Nhiều rủi ro khi tìm việc qua mạng xã hội

20:55, 28/03/2024

Đi kèm những lợi ích thì tìm kiếm việc làm online vẫn đầy rẫy những rủi ro.

Cần cảnh giác khi tìm kiếm việc làm thông qua mạng xã hội.

Thị trường tuyển dụng trực tuyến đang ngày một phát triển, các trang mạng xã hội (MXH) giúp người lao động (NLĐ) có nhiều cơ hội tìm kiếm và nắm bắt cơ hội việc làm. Song, đi kèm những lợi ích thì tìm kiếm việc làm online vẫn đầy rẫy những rủi ro.

Mất tiền

Tháng 6/2023, thông qua phần mềm TikTok, anh Lê Quang Minh (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) tìm việc làm thêm và nhận được thông báo tuyển dụng từ một công ty có trụ sở chính tại Vĩnh Phúc.

Công việc được mô tả là gia công đồ gia dụng tại nhà với mức thu nhập cao. NLĐ sau khi hoàn thành từ 40 - 200 đơn hàng sẽ nhận thưởng từ 300.000 đồng đến 2,8 triệu đồng. Đặc biệt, nếu năng suất tốt, doanh nghiệp sẽ chi thêm hoa hồng để tri ân. Anh Minh cho biết, những đơn hàng đầu tiên, tiến độ thanh toán nhanh chóng.

Song, từ đơn hàng thứ 4, tổng giá trị hơn 60 triệu đồng, thì tiến độ thanh toán từ công ty gặp trục trặc, phương thức giao dịch thay đổi, hoàn thành đơn hàng, chuyển đi thành công mới nhận được tiền.

“Tin lời, tôi và người thân làm ngày đêm để kịp tiến độ. Song, đơn hàng đã chuyển đến kho, nhưng tiền thì không nhận được. Liên hệ người quản lý thì tài khoản của tôi đã bị chặn. Đến kho hàng theo địa chỉ công ty cung cấp, mới hay họ đã dọn đi từ lâu”, anh Minh cho biết.

“Không cần kinh nghiệm, không cần trình độ, chỉ cần căn cước công dân... nhận việc ngay, không cọc, thu nhập lên đến 50 triệu đồng...”, là những lời chào mời trên một tài khoản TikTok mà chị Nguyễn Xuân Ly (Hà Nội) xem được vào đầu tháng 2 vừa qua.

“Chỉ vì mong muốn tìm được công việc có thu nhập tốt, tôi đã làm theo hướng dẫn của họ và truy cập vào đường link khác để điền thông tin. Ngay sau đó, tài khoản ngân hàng của tôi lập tức bị trừ hơn 7 triệu đồng. Sau khi kiểm tra thì mới biết đường link đó có thể chiếm quyền kiểm soát trên điện thoại rồi lấy hết số tiền trong thẻ ngân hàng”, chị Ly bức xúc.

Tương tự, anh Hoàng Đức Thành (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) cũng bị “ăn bánh vẽ” trong quá trình tìm việc làm. Qua tìm hiểu thông tin tuyển dụng trên các trang MXH, anh Thành tiếp cận được mẩu tin tuyển dụng của Công ty TNHH phát triển nhân lực Hoàng Phát có địa chỉ tại Ninh Bình.

Công việc là lao động thời vụ dán nhãn với mức lương 30.000 đồng/giờ. Anh Thành cùng một người bạn đến tìm hiểu. Sau khi tư vấn cụ thể về công việc, đại diện công ty yêu cầu mỗi người đóng 500.000 đồng để may đồng phục và hẹn một tuần sau đến nhận việc.

“Tôi đã rất hoài nghi khi được yêu cầu đóng tiền đồng phục, nhưng đang phải duy trì sinh hoạt hàng ngày nhờ khoản trợ cấp thất nghiệp, thấy vẻ ngoài khang trang của công ty nên tôi đã tin tưởng. Một tuần sau, khi liên hệ lại với công ty thì điện thoại không liên lạc được, tôi và người bạn đến trụ sở thì thấy đóng cửa. Hỏi người dân xung quanh, chúng tôi mới biết biết công ty đã chuyển đi và cũng có nhiều người bị lừa giống như tôi”, anh Thành chia sẻ.

Ảnh minh họa ITN.

Cần cảnh giác

Theo thống kê từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị lừa đảo chiếm đoạt trên MXH khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ mới là con số mà người dân đã trình báo đến lực lượng chức năng.

Ông Phạm Minh Trung, Giám đốc Công ty phát triển nhân lực Toàn Cầu đánh giá, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau Tết đã ổn định trở lại, thị trường lao động ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.

“Tuy nhiên, khi tìm kiếm việc làm, NLĐ cần tìm đến các đơn vị uy tín để tránh tiền mất tật mang. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, vị trí việc làm, mức lương. Lưu ý là đơn vị uy tín không bao giờ yêu cầu NLĐ phải đặt cọc, thế chấp tiền, tài sản”, ông Trung nhấn mạnh.

Ở góc độ nhà tuyển dụng, giám đốc một hệ thống siêu thị tại Hà Nội chia sẻ, từ năm 2023, hệ thống này đã dùng kênh TikTok của mình để đăng tuyển nhiều vị trí. Tất cả video đăng tuyển đều nhấn mạnh ứng tuyển miễn phí và nộp hồ sơ tại siêu thị gần nhất với nơi cư trú của ứng viên.

Chuyên gia Ngô Minh Hiếu, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia Việt Nam (Bộ TT&TT) cho biết, thời gian gần đây, hành vi lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng ngày càng tinh vi và phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng thường đánh vào lòng tham, nhu cầu tìm việc, kiếm thêm thu nhập của NLĐ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền, tài sản.

“Cần cảnh giác đối với nhóm đối tượng lừa đảo dẫn dắt tham gia các hội nhóm kiếm tiền trực tuyến trên các trang MXH như Zalo, Telegram, TikTok hoặc Facebook. Trên thực tế, rất khó để tìm kiếm được công việc nhẹ có thu nhập cao”, ông Hiếu lưu ý.

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

https://giaoducthoidai.vn/nhieu-rui-ro-khi-tim-viec-qua-mang-xa-hoi-post677101.html