Những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021

12:15, 28/12/2020

Tăng thời giờ làm thêm theo tháng lên 40 giờ, người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do, tăng tuổi nghỉ hưu… là những chính sách mới sắp có hiệu lực đối với người lao động.

1. Chính sách mới về lao động - tiền lương có hiệu lực từ 01/01/2021

Kể từ ngày 01/01/2021, Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực với nhiều chính sách nổi bật về lao động tiền lương sau đây:

Chỉ còn 02 loại hợp đồng lao động

+ Hợp đồng lao động xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

+ Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

(Không còn Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng).

Khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;

- Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng lao động xác định thời hạn đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

- Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ các trường hợp sau:

+ Hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước

+ Hợp đồng lao động đối với NLĐ cao tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 149 BLLĐ 2019.

+ Hợp đồng lao động đối với NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo Giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 151 BLLĐ 2019.

+ Trường hợp phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho NLĐ là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.

Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do

Theo đó, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải có lý do nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

- Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

- Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, nếu thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 35 Bộ luật lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ngay mà không cần phải báo trước cho người sử dụng lao động.

Được thưởng “không chỉ bằng tiền”

Bộ luật Lao động sửa đổi quy định về “Thưởng” thay vì “Tiền thưởng” như Bộ luật năm 2012. Theo điều 103 của Luật, khái niệm thưởng cho người lao động được mở rộng, có thể là tiền, tài sản hoặc bằng các hình thức khác căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Chính vì vậy, từ ngày 1/1/2021, người sử dụng lao động được phép thưởng cho người lao động không chỉ bằng tiền mà còn có thể bằng tài sản hoặc các hình thức khác.

Chấp nhận hợp đồng lao động được thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu.

Điều 14 Bộ luật lao động 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021) quy định:

"Điều 14. Hình thức hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này."

Như vậy: Từ ngày 01/01/2021, người sử dụng lao động và NLĐ được giao kết hợp đồng lao động điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu. Việc giao kết hợp đồng lao động điện tử được thực hiện theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2005.

Người lao động được nghỉ 2 ngày dịp Quốc khánh 2/9 và hưởng nguyên lương.

Theo Điều 112 - Bộ luật Lao động sửa đổi quy định bổ sung thêm một ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề với ngày Quốc khánh, có thể là 1/9 hoặc 3/9 Dương lịch, tùy theo từng năm và theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đó, tổng số ngày nghỉ lễ, Tết hàng năm sẽ nâng lên 11 ngày, gồm: Tết Dương lịch nghỉ 1 ngày; Tết Âm lịch nghỉ 5 ngày; Thống nhất đất nước 30/4 nghỉ 1 ngày; Quốc tế lao động 1/5 nghỉ 1 ngày; Quốc khánh nghỉ 2 ngày; Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) nghỉ 1 ngày.

Trong những ngày nghỉ Lễ, Tết, người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương. Nếu làm việc vào những ngày này sẽ được hưởng ít nhất 300% lương. Ngoài ra, mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục; trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần, người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày.

NSDLĐ phải chịu chi phí mở tài khoản cho người lao động nếu trả lương qua ngân hàng.

Xem thêm chi tiết: Tổng hợp điểm mới Bộ luật Lao động 2019

03 quy định mới về thử việc

- Có thể thoả thuận và ghi nội dung thử việc trong hợp đồng lao động.

- Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.

- Thời gian thử việc có thể kéo dài tới 180 ngày với công việc của người quản lý doanh nghiệp.

12 quy định mới về thời giờ làm việc, nghỉ nghơi

- Quy định chi tiết về việc NSDLĐ phải thông báo cho người lao động biết về thời giờ làm việc.

- Không còn quy định cố định thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

- Thời gian làm thêm giờ không quá 40 giờ/tháng (hiện hành là không quá 30 giờ/tháng).

- Thêm nhiều trường hợp NSDLĐ được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm.

- Không giới hạn số giờ làm thêm trong trường hợp đặc biệt.

- Người lao động có thể từ chối làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt nếu công việc đó có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động.

- Người lao động sẽ có 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 02/9 (hiện hành 01 ngày nghỉ).

- Thêm nhiều trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng, hưởng nguyên lương.

- Người lao độngcao tuổi được thỏa thuận với NSDLĐ về việc rút ngắn thời giờ làm việc (hiện hành do NSDLĐ quyết định).

- Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai có thể được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày (Hiện hành, lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07 thì mới được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương).

- NSDLĐ có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm của người lao động (hiện tại không quy định đây là trách nhiệm của NSDLĐ).

- Thêm nhiều công việc đặc biệt được quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi riêng.

Xem chi tiết những điểm mới này TẠI ĐÂY.

