Nhiều dự án điện gió sắp hoàn thành vẫn nguy cơ… chôn vốn
Dịch bệnh COVID-19 chính là nguyên nhân khiến nhiều dự án không kịp hoàn thành đưa vào vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021.
Cho rằng đại dịch COVID-19 là nguyên nhân bất khả kháng khiến các nhà máy điện gió khu vực phía Nam không thể hoàn thành đúng tiến độ để hưởng giá bán điện ưu đãi (FIT), các địa phương cùng chủ đầu tư đã đồng loạt kiến nghị lên Thủ tướng chính phủ xin gia hạn.
Theo Quyết định số 39/2018/QĐ- TTg ngày 10/9/2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam thì nếu các dự án điện gió hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 sẽ được hưởng giá bán điện ưu đãi (FIT) đối với điện gió trên biển là 9,8 cent/kWh, tương đương 2.223 đồng và điện gió trên bờ là 8,5 cent/kWh, tương đương 1.927 đồng. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 ập đến đã kéo lùi tiến độ khiến nhiều dự án dù căng sức triển khai vẫn không thể đảm bảo kết thúc đúng ngày 30/10/2021 như quy định mà Chính phủ đã đề ra.
Các địa phương đồng loạt kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xin gia hạn thêm cho Doanh nghiệp.
Nhiều nhà máy điện gió “cầu cứu” Chính phủ
Theo nội dung công văn các tỉnh Nam Bộ và doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương thì dịch bệnh COVID-19 chính là nguyên nhân khiến nhiều dự án không kịp hoàn thành đưa vào vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021.
Việc phong tỏa để phòng chống dịch bệnh đã khiến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, cung cấp nguyên vật liệu và nhập khẩu tua - bin từ nước ngoài chậm trễ. Hoạt động xuất nhập cảnh của công nhân kỹ thuật, chuyên gia nước ngoài bị gián đoạn do bị tạm dừng hoặc phải cách ly tập trung.
Ngoài ra, Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội giữa các địa phương cũng khiến việc vận chuyển thiết bị điện gió trên các tuyến đường giao thông không thể thực hiện được. Dịch bệnh COVID-19 còn khiến vật tư, thiết bị khan hiếm, giá cả tăng cao bất thường, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, dẫn đến sự chậm trễ của tiến độ thi công.
Trong đơn “cầu cứu: gửi UBND tỉnh Gia Lai, Chủ đầu tư Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai cho biết: Mặc dù thiết bị, vật tư đã được doanh nghiệp này nhập khẩu và đưa về Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) từ giữa tháng 5/2021, tuy nhiên tại thời điểm đó, dịch COVID-19 bùng phát, TP Hồ Chi Minh bị phong tỏa hoàn toàn, dẫn tới toàn bộ số thiết bị trên đến tận tháng 9/2021 mới được chuyển ra khỏi cảng.
Nhiều doanh nghiệp điện gió “cầu cứu” vì chậm tiến độ do COVID-19.
Ngoài ra, các thủ tục tại cảng và hải quan bị đình trệ do các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và các ca lây nhiễm trong chính lực lượng hải quan. Quá trình vận chuyển thiết bị buộc phải tạm dừng do phải đi qua nhiều địa phương đang trong thời gian giãn cách xã hội nên việc vận chuyển không thực hiện được.
Khác với trường hợp trên, Dự án Nhà máy Điện gió Chơ Long đã được thẩm định thiết kế cơ sở, được hoàn thiện thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, đã ký kết hợp đồng tổng thầu EPC (thiết kế, mua sắm, và xây dựng), đã ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Dự án đang trong quá trình hoàn thiện và hoàn thành trước 30/10/2021.
Tuy nhiên, trong đợt dịch bùng phát vừa rồi, nhiều đợt cán bộ, chuyên gia của chủ đầu tư, của Ban Quản lý Dự án và Nhà thầu liên tiếp phải cách ly trên 14 ngày khiến tình hình triển khai dự án bị tê liệt từ cuối tháng 5/2021 đến nay mới dần được khôi phục lại. Ngoài ra, tình trạng các cơ quan chức năng hạn chế tiếp xúc, xử lý công việc để phòng chống dịch cũng cản trở gián tiếp đến tiến độ thực hiện dự án.
Tại công văn gửi UBND tỉnh Sóc Trăng, Công ty TNHH Điện gió Lạc Hòa 2 cho biết dự án Nhà máy Điện Gió Hòa Đông 2 - công suất 72 MW được triển khai đầu tư với mục tiêu đưa vào vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp chuỗi cung ứng vật tư, vật liệu và kế hoạch huy động chuyên gia, kỹ sư nước ngoài, máy móc của nhà thầu nước ngoài vào quá trình thi công. Mặc dù Công ty cùng phía nhà thầu đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục các khó khăn trên nhưng mục tiêu vận hành thương mại của Nhà máy điện gió trước 31/10/2021 là bất khả thi.
