Thủ khoa và tương lai
Tôi từng nổi tiếng với danh hiệu thủ khoa trường Dược mà không hề biết rằng mình lại lao đao vì chính nó.
Đầu những năm 2000, nhà tôi còn nghèo lắm. Mẹ là giáo viên cấp một, bố làm kế toán xã, đồng lương ít ỏi của họ phải nuôi hai anh em ăn học. Xem tivi, thấy sinh viên đại học Dược được một công ty mời về làm, còn tặng cho một chiếc xe máy, cả nhà quyết định cho tôi thi trường này.
Cả dòng họ có mỗi tôi học lớp chuyên Toán, thành viên đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán của tỉnh. Ngày báo điểm, tôi trở thành thủ khoa đại Dược Hà Nội. "Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa", điểm chuẩn vào đại học Dược năm đó là 27,5, tức 9 điểm một môn mà còn trượt. Tôi đạt 30/30 điểm thi vào đại học Dược khối A, 29/30 thi vào Đại học Y khối B, bố mẹ và gia đình tôi vui mừng khôn xiết.
Ngay sau đó, các nhà báo lần lượt đến nhà. Tôi trở nên nổi tiếng khắp huyện, tỉnh, đi đâu người ta cũng bàn tán xôn xao, rằng lâu lắm rồi huyện mới lại có thủ khoa đại học. Sau khi làm một chuyến xe đò xuống thành phố Thanh Hóa nhận bằng khen của tỉnh trao cho thủ khoa đại học, tôi càng nổi tiếng hơn. Ngày 25/8 năm đó, tôi lên đường ra Hà Nội nhập học với tâm trạng phấn chấn. Trong mơ, tôi đã nghĩ mình sẽ học giỏi nhất lớp và sẽ cố gắng đi du học như ông nội ngày xưa đã từng học ở Liên Xô.
Tuần đầu tiên ở đại học, công tác sinh viên khá vui vẻ. Nhưng bắt đầu sang tuần thứ hai, nhịp độ chỉ là: sáng học lý thuyết, chiều thực hành trên phòng thí nghiệm. Mỗi lần bước chân vào phòng thí nghiệm, cảm giác chán chường ập đến. Việc này không hợp với chàng trai hay thích bay nhảy như tôi. Học thực hành thí nghiệm được ba tuần, tôi quá chán và cảm thấy không thể học tiếp nữa.
"Niềm tự hào đại học" không như tôi tưởng tượng và cũng chưa từng có ai nói với tôi là sẽ học như thế này trước ngày thi đại học. Tôi quay về phòng trọ, thu xếp hành lý, bắt xe khách về quê.
Khỏi phải nói bố mẹ và gia đình ở quê sửng sốt thế nào khi "thủ khoa" từ Hà Nội trở về mà không báo trước, lại còn có ý định bỏ học. Bố mẹ hốt hoảng thực sự. Họ ngay lập tức xin nghỉ làm, hộ tống thằng con mới hôm qua còn trên ti vi ra Hà Nội học tiếp. Ba người khăn gói từ Thanh Hóa ra Hà Nội, tôi vẫn không chịu lên giảng đường, cứ ở lì phòng trọ. Thế là bác cả tôi ở quê thuê nguyên một chuyến xe chở khoảng 15 người gồm toàn bộ anh em thân thiết ra động viên tôi đi học. "Không thể có chuyện một thằng là thủ khoa đại học của cả cái huyện này lại có thể bỏ học được", bác bảo thế, "ở quê họ sẽ nghĩ gì?".
Tôi vẫn nghỉ học, ở phòng trọ chơi game. Một tuần sau, 15 bạn ở lớp đại học đến tận phòng trọ động viên tôi đi học, sau đó là các bạn lớp cấp ba và các bạn bè khác, nhưng tôi vẫn cương quyết không đến lớp. Một tháng sau, gia đình quá chán nản đã nói tôi gói ghém hành lý về quê vì không thể để một thằng học không đi học ở lại Hà Nội chơi game, ăn cơm ngày ba bữa.
Tôi về quê trong ánh mắt sửng sốt của tất cả mọi người. Những tin đồn về tôi bắt đầu lan tỏa khắp huyện, tỉnh và thậm chí là trường cấp ba nơi tôi theo học. Mới hôm 5/9 khai giảng, họ vừa tuyên dương tôi là "tấm gương sáng" thì nay, tất cả giáo viên và học sinh hốt hoảng bảo nhau "học hành ít thôi không lại ngộ chữ như cái bạn thủ khoa 30/30". Hàng xóm, anh em bạn bè kháo nhau rằng tôi bị thần kinh, bị hâm, bị điên và ngộ chữ do học hành quá nhiều. Họ nói: "Thằng này hỏng rồi. Đời nó coi như hết".
