Nhu cầu về đào tạo Truyền thông đa phương tiện tại Việt Nam

11:15, 17/03/2021

Lý tưởng và triết lý của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là chúng ta phải sử dụng công nghệ thông tin để tăng được năng suất lao động, từ đó tiết kiệm được chi phí, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Vì vậy những ngành nghề nào ứng dụng công nghệ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và vượt trội hơn so với các ngành khác. Một trong những ngành nghề phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây là ngành Truyền thông đa phương tiện.

 1. Thực trạng ngành Truyền thông đa phương tiện trên thế giới và ở Việt Nam

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet đã tác động rất lớn đến đời sống xã hội cũng như ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của hệ thống báo chí thế giới nói chung. Từ khi báo điện tử ra đời thì các thông tin được cung cấp cho công chúng theo hình thức đa phương tiện sinh động hơn, hấp dẫn hơn.

Ngành TTĐPT là ngành ứng dụng công nghệ thông tin trong sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mỹ thuật mang tính ứng dụng trong các lĩnh vực truyền thông (quảng cáo, truyền hình, bản tin…), giải trí (game, điện ảnh, hoạt hình…), y học (mô phỏng, tư vấn khám chữa bệnh từ xa…), giáo dục (hướng nghiệp, minh họa trực quan…) và nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Truyền thông đa phương tiện là xu hướng phát triển mang tính khách quan đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả trong thế giới hiện đại. Hiện nay với sự bùng nổ thông tin, công chúng ngày càng có những nhu cầu cao hơn đối với nội dung cũng như chất lượng thông tin.

Truyền thông đa phương tiện cho phép công chúng thu nhận thông tin bằng cả hình ảnh, âm thanh, văn bản làm thay đổi cách tiếp cận thông tin của công chúng, nhất là đối với độc giả trẻ, thế hệ nhạy bén với khoa học và công nghệ.

Công chúng đang ngày càng bị cuốn hút bởi nhiều hình thức cung cấp thông tin động, hấp dẫn, tiếp cận trên toàn bộ các giác quan, cảm quan: đọc, nghe, nhìn, đối thoại, tham gia trực tiếp… Sự ra đời của vô vàn các trang tin điện tử, các kênh truyền hình, phát thanh trực tuyến và các giao thức liên lạc (Email, chatting) và thoại (voice) được tích hợp vào bản tin đã làm thoả mãn tất cả các nhu cầu của công chúng.

 

Sử dụng hình ảnh trên Internet.

Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển mạnh mẽ kinh tế – xã hội của đất nước, hệ thống báo chí truyền thông của nước ta cũng đã có bước phát triển chưa từng thấy.

Tính đến năm  2020, cả nước ta đã có 142 Báo, 612 Tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập, 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Có thể nói, sự phát triển chung của báo chí Việt Nam trong thời gian qua có sự góp phần không nhỏ của sự ngành truyền thông đa phương tiện.

2. Nguồn nhân lực về TTĐPT

Kết quả khảo sát, phân tích, đánh giá nhu cầu về nguồn nhân lực truyền thông đa phương tiện là một trong những nghề hấp dẫn nhất thế kỷ 21 với nhu cầu nhân lực ngày càng cao trên toàn thế giới cụ thể như sau:

Theo các kết quả khảo sát 15 doanh nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông đa phương tiện thì nhận thấy 100% các doanh nghiệp được khảo sát có nhu cầu và kế hoạch tuyển dụng hàng năm (trong giai đoạn 2020 – 2024). Tăng dần, từ 10 – 50 người/1 năm.

Các lĩnh vực cần nhân sự là Sản xuất nội dung số, Truyền thông số và Quảng cáo trực tuyến, Thương mại điện tử, Dịch vụ và Ứng dụng Mobile. Từ đó, có thể nhận thấy nguồn nhân lực phục vụ trong các lĩnh vực về truyền thông đa phương tiện ngày càng tăng rất nhanh trong những năm tới.

 

Khảo sát của TopCV về nhu cầu nguồn nhân lực liên quan đến ngành TTĐPT năm 2018.

