“Ông trùm” thương mại điện tử 44 tuổi trở thành người giàu nhất Trung Quốc

08:30, 13/08/2024

Năm 2015, Huang - một cựu kỹ sư Google - quyết định thành lập Pinduoduo, một nền tảng thương mại điện tử chuyên bán những sản phẩm siêu rẻ...

Colin Huang - Ảnh: Bloomberg.

Sau vài dự án đầu tư mạo hiểm tương đối thành công trong lĩnh vực trò chơi và thương mại điện tử, Colin Huang bị ốm và nghỉ việc. Có thời điểm, doanh nhân trẻ này ở nhà cả năm trời để nghĩ về việc sẽ làm gì tiếp theo.

Năm 2015, Huang - một cựu kỹ sư Google - quyết định thành lập Pinduoduo, một nền tảng thương mại điện tử chuyên bán những sản phẩm siêu rẻ đi kèm với những chương trình khuyến mãi khổng lồ. Chẳng mấy chốc, Huang lọt vào danh sách những người giàu nhất thế giới, với giá trị tài sản ròng đạt đỉnh 71,5 tỷ USD vào đầu năm 2021.

CƠ HỘI TỪ THÓI QUEN MUA SẮM THAY ĐỔI

Cũng giống như nhiều tỷ phú khác phất lên trong đại dịch, khối tài sản ròng của Huang giảm cũng nhanh như khi tăng, “bốc hơi” 87% chỉ trong vòng khoảng 1 năm. Cú giảm tài sản của Huang đặc biệt nhanh bởi chịu sự tác động đồng thời của hai yếu tố: đại dịch xuống thang và Trung Quốc siết chặt kiểm soát đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Nhưng rồi công ty PDD Holdings Inc. của Huang có một cuộc trở lại đầy ngoạn mục. Dù sự tăng trưởng không diễn ra mạnh mẽ như trước nhưng đều đặn, và nỗ lực mở rộng hoạt động bên ngoài Trung Quốc bằng thường hiệu Temu đã mang lại kết quả khả quan ngay cả khi nền kinh tế trong nước suy yếu.

Kết quả là Huang, năm nay 44 tuổi, đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc - theo dữ liệu của xếp hạng 500 người giàu nhất hành tinh Bloomberg Billionaires Index. Sở hữu khối tài sản 48,6 tỷ USD, Huang đã thế chỗ ông Zhong Shanshan - “vua” nước uống đóng chai, người đã giữ vị trí giàu nhất Trung Quốc từ tháng 4/2021.

Huang giàu lên nhờ thói quen mua sắm thay đổi của người Trung Quốc, khi cuộc khủng hoảng bất động sản của nước này trở thành một cuộc suy thoái kéo dài. Huang cũng là doanh nhân công nghệ đầu tiên chiếm ngôi vị này trong vòng hơn 3 năm trở lại đây, sau khi chiến dịch kiểm soát doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc khiến những đối thủ của PDD như “đế chế” thương mại điện tử Alibaba của Jack Ma phải giảm bớt tham vọng mở rộng. Trong quá trình phát triển công ty, Huang không ít lần vấn phải sự phản đối, từ các nhà cung cấp cho rằng PDD đẩy giá hàng hóa xuống thấp, cho tới nhân viên PDD cho rằng lịch làm việc quá khắc nghiệt.

Huang là đại diện cho một thế hệ doanh nhân công nghệ mới của Trung Quốc, những người khởi động sự nghiệp của họ bằng cách nắm bắt những cơ hội kinh doanh toàn cầu.

Năm 12 tuổi, Huang vào được Trường Ngoại ngữ Hàng Châu danh giá, nơi cậu trở thành bạn cùng học với những đứa trẻ xuất thân từ tầng lớp tinh hoa chính trị và xã hội Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp cử nhân khoa học máy tính Đại học Triết Giang, Huang tiếp tục theo học cao học tại Đại học Wisconsin, Mỹ. Hai năm sau khi tốt nghiệp, Huang trở về Trung Quốc, đảm nhiệm vai trò giúp Google mở văn phòng tại nước này.

Huang mở công ty đầu tiên của mình vào năm 2007 rồi bán lại vào năm 2010 để mở một công ty mới chuyên về hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá trên các website thương mại điện tử như Taobao hay JD.com. Khi phải nghỉ việc vì nhiễm trùng tai vào năm 2013, Huang nung nấu ý tưởng thành lập Pinduoduo.

PDD “không nhằm làm cho những người ở Thượng Hải cảm thấy như họ đang sống cuộc sống ở Paris, mà nhằm đảm bảo rằng những người ở tận tỉnh An Huy cũng mua được giấy làm bếp và hoa quả tươi. Mục tiêu không phải là bán rẻ, mà khiến người dùng cảm thấy như họ mua được một món hời”, Huang nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Caijing vào năm 2018.

