Những lựa chọn ngoài Wikipedia
07:51, 14/01/2008
Dù khối lượng thông tin của từ điển online Wikipedia rất lớn, nhưng tính chính xác của thông tin luôn khiến các nhà chuyên môn nghi ngờ. Rất may là còn nhiều trang web cho bạn tham khảo. Wikipedia không được xem là nguồn tham khảo chính thống, điểm yếu của nó là thông tin thường thiếu chính xác vì ai cũng có thể thay đổi được. Bạn cần phải kiểm tra theo nhiều nguồn khác nhau. Một website mới hơn là Citizendium (en.citizendium.org) được làm bởi một trong những người sáng lập Wikipedia có thể là lựa chọn. Những người điều hành trang nói, họ có những chuyên gia biên tập để đảm bảo mọi thông tin đều chính xác, và người tham gia soạn thảo phải dùng tên thật chứ không được dùng bút danh. Số lượng bài vở của trang này cũng ít hơn. Mới là năm đầu tiên nên trang này chỉ có 4.500 bài viết, so với 2,1 triệu bài (tính riêng tiếng Anh) của Wikipedia. Một thay thế khác nữa cho Wikipedia, bạn thừ vào http://www.refdesk.com/. Cổng thông tin này dẫn tới các từ điển và bách khoa toàn thư miễn phí như Encarta của Microsoft với 42.000 bài viết. http://www.ibiblio.org/ cũng đáng để tham khảo nếu bạn tìm hiểu những chủ đề rộng hơn, như sự phát triển văn hóa Trung Quốc. Để có những số liệu cụ thể cho bất kỳ nước nào trên thế giới, bạn thừ vào CIA World Factbook (www.tinyurl.com/2b2kg9). Trang này chứa các thông tin cập nhật từ dân số tới thời tiết, tuổi thọ, tài nguyên hay những tranh chấp lãnh thổ. Các bài viết về phê bình âm nhạc, điện ảnh, video-game tại http://www.allmusic.com/ cũng là một nguồn đa dạng. Để bạn có thể tìm thông tin về các bảng xếp hạng, hãy ghé http://www.everyhit.com/, trang này có các thông tin về bảng xếp hạng âm nhạc nước Anh từ năm 1952. Đối với các vấn đề về ngôn ngữ, trang http://www.wordreference.com/ sẽ cho bạn các định nghĩa rõ ràng về các từ bằng tiếng Pháp, Tây Ban Nha, ý, Bồ Đào Nha và Anh. Khi bạn tìm kiếm các chủ đề cụ thể, trang http://www.ask.com/ đôi khi cho kết quả tốt hơn Google, vì nó phân loại để thu hẹp lựa chọn của bạn lại cho dễ tìm thông tin. Ví dụ, bạn tìm "Benjamin Disraeli" (cựu thủ tướng Anh), trang sẽ đưa ra các tài liệu về các câu nói ấn tượng của ông, sự nghiệp chính trị, các tác phẩm viết lách hoặc đối thủ lớn nhất của ông là William Gladstone. Scholar.google.co.uk là trang giúp các nhà nghiên cứu khoa học và hàn lâm rất tốt. Trong trường hợp không tìm được câu trả lời, trang answers.yahoo.com có thể giúp bạn liên hệ với những người sử dụng Yahoo! khác và họ cho bạn câu trả lời, hoặc chỉ bạn nguồn tham khảo. Theo Hạnh Nguyên Tuổi Trẻ/Times