Những cuộc đua tiêu biểu từng diễn ra trong thị trường di động
Trên thực tế, những cuộc đua trong làng công nghệ chỉ thực sự bắt đầu nổ ra sau khi Apple giới thiệu chiếc iPhone thế hệ đầu tiên và tạo nên định nghĩa mới về smartphone.
Nếu như trong quá khứ, smartphone chưa có nhiều sự khác biệt rõ rệt so với các dòng điện thoại thông thường thì từ khi iPhone xuất hiện, ranh giới giữa smatphone và feature phone ngày một rõ ràng hơn. Và cũng chính vì thế, hàng loạt các thiết bị điện thoại thông minh đến từ nhiều hãng sản xuất khác nhau được ra đời nhằm cạnh tranh với iPhone. Cuối cùng kết quả như một thứ tất yếu xảy ra, để có thể cạnh tranh được với Apple hay một số hãng khác có doanh thu tốt như Samsung, LG, Xiaomi,… bắt buộc phải có một sự chạy đua khốc liệt ở cả phần cứng lẫn phần mềm.
Nhu cầu về một chiếc smartphone màn hình lớn cũng ảnh hưởng tới cả Apple.
CHẠY ĐUA VỀ KÍCH CỠ VÀ ĐỘ PHÂN GIẢI MÀN HÌNH
Trước đây, Steve Jobs đã từng nói rằng: “Sẽ không một ai mua một chiếc smartphone có màn hình lớn”. Và trên thực tế mọi chuyện đã diễn ra ngược lại với điều mà ông nói. Không chỉ việc người dùng ưa chuộng các smartphone có kích thước màn hình lớn ngày càng nhiều hơn mà những chiếc smartphone này còn có hẳn một thuật ngữ mới dành riêng cho chúng là “phablet”.
Kích thước màn hình trên các smartphone ngày một tăng lên và người khơi mào cuộc đua này không ai khác chính là Samsung. Các sản phẩm với màn hình lớn của hãng, đơn cử là chiếc Samsung Galaxy Note 1 đã cho thấy rằng smartphone màn hình lớn có ích đến như thế nào? Ngay cả Apple cũng không thể làm lơ trước sức ép về việc tại sao iPhone vẫn không có màn hình lớn như các hãng khác cũng như sự cạnh tranh mạnh mẽ bởi các phablet đã ảnh hưởng ít nhiều tới doanh số của hãng. Bằng chứng là Apple cũng phải nâng kích thước màn hình trên các chiếc iPhone của họ từ 3,5 lên 4 inch hay gần đây nhất là 4,7 inch và 5,5 inch trên iPhone 6 và 6 Plus.
Màn hình 2K chưa thực sự hữu ích và tốn pin hơn.
Không chỉ là kích thước mà còn ở độ phân giải màn hình. Ở năm 2012 màn hình HD là chuẩn mực, 2013 là Full HD thì đến năm 2014 đã tăng lên là 2K. Theo một vài nghiên cứu cho thấy mắt người chỉ có thể thấy được ở mật độ điểm ảnh khoảng 300 ppi tức là một smartphone 4,7 inch chỉ cần độ phân giải HD là đủ. Nhưng hiện nay, HD đã là độ phân giải trên các smartphone tầm trung.
Có thể màn hình có độ phân giải cao chỉ hợp với các thiết bị có màn hình lớn như phablet nhưng quan niệm của người dùng thì luôn mua những thứ tốt nhất, cao nhất trong tầm tiền của mình. Chính vì thế, màn hình độ phân giải cao luôn là lựa chọn hàng đầu của họ. Tất nhiên, màn hình độ phân giải cao trên các thiết bị có kích cỡ nhỏ chỉ làm giảm thời lượng pin và chưa thực sự hữu ích. Nhưng rất ít ai quan tâm đến điều đó.
Không ai khác, chính Samsung là người luôn đi đầu về sức mạnh của bộ vi xử lý.
CHẠY ĐUA VỀ CẤU HÌNH HAY SỐ LƯỢNG CHIP XỬ LÝ
Mặc dù bộ vi xử lý mạnh sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Song, đôi khi việc đưa đến cho người dùng một chiếc smartphone mới có cấu hình cao lại trở nên tiêu cực.
Khá nhiều các thiết bị sở hữu bộ vi xử lý khủng 4 nhân, 8 nhân,… nhưng trong quá trình sử dụng thực tế thì lại khá phiền toái bởi các hiện tượng lag, giật, máy nóng hay hao hụt pin nhanh. Thậm chí, việc sử dụng các bộ vi xử lý nhiều nhân đơn giản chỉ mang mục đích quảng bá cho sản phẩm và phục vụ cho công việc “test banchmark”. Đã có một thời gian, giới công nghệ rúng động về việc các hãng từ LG, Samsung,… gian lận để đạt điểm benchmark cao hơn so với thông thường.
