30% và đã hồi tố khoảng 4.785 tỷ đồng cho các doanh nghiệp.
Thanh Tùng (T/h)