Thực tế tại Việt Nam, rất nhiều cán bộ, kỹ thuật viên, chuyên viên đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện phần lớn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo khác, không đúng chuyên môn, làm việc đa phần dựa trên kinh nghiệm, hoặc tự học thêm, không được đào tạo bài bản.

Do đó, chất lượng, hiệu quả công việc của các cơ quan, tổ chức này chưa cao, do trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên, chuyên viên còn chưa phù hợp, còn nhiều hạn chế.

 Hiện nay, số lượng các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông ngày một tăng. Bên cạnh các công ty, tổ chức truyền thống như truyền hình, báo chí đa phương tiện, mỹ thuật, điện ảnh, tổ chức sự kiện, giải trí... thì còn có rất nhiều công ty, tổ chức chuyên về thiết kế Games, mô phỏng, kỹ xảo 3D,... Tốc độ tăng trưởng mạnh và môi trường cạnh tranh gay gắt khiến cho nhu cầu về nhân lực của ngành truyền thông đa phương tiện ngày càng cao.

Tốc độ phát triển cực kỳ nhanh của các ngành nghề liên quan đến việc ứng dụng mỹ thuật đa phương tiện cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu về nguồn nhân lực của ngành này ngày một tăng. Mỹ thuật đa phương tiện là một mảng ngành nghề trong ngành Truyền thông đa phương tiện.

Theo Ông Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, báo Thanh Niên đưa ra số liệu thống kê, số lượng học viên tại Việt Nam hàng năm tăng 25% so với năm trước. Số học viên theo học từ 5.000 đến 6.000/năm. 92% số học viên học tại các cơ sở đào tạo ra trường có việc làm với mức lương trung bình từ 300 đến 1.000 USD.

Khảo sát của TopCV về mức lương liên quan đến ngành TTĐPT năm 2018.

Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường lao động TP.HCM, mỗi năm sẽ cần đến 21.600 người trong nhóm ngành Truyền thông - quảng cáo.

Tuy nhiên, số lượng sinh viên đăng ký ngành mỗi năm chỉ khoảng 5.000 - 6.000 thí sinh/năm. Điều này đồng nghĩa với việc ngành Truyền thông đa phương tiện luôn trong tình trạng “khan hiếm” nhân lực và sinh viên sau khi tốt nghiệp luôn được các doanh nghiệp chào đón.

Theo thống kê của We Are Social năm 2019, Việt Nam có 64 triệu người sử dụng Internet, chiếm 67% dân số, Internet trở thành công cụ quảng bá các sản phẩm truyền thông nhanh nhất. Tín hiệu này cho thấy ngành Truyền thông đa phương tiện trong tương lai vẫn là một ngành thời thượng, có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn với giới trẻ năng động và đam mê đổi mới.

Ngành Truyền thông đa phương tiện cung cấp kiến thức, kỹ năng tổng hợp, đưa đến vị trí công việc đa dạng và nhiều hấp dẫn. Sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia thị trường lao động ở nhiều công ty, tổ chức như: Các đài phát thanh, truyền hình; Công ty truyền thông quảng cáo; Công ty sản xuất phim, video; Xưởng phim hoạt hình; Công ty sản xuất trò chơi; Công ty sản xuất phần mềm, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm cho các công ty sản xuất, dịch vụ,…

Hơn thế nữa, Truyền thông đa phương tiện là một ngành mới ở Việt Nam. Hiện tại cả nước có khoảng hơn 10 trường, học viện đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện trình độ đại học. Điều này cho thấy số lượng nhân lực được đào tạo trong nước trình độ đại học đúng ngành Truyền thông đa phương tiện hiện nay là rất ít so với nhu cầu thực tế.

Các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông nhận định, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 20.000 nhân lực trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện như: thiết kế đồ họa 2D/3D, thiết kế hoạt hình, thiết kế Games, thiết kế/phát triển Web, thiết kế sản phẩm R&D, thiết kế giao diện, tư vấn và thiết kế quảng cáo, nội dung đa phương tiện, sản xuất phim điện ảnh và truyền hình kỹ thuật số,...