Huang hầu như không xuất hiện trước công chúng sau khi rời cương vị CEO của Pinduoduo vào năm 2020 và rút khỏi vi trí Chủ tịch công ty vào năm 2021 - thời điểm Bắc Kinh bắt đầu siết kiểm soát đối với các công ty công nghệ lớn ở nước này. Lý giải về việc rời khỏi các vị trí này, Huang nói trong một lá thư gửi cổ đông rằng anh muốn theo đuổi những mối quan tâm cá nhân là nghiên cứu thực phẩm và khoa học cuộc sống.

NHỮNG VẤN ĐỀ GÂY TRANH CÃI

Cùng khoản thời gian đó, giá cổ phiếu của PDD và giá trị tài sản ròng của Huang bắt đầu sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, Temu - dịch vụ ngoài Trung Quốc của PDD - đã thúc đẩy kết quả kinh doanh và sự trỗi dậy của công ty. Temu đã trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất trên các gian ứng dụng ở Mỹ sau khi ra mắt vào tháng 9/2022, nhờ nhắm vào người tiêu dùng Mỹ vốn đang lo ngại lạm phát, thu hút họ bằng những sản phẩm không có thương hiệu nhưng giá rẻ, được vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc. Năm 2023, PDD đạt doanh thu khoảng 248 tỷ nhân dân tệ, tương đương 35 tỷ USD, tăng 90% so với năm 2022.

“Trong môi trường kinh tế này, rõ ràng là mọi người tìm kiếm mức giá trị tốt nhất cho đồng tiền của họ. Ai cũng muốn mua hàng với giá rẻ. Đây là thời điểm để những nhà bán lẻ giá trị như Temu tỏa sáng”, nhà phân tích Neil Saunders của công ty GlobalData Retail nhận định với Bloomberg.

Những yếu tó này, cùng với việc Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero Covid vào tháng 12/2022 đã đẩy định giá cổ phiếu của PDD tăng cao. Tháng 11 năm ngoái, PDD lần đầu vượt qua Alibaba để trở thành công ty Internet lớn thứ hai ở Trung Quốc. Kể từ đó đến nay, hai công ty liên tục bám đuổi nhau sát nút.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng bùng nổ của PDD đã khiến công ty này bị để ý cả ở trong và ngoài nước.

Năm 2021, PDD bị điều tra về điều kiện làm việc sau khi một nhân viên tử vong. Sau đó, công ty này vẫn tiếp tục yêu cầu nhân viên phải làm việc từ 11h trưa đến 11h đêm mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần, chưa kể làm ngoài giờ. Đây là một biến thể của văn hóa “996” (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần) mà những công ty như ByteDance và Alibaba đang tìm cách giảm bớt trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường giám sát.

Hàng hóa siêu rẻ trên Temu cũng dẫn tới phản ứng gay gắt của một số nhà cung cấp và người bán hàng bên thứ ba, những người cho rằng PDD đang vắt kiệt họ nhằm mục đích tăng doanh thu. Mùa hè năm nay, hàng trăm nhà cung cấp nhỏ đã biểu tình bên ngoài văn phòng của Temu ở Quảng Châu để phản đối chính sách mà họ cho là không công bằng của công ty.

Trên thị trường quốc tế, các doanh nghiệp nhỏ cũng đã để ý tới tốc độ tăng trưởng nhanh của Temu. Công ty hiện đang tranh thủ một lỗ hổng thương mại cho phép những gói hàng có trị giá lên tới 800 USD được vận chuyển miễn thuế vào Mỹ, để vận chuyển thẳng các gói hàng nhỏ từ nhà kho của công ty ở Trung Quốc tới tay người mua ở Mỹ. Các nhà vận động động hành lang đang tìm cách hạ ngưỡng này xuống 10 USD.

Dù vậy, PDD vẫn đẩy mạnh các chiến dịch quảng cáo, gồm chi hàng triệu USD cho quảng cáo 30 giây trong chương trình Super Bowl. Công ty này cũng đặt nhiều banner quảng cáo trên website của Temu, như “Hãy mua sắm như một tỷ phú”.

“Temu bây giờ làm tất ca để có được tăng trưởng. Thu hút khách hàng vào trang của mình, khiến họ mua sắm. Và một khi khách đã trở nên ‘nghiện’ Temu, công ty có thể nâng giá bán hàng lên một chút. Bởi vậy, tôi cho rằng đối với Temu, đây đang là thời kỳ chiếm lĩnh thị trường”, ông Saunders nhận định.