Những đứa con bạo lực

11:05, 18/09/2020

Tôi xem cảnh người con đánh đập mẹ tàn nhẫn, các ý kiến đều chỉ trích cô con gái quá tệ bạc.

Cách cư xử của một cá nhân với người khác được hình thành và phát triển từ những hành vi của các thành viên trong môi trường người đó sống. Trong một gia đình, cách cư xử của một người phụ thuộc rất nhiều vào ứng xử của những thành viên khác, đặc biệt là cách phụ huynh nuôi dạy con. Nếu gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, đứa trẻ thường bị ảnh hưởng bởi cách hành xử của người có quyền lực cao nhất.

Lúc tôi còn làm ở khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM, có một trẻ gần năm tuổi được ba mẹ đưa đến khám. Mỗi câu bé nói ra đều kèm tiếng chửi thề. Đó là một bé trai thông minh, thực hiện được nhiều bài tập đánh giá tôi yêu cầu. Bé luôn tìm cách chen ngang vào cuộc nói chuyện giữa tôi và ba mẹ để được khen. Tôi hỏi thật kỹ, cuối cùng phát hiện ra bé học từ ông nội. Từ hai tuổi, khi bập bẹ vài từ, em đã học ông cách chửi thề. Lúc đó, cả gia đình còn xúm vào khen "giỏi". Và hậu quả là khi trẻ nói rành rẽ, chửi thề đã trở thành thói quen.

Một bé khác được đưa đến khám vì đi học hay đánh và chửi bạn. Đánh giá cuối cùng cho thấy lý do từ chuyện ba mẹ bé hay bất đồng, căng thẳng, cách giao tiếp với nhau không nhẹ nhàng. Sự bất nhất của cha mẹ cũng được biểu hiện thông qua cách họ dạy con. Và tôi không ngạc nhiên, kết quả là cháu làm như vậy để tương tác với bạn. Khi nhận được kết luận trên, ba mẹ bé ngạc nhiên hỏi: "Ủa, tụi em có dạy con đàng hoàng mà?".

Những lời dạy của người lớn dĩ nhiên là một phần quan trọng để đứa trẻ trưởng thành, nhưng bản thân đứa trẻ lại học từ cách cư xử của họ trong thực tế nhiều hơn lời nói suông. Đứa trẻ không thể biết được cách nói chuyện đúng mực là thế nào nếu như hàng ngày kiểu giao tiếp em nhận được là la hét, ra lệnh, đánh đập. Nói đơn giản, nếu người thầy dạy bạn kỹ năng giao tiếp lịch sự nhưng hành vi giao tiếp thực tế của người này hoàn toàn ngược lại, bạn cảm thấy thế nào?

Nhiều nghiên cứu cho thấy cách dạy con khắc nghiệt liên quan đến những vấn đề sức khỏe, tinh thần sau này của người con, trong đó có cách đối xử cực đoan với người khác. Khi không vui, quá giận mất khôn, người con có thể đã không được học cách kiểm soát cơn giận hoặc từng trải qua cách giáo dục dựa vào cảm xúc của người lớn. Đơn cử, trong văn hóa Việt Nam, những gì cha mẹ làm sau này đều để cho con. Tuy vậy, việc chia tài sản cho ai, bao nhiêu là quyền của cha mẹ, được pháp luật quy định. Sự mong đợi được chia tài sản của những đứa con thường xuyên là một nguyên nhân gây ra giận dữ với cha mẹ. Trong những gia đình có truyền thống thành công, con cái luôn được dạy tự đi trên đôi chân của mình hơn là mong chờ thừa hưởng từ cha mẹ.

Một đứa trẻ cần được phát triển trong khuôn khổ kỷ luật. Chiếc khung đó giúp trẻ có những hành vi phù hợp với môi trường sống. Tuân thủ luật lệ chung giúp trẻ tăng khả năng hòa nhập vào cộng đồng. Tuy vậy, kỷ luật không đồng nghĩa với la hét và đánh đập. Rất nhiều kỹ năng dạy con không mang tính bạo lực phụ huynh ngày nay hoàn toàn có thể áp dụng để giúp trẻ được lớn lên một cách tự do, hạnh phúc trong khuôn khổ. Việc áp dụng chúng không chỉ cải thiện mối quan hệ giữa người lớn và trẻ mà còn giúp ngăn ngừa các rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn chống đối, rối loạn cư xử của các em trong tương lai. Và những kỹ năng này chỉ phát huy tác dụng cao nhất khi phụ huynh áp dụng ngay từ khi con còn nhỏ, như ông bà mình từng nói "dạy con từ thuở còn thơ".

Bạn căm phẫn, lên án những người bạo hành cha mẹ và thương cảm cho các bậc sinh thành, điều này không sai. Nhưng xã hội chỉ có thể hết những cảnh buồn khi mỗi chúng ta nhận ra vấn đề của mình và thay đổi. Có bao giờ bạn thử nhìn lại bản thân? Nếu bạn đang là một phụ huynh, có bao giờ bạn "dạy con" trong cảm xúc giận dữ? Bạn có nhận ra cơn giận của mình và kiểm soát nó trước khi cất tiếng với con trẻ? Có khi nào bạn chỉ cho con cách quản lý cảm xúc? Nếu bạn đang là một người con, bạn có thường kiềm chế bực bội khi tiếp xúc với người thân không?

Có nhiều nguyên tắc giúp cho việc dạy con hiệu quả. Một trong những điều cơ bản là giữ bình tĩnh. Việc điềm tĩnh giúp phụ huynh tránh được những tình huống "lỡ tay" xả cơn giận vào con đồng thời cũng tránh tình trạng bỏ qua lỗi của con khi tâm trạng đang vui - điều này khiến trẻ có thể không nhận ra lỗi cần tránh. Sự thống nhất trong cách dạy là một nguyên tắc cơ bản khác. Ý ba thế này, ý mẹ thế khác; hôm nay phạt lỗi này, hôm sau lỗi này không bị phạt sẽ làm con không học được những quy tắc. Với các gia đình có ông bà ở cùng, việc tìm được tiếng nói chung trong dạy trẻ sẽ khó khăn hơn. Làm gương cũng là một nguyên tắc quan trọng. Bạn sẽ rất khó dạy con một thói quen nếu như trong sinh hoạt hàng ngày bạn thường làm khác. Cuối cùng, hành vi "hư" của con là một cách chúng giao tiếp, cha mẹ cần tìm hiểu ý nghĩa của hành vi đó mới có hướng xử lý phù hợp.

Phán xét, lên án người khác luôn dễ hơn việc nhận ra chính vấn đề đó trong bản thân mình. Nhận ra điểm chưa đúng của mình và muốn thay đổi là một bước trưởng thành lớn. Bao nhiêu người trong chúng ta sẵn sàng nhìn lại mình, nỗ lực thay đổi cách cư xử với người khác?

Phạm Minh Triết (Bác sỹ)

 Theo https://vnexpress.net/nhung-dua-con-bao-luc-4163565.html