Tuy nhiên, đội ngũ nhân lực hiện đang làm việc vừa thiếu, vừa có kiến thức nền tảng yếu do không được đào tạo một cách bài bản. Mặt khác, cũng tạo ra một xu hướng cạnh tranh tất yếu về chất lượng của nguồn nhân lực phục vụ các ngành nghề.

Do vậy, cần thiết phải nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kĩ năng làm việc cho nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực ngành truyền thông đa phương tiện.

Vì vậy, một trong những tiêu chí cần thiết phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp cho các cán bộ làm việc trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện đảm bảo rằng nguồn nhân lực trong ngành Truyền thông đa phương tiện phải có trình độ công nghệ thông tin, am hiểu kiến thức về mỹ thuật, kiến trúc, báo chí, truyền thông.

Đây cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết của tất cả các ngành nghề, tổ chức, doanh nghiệp đều cần để quảng bá thương hiệu, sản phẩm,… trong xã hội hiện đại, xã hội số.

Căn cứ kết quả khảo sát và phân tích nhu cầu thực tiễn về nhân lực ngành Truyền thông đa phương tiện cho thấy việc mở ngành đào tạo Truyền thông đa phương tiện là thực sự cần thiết, nhằm đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, đáp ứng nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực truyền thông đa phương tiện hiện nay.

3. Công tác đào tạo Truyền thông đa phương tiện tại Việt Nam

Do nhu cầu nguồn nhân lực về Truyền thông đa phương tiện ngày càng cao không đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Do đó, quy mô đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện tại Việt Nam trong những năm gần đây ngày càng được mở rộng về số lượng cũng như chất lượng.

Vì vậy, chúng tôi đã tiến hành khảo sát vấn đề về tuyển sinh ngành Truyền thông đa phương tiện tại các trường đại học ở Việt Nam trong năm 2019, 2020 cụ thể như sau:

Tuyển sinh: Tình hình tuyển sinh của một số đơn vị đào tạo liên quan đến Truyền thông đa phương tiện năm 2019, 2020 được liệt kê trong bảng:

Từ dữ liệu được trình bày trong bảng có thể nhận thấy:

Thứ nhất: Khảo sát 11 trường Đại học và Học viện đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện nhận thấy chỉ tiêu tuyển sinh còn rất hạn chế với tổng chỉ tiêu của 11 trường khoảng trên 700 chỉ tiêu. Do vậy, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Thứ hai: Điểm đầu vào của ngành Truyền thông đa phương tiện khá cao khi so sánh với các nhóm ngành khác được tuyển sinh tại cùng một cơ sở đào tạo năm 2019, 2020, cụ thể: 

Học viện Báo chí và tuyên truyền điểm đầu vào của ngành Truyền thông đa phương tiện: năm 2019 là 23,25 - 24,75 điểm, năm 2020 là 26,07 - 27,57 điểm đứng thứ nhất, nhì trong các nhóm ngành được đào tạo của Học viện báo chí và tuyên truyền; Đại học Hà Nội điểm đầu vào của ngành Truyền thông đa phương tiện: năm 2019 là 22,8 điểm, năm 2020 là 25,4 điểm; Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh điểm đầu vào của ngành Truyền thông đa phương tiện: năm 2019 là 24.3 điểm, năm 2020 là 27 điểm đứng thứ nhì trong nhóm ngành được đào tạo. Còn một số trường còn lại điểm đầu vào ngành Truyền thông đa phương tiện cũng khá cao.

Thứ ba: Tổ hợp môn thi xét tuyển của ngành Truyền thông đa phương tiện tại các trường rất đa dạng.

Từ những luận cứ trên có thể khẳng định, nhu cầu của người học về ngành Truyền thông đa phương tiện còn rất lớn mà chỉ tiêu tuyển sinh các trường đại học tại Việt Nam hiện nay không đủ đáp ứng được nhu cầu “khan hiếm” nhân lực truyền thông đa phương tiện của xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://blog.topcv.vn/tham-khao-bao-cao-tuyen-dung-nhan-su-2018-cua-topcv-de-biet-minh-biet-ta-tram-tran-tram-thang/

[2]         https://adtimes.vn/digital-report-in-vietnam-2019/

TS.Nguyễn Thị Hạnh, ThS.Chu Hải Hà