Cần cảm thông và chia sẻ!
Trong đơn gửi Thủ tướng và Bộ Công Thương, Lãnh đạo các địa phương và chủ đầu tư các nhà máy điện gió cho rằng việc chậm trễ, không đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án trước 30/10/2021 là điều mà các doanh nghiệp không hề mong muốn, là nguyên nhân bất khả kháng mà không ai biết trước và không có bất cứ giải pháp nào có thể khắc phục.
Tại công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, các địa phương: Sóc Trăng, Gia Lai, Ninh Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau, Đăk Nông, Đăk Lăk … đều tỏ ra hết sức thông cảm với những khó khăn của các dự án điện gió do dịch bệnh Covid 19 gây ra và đồng loạt kiến nghị Chính phủ gia hạn cho các dự án điện gió thêm một thời gian nữa.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chia sẻ, việc các dự án điện gió chậm tiến độ do dịch bệnh COVID-19 là có thật mà ai cũng biết. Đây là nguyên nhân bất khả kháng mà không ai mong muốn. Chúng ta cần cảm thông và chia sẻ với những khó khăn, thiệt thòi mà dịch bệnh gây ra cho doanh nghiệp. “Theo tôi, Chính phủ và Bộ Công Thương cũng nên gia hạn cho các dự án điện gió thêm 6 tháng hay một năm nữa”.
Ông Vy cũng đưa ra giải pháp khác: Nếu Chính phủ không gia hạn thêm cho các doanh nghiệp điện gió thì có thể cho phép các dự án đã cam kết tiến độ tiếp tục phát điện, sau đó giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam đàm phán, trao đổi với chủ đầu tư từng dự án để tính đúng, tính đủ mức đầu tư, qua đó đưa ra mức giá mua điện phù hợp, đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý, tránh thiêt thòi cho các nhà đầu tư chân chính.
Dưới góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng: những khó khăn mà doanh nghiệp điện gió nêu ra là có thật và cần được chia sẻ. Bộ Công Thương và các địa phương cần kiểm tra, rà soát kỹ từng dự án, qua đó trình Chính phủ gia hạn thêm cho các dự án đã có cam kết về mặt tiến độ hoàn thành trước 30/10/2021, đã cố gắng thực hiện nhưng vẫn không đảm bảo tiến độ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đồng thời kiên quyết loại trừ những chủ đầu tư lợi dụng chính sách gia hạn để hưởng lợi bất hợp pháp. Làm được điều này chúng ta sẽ góp phần tận dụng và khuyến khích các nguồn lực đầu tư trong xã hội đối với lĩnh vực sản xuất và cung ứng điện, vốn đang rất cần cho Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay.
Trước những băn khoăn về việc làm thế nào cho phù hợp để tránh sẽ có nhà đầu tư lợi dụng chính sách gia hạn chạy đua hưởng lợi bất chính, ông Đồng Thanh Tùng - một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đưa ra giải pháp: Chính phủ chỉ nên gia hạn cho các dự án điện gió khoảng 4 đến tối đa là 6 tháng.
Ông Tùng lý giải: Ngay từ thời điểm cuối năm 2020 một số doanh nghiệp đã đầu tư, ký kết hợp đồng và triển khai thực hiện các dự án điện gió với tinh thần quyết liệt và khẩn trương. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 tới tháng 9/2021, dịch COVID-19 leo thang, bùng phát, Việt Nam phải căng mình chống dịch, chấp nhận thiệt hại kinh tế để giữ vững ổn định xã hội, tính mạng và sức khỏe của nhân dân. Thời điểm đó, toàn bộ 9 tỉnh miền Tây Nam bộ thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg với các biện pháp cứng rắn nhất để đảm bảo an toàn trước dịch bệnh. Quãng thời gian gần 4 tháng đó, mọi hoạt động kinh tế, các chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bị đứt gãy. Đây cũng là quãng thời gian mà các dự án điện gió phải “án binh bất động” vì thiếu chuyên gia, thiếu vật tư thiết bị.
“Tôi khẳng định nếu Chính phủ gia hạn thời gian thêm khoảng 4 tháng, các doanh nghiệp nếu không có chuẩn bị sẵn, không có mục tiêu hoàn thành dự án đúng ngày 30/10/2021 từ trước đó, thì chắc chắn không thể đẩy nhanh thời gian để kịp lợi dụng chính sách mà hưởng lợi” - ông Tùng quả quyết.
Theo diendandoanhnghiep.vn