Việc chạy đua về cấu hình không hẳn chỉ mang ý nghĩa tiêu cực. Sự phát triển về các bộ vi xử lý với tốc độ chóng mặt này đã giúp cho các thiết bị di động dần dần đuổi kịp các sản phẩm như Laptop, PC,… Trên các sản phẩm Android, nếu không có cuộc chạy đua về phần cứng thì chắc có lẽ người dùng sẽ quay lưng với hệ điều hành này bởi tính không ổn định của nó.
Đến thời điểm này, Nokia Lumia 1020 gần như vẫn "vô đối" ở khoản camera.
ĐỘ PHÂN GIẢI CỦA CAMERA
Có thể Apple là hãng duy nhất vẫn còn nằm ngoài lề trong cuộc đua về cấu hình và bây giờ là ở độ phân giải camera. Cả hai sản phẩm mới nhất của hãng vẫn giữ nguyên độ phân giải là 8 megapixel so với sản phẩm tiền nhiệm. Song, chất lượng ảnh của iPhone thì lại luôn được người dùng đánh giá cao. Chưa bàn đến việc nâng độ phân giải camera trên các smartphone sẽ giúp chất lượng ảnh tốt hơn, chỉ riêng việc độ phân giải camera cao thôi cũng lấy được sự quan tâm của người tiêu dùng.
Mặc dù độ phân giải camera không đóng nhiều vai trò quan trọng trong việc chất lượng ảnh nhưng nó lại có giá trị trong việc thay đổi tư tưởng người dùng về việc chọn lựa smartphone nào có camera “xịn” hơn. Tất nhiên, không thể cho rằng việc nâng cấp độ phân giải camera là thừa thải bởi nó cũng là một sự cải tiến về mặt công nghệ.
Song, việc quyết định chất lượng ảnh phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác nhau. Chính vì vậy, các sản phẩm có độ phân giải cao nhưng cho chất lượng ảnh kém thì thật sự là một thảm hoạ.
Camera trước với độ phân giải cao hơn đang là xu hướng mới.
CAMERA PHỤ ĐƯỢC TĂNG ĐỘ PHÂN GIẢI VÀ KHẨU ĐỘ RỘNG
Mặc dù mới chỉ bùng nổ trong thời gian gần đây sau trào lưu dùng gậy “tự sướng” và thuật ngữ “selfie” trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Camera phụ đã bắt đầu được sử dụng nhiều ngang bằng, thậm chí là hơn cả camera chính.
Song, trong nhiều điều kiện khác nhau, hạn chế về khẩu độ đã khiến camera phụ không thể chụp được một lúc nhiều người hay độ phân giải cũng chưa đạt chất lượng tốt như người dùng mong muốn.
Nắm được nhu cầu ấy, ngoài việc nâng cấp ở camera chính, các hãng đã bắt đầu chú trọng đến camera phụ về độ phân giải và khẩu độ. Bằng chứng là hàng loạt các mẫu smartphone mới được ra đời với độ phân giải cao và khẩu độ rộng để hỗ trợ cho việc “tự sướng”. Điển hình như HTC Desire Eye, Samsung Galaxy Grand Prime hay Nokia Lumia 730,…
CÓ THẬT SỰ HỮU ÍCH?
Phải cám ơn những cuộc chạy đua giữa các hãng, nhờ họ mà công nghệ ngày càng được phát triển nhanh hơn và người dùng cũng được lợi từ các sản phẩm công nghệ mới. Song, việc sản xuất ồ ạt cũng như chỉ được “tiếng” chứ không được “miếng” cũng là vấn đề còn tồn đọng trong giới công nghệ.
Có lẽ thứ người dùng mong chờ nhất không phải một chiếc smartphone màn hình lớn như tablet, camera độ phân giải cao hơn cả máy ảnh cơ hay bộ vi xử lý có nhiều nhân. Cái họ thật sự cần là một thiết bị đáp ứng nhu cầu thiết yếu, giá thành phải chăng và được hỗ trợ lâu dài. Tuy nhiên, việc chạy đua là rất cần thiết, nhất là trong thời điểm hiện tại khi mà các công nghệ mới được ra đời hàng loạt, nếu không muốn bị lỗi thời thì không chỉ các hãng sản xuất mà đến cả người dùng cũng phải chạy theo.