08 quy định mới về kỷ luật lao động

- Thay đổi trong khái niệm "kỷ luật lao động".

- NSDLĐ phải ban hành nội quy lao động (Hiện hành chỉ quy định "NSDLĐ sử dụng từ 10 NLĐ trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản).

- Một số quy định mới về những nội dung chủ yếu trong nội quy lao động.

- Luật hóa nội dung "sử dụng dưới 10 lao động không phải đăng ký nội quy lao động".

- Khi xử lý kỷ luật với người lao động chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật (Hiện hành quy định trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật).

- Khi hết thời gian không được xử lý kỷ luật mà trường hợp còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày sẽ được kéo dài thời hiệu (hiện hành phải xử lý ngay,không được kéo dài)

- Thêm trường hợp NSDLĐ được sa thải người lao động là trường hợp "NLĐ có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động".

- Một số điểm mới trong quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động.

Xem chi tiết những điểm mới này TẠI ĐÂY.

10 quy định mới trong giải quyết tranh chấp lao động

- Điểm mới trong Khái niệm và các loại tranh chấp lao động.

- Số lượng trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động ít nhất là 15 người (Hiện hành quy định "Số lượng thành viên Hội đồng trọng tài lao động là số lẻ và không quá 07 người).

- Hội đồng trọng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

- Các tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết .

- Điểm mới trong quy định về Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động.

- Điểm mới về Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Hội đồng trọng tài lao động.

- Điểm mới về Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền.

- Điểm mới về Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền.

- Các Trường hợp người lao động có quyền đình công.

- Quy định mới về các trường hợp đình công bất hợp pháp.

Xem chi tiết những điểm mới này TẠI ĐÂY.

03 quy định mới về vấn đề nghỉ hưu của người lao động

- Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình (Xem chi tiết tại đây).

- Thay đổi điều kiện hưởng lương hưu (Xem chi tiết tại đây)

- Thêm quy định mới về chính sách hưởng lương hưu (Xem chi tiết tại đây).

2. Chính sách BHXH, BHYT có hiệu lực từ 01/01/2021

Tăng tuổi nghỉ hưu

Kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ sẽ được quy định như sau:

- Đối với điều kiện lao động bình thường, kể từ năm 2021 tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng và của lao động nữ là đủ 55 tuổi 4 tháng (hiện hành tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi);

Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ; đến năm 2028, lao động nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và đến năm 2035, lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi.

Xem chi tiết: Tuổi nghỉ hưu của NLĐ từ 2021

Căn cứ pháp lý: Điều 169 Bộ luật Lao động 2019

Thay đổi trong quy định tỷ lệ hưởng lương hưu

- Đối với nam:

+ Trường hợp bắt đầu nghỉ hưu trong năm 2021: Đóng đủ 19 năm BHXH thì được 45% (hiện hành nghỉ hưu năm 2020, đóng đủ 18 năm BHXH thì được 45%);

+ Trường hợp bắt đầu nghỉ hưu từ 01/01/2022, đóng đủ 20 năm BHXH thì được 45%.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, NLĐ được tính thêm 2%; Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa bằng 75%.

- Đối với nữ: Đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45%; sau đó, cứ cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%; tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa bằng 75%.

Căn cứ pháp lý: Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Bảng tra cứu thời điểm nghỉ hưu của NLĐ theo tháng, năm sinh từ 2021

Nghị định 135/2020/NĐ-CP hướng dẫn việc xác định tuổi nghỉ hưu, thời điểm nhận lương hưu trong 02 trường hợp:

- Bảng 1: Bảng tra cứu tuổi nghỉ hưu, tháng bắt đầu nhận lương hưu theo tháng, năm sinh của NLĐ nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường.

- Bảng 2: Bảng tra cứu tuổi nghỉ hưu, tháng bắt đầu nhận lương hưu theo tháng, năm sinh của NLĐ trong trường hợp về hưu sớm.

Thay đổi về mức hưởng BHYT khi đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh

Từ ngày 01/01/2021, theo quy định tại Khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014), người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (mức hưởng khi đi khám đúng tuyến) theo tỷ lệ là 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước (Hiện hành là 60%).

Ví dụ: Một người có thẻ BHYT thuộc đối tượng có mức hưởng 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp đi khám chữa bệnh đúng tuyến thì:

- Hiện nay, đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh được chi trả theo tỷ lệ là 60% của 80% chi phí điều trị nội trú (tức 48% chi phí điều trị nội trú).

- Từ 01/01/2021, đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh được chi trả theo tỷ lệ là 100% của 80% chi phí điều trị nội trú (tức 80% chi phí điều trị nội trú).

Nguyệt Hằng (T/h)