Ở nhà một tháng nữa, chán quá tôi xin bố mẹ ra Hà Nội học tiếng Anh. Bố mẹ cũng muốn tống khứ tôi đi nên đồng ý ngay. Tôi ra Hà Nội đăng ký học tiếng Anh và qua nhà thăm cậu bạn chuẩn bị đi du học Australia. Tôi tìm hiểu và nghĩ "hay mình thử xin học bổng xem sao". Sáu tháng sau đó, khi tiếng Anh đã tạm ổn, tôi bắt đầu xin học bổng tại các trường ở Mỹ. Thời gian lại thấm thoát trôi, tôi đã bỏ học đại học được một năm. Bố mẹ và anh em họ hàng vẫn nài nỉ tôi cố học tiếp trường đó. Tôi nghe mãi, đành thử xem. Tôi nhập học lần hai với các em khóa sau. Chỉ sau nửa tháng, tôi lại bỏ học và lần này nhà trường không cho bảo lưu nữa. Tôi quay lại con đường tìm tòi đi du học.
Trời không phụ lòng người. Cuối năm đó, tôi nhận được thư trúng tuyển của Đại học Yale, Mỹ với học bổng 50%. Tôi vui lắm và báo với cả gia đình. Nhưng con số 50% học phí còn lại lấy đâu ra? Sau một tháng suy nghĩ rất nhiều, tôi biết mình không thể đi Mỹ.
"Đã hai năm lở dở rồi, chẳng lẽ đời mình lại như vậy sao?", tôi quyết định tìm lại sách vở và ôn thi vào một đại học kinh tế ở Việt Nam. Tôi vẫn đỗ với số điểm cao đứng thứ 50 của trường đó. Ngày nhập học, tôi già nhất lớp vì hơn các em hai tuổi. Tôi may mắn được vào lớp "tài năng" và do tôi già nên được bầu làm lớp trưởng. Bốn năm sau, tôi tốt nghiệp và hiện sau hơn 10 năm đi làm, tôi học xong tiến sĩ và đang giữ vị trí quản lý cấp cao trong một tổ chức lớn. Cả gia đình và bạn bè vẫn còn khó tin rằng, sau gần 20 năm đậu thủ khoa đại học, đời tôi cũng tạm ổn.
Tôi không phải là trường hợp duy nhất bỏ dở đại học, thi lại một trường khác hay rẽ sang hướng khác - không giống số đông. Tôi cũng biết nhiều người đã học Bách khoa, Xây dựng, Tổng hợp cũng bỏ ngang, chuyển hướng. Điều đó nói lên cái gì? Nó cho thấy công tác hướng nghiệp ở Việt Nam chưa được chú trọng. Học sinh cấp ba khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời đa phần nghe theo tư vấn của bố mẹ, người quen, chọn trường nào ngành nào dễ xin việc, lương cao hoặc chạy theo phong trào chứ không tìm hiểu thật kỹ và đi theo lộ trình nghề nghiệp đúng sở thích và năng lực thật của mình. Giờ đây, làm người sử dụng lao động, tôi nhận ra đó cũng chính là một lý do khiến chất lượng lao động của Việt Nam khá thấp so với nhiều nước.
Tuy chất lượng và thái độ lao động chưa chuyên nghiệp không phải hoàn toàn do công tác hướng nghiệp, nhưng nếu tìm hiểu, bạn sẽ biết việc tư vấn hướng nghiệp ở nhiều nước phương Tây được thực hiện rất kỹ lưỡng. Các trường cấp ba có đội ngũ nhân viên tư vấn hướng nghiệp chuyên nghiệp, ăn lương chính thức của trường. Từ lứa tuổi trung học hay thậm chí nhỏ hơn, các em được các tư vấn viên tìm hiểu thói quen, sở thích, sở trường để khuyến khích em, đưa ra những lời khuyên về con đường sự nghiệp cho từng bạn. Đó là công việc tỉ mỉ, nghiêm túc và căng thẳng. Quy trình hướng nghiệp không dừng lại ở những lời khuyên mà còn được hỗ trợ bởi cơ sở dữ liệu khổng lồ, các hình thức sáng tạo và "cá nhân hóa" khiến từng em cảm thấy tự tin khi bước ra khỏi lớp cuối cấp, nắm lấy tương lai của mình và theo đuổi nó. Tôi cho rằng nhờ vậy mà trình độ, thái độ lao động ở phương Tây lại có chất lượng cao như vậy.
Tôi rất hy vọng các nhà quản lý giáo dục, các ngành tại Việt Nam sẽ thay đổi thái độ đối với công tác hướng nghiệp cho người trẻ. Đầu tiên bằng sự đổi mới trong cách nhìn nhận và hành động về hướng nghiệp ở trường phổ thông. Dành nhiều thời gian trò chuyện với các em về bản đồ tương lai hơn là các hoạt động đoàn thể đôi khi không cần thiết. Tôi tự thấy mình may mắn khi đã bỏ học đại học lần đầu, chọn con đường vừa vặn hơn để đi dù đã loay hoay mất hai năm tuổi trẻ. Nhưng tôi biết, có những người đã phải loay hoay cả cuộc đời.
Nguyễn Ngọc Tú - Tiến sĩ kinh tế
(Theo Góc nhìn/vnexpress.net)