PAPI 2024: Còn nhiều dư địa lớn để đổi mới và cải thiện
Báo cáo PAPI 2024 với nhiều phát hiện nghiên cứu khái quát ở tầm quốc gia và đi sâu vào từng vấn đề từ cấp tỉnh tới cấp cơ sở.
Người dân Việt Nam trong năm qua đã ghi nhận nhiều nỗ lực của các chính quyền các cấp, đồng thời người dân cũng giúp chỉ ra những dư địa để cải thiện trong thời gian tới. Những kết quả từ Chỉ số PAPI vừa mang hàm ý chính sách vừa là lời nhắc việc cho công tác thực thi chính sách ở địa phương.
PAPI 2024 - Tấm gương phản chiếu hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền thông qua lăng kính của người dân
Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024 (gọi tắt là Chỉ số PAPI 2024) được công bố sáng ngày 15/4 cho thấy chính quyền các cấp trong năm 2024 đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ ở một số lĩnh vực trong công tác quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công (DVC) cho người dân. Tuy nhiên, những phát hiện từ Chỉ số PAPI 2024 cũng chỉ ra sự khác biệt trong trải nghiệm và cảm nhận của người dân thuộc các nhóm nhân khẩu học khác nhau. Cụ thể, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), người tạm trú và người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị và DVC thấp hơn so với các nhóm dân cư khác.
Với tác động sâu rộng của cơn bão Yagi, một cơn bão được đánh giá có cấp độ mạnh nhất trong 70 năm qua đã đổ bộ vào Việt Nam, Báo cáo PAPI 2024 đã đi sâu phân tích và nêu bật những trải nghiệm và cảm nhận ngày một rõ nét của người dân về những rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu trong năm qua.
Báo cáo cũng cho thấy cảm nhận của người dân về sự bấp bênh về điều kiện kinh tế của người dân trong tương lai xuất phát từ khoảng trống lớn trong độ bao phủ của bảo hiểm xã hội (BHXH).
Trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai công cuộc cải cách nền quản trị công mang tính lịch sử, đặc biệt là việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền hai cấp và tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh, đây là một cơ hội vô cùng quan trọng để thúc đẩy quản trị bao trùm cũng như hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách nhằm giải quyết những thách thức mà người dân đã phản ánh thông qua Chỉ số PAPI.
Ưu tiên nâng cao hiểu biết về chuyển đổi số (CĐS), đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng số để triển khai Nghị quyết số 57 sẽ góp phần cải thiện điều kiện và khả năng tiếp cận DVC trực tuyến của người dân, từ đó thu hẹp khoảng cách số hiện nay. Việc thực thi có hiệu quả Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 tạo cơ hội kịp thời cho việc mở rộng độ bao phủ BHXH, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm dễ bị tổn thương được tiếp cận BHXH, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Báo cáo Chỉ số PAPI lần thứ 16 ghi nhận ý kiến của 18.894 người dân được chọn mẫu ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc. Báo cáo cung cấp kết quả phân tích chuyên sâu về nhiều khía cạnh của quản trị, hành chính công và cung ứng DVC ở Việt Nam.
PGS. TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại hội nghị công bố Báo cáo PAPI 2024, PGS. TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Trong hơn một thập kỷ qua, Lễ công bố kết quả điều tra Chỉ số PAPI do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức đã trở thành sự kiện thường niên được nhiều người mong đợi. Kết quả điều tra của PAPI là nguồn dữ liệu, thông tin rất bổ ích để chính quyền rà soát hiệu quả hoạt động của bộ máy, chất lượng DVC, từ đó xây dựng chính sách và kế hoạch hành động để cải thiện hiệu quả hoạt động của mình”.
Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Đại sứ quán Ai-len tại Việt Nam, và UNDP tại Việt Nam đồng tài trợ cho chương trình nghiên cứu Chỉ số PAPI từ năm 2018 đến nay.
Bà Renée Deschamps, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Australia đánh giá cao những nỗ lực của UNDP và các đối tác trong nước trong việc xây dựng và phát triển Chỉ số PAPI. PAPI vừa là một công cụ cung cấp bằng chứng phục vụ công tác hoạch định chính sách, vừa là nền tảng để công dân và chính quyền địa phương đối thoại nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Chỉ số PAPI ngày càng khẳng định sự phù hợp và giá trị đóng góp vào tiến trình tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh của Chính phủ Việt Nam”.
Những phát hiện chính từ Báo cáo PAPI 2024
Thay mặt nhóm nghiên cứu PAPI, bà Đỗ Thanh Huyền, Thành viên nhóm nghiên cứu PAPI, Chuyên gia phân tích chính sách công, Phòng Quản trị và Tham gia, UNDP tại Việt Nam đã trình bày những phát hiện của nghiên cứu PAPI 2024: Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024: Những bước tiến và dư địa cải thiện.
Bà Đỗ Thanh Huyền, Thành viên nhóm nghiên cứu PAPI, UNDP tại Việt Nam trình bày những phát hiện của nghiên cứu PAPI 2024.
Người dân hài lòng hơn với hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2024. Báo cáo PAPI 2024 đặc biệt nhấn mạnh những cải thiện ở các chỉ số nội dung "Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương", "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", "Quản trị môi trường" và "Quản trị điện tử". Mặc dù đã có những bước tiến quan trọng, dư địa để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị công nói chung còn rất lớn. Chỉ có 3 trong số 8 lĩnh vực quản trị và hành chính công được PAPI đo lường, gồm: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ hành chính công và DVC, đạt được điểm số khá từ đánh giá của người dân trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, sự khác biệt về mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị địa phương vẫn tồn tại giữa các nhóm phân tổ theo giới tính, dân tộc, loại hình hộ khẩu và khu vực sinh sống.
Phụ nữ vẫn tiếp tục đánh giá về hiệu quả quản trị thấp hơn nam giới, đặc biệt trong các khía cạnh về sự tham gia và tính công khai, minh bạch trong quá trình ra quyết định ở địa phương. Mức độ hài lòng của người dân thuộc các nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) thấp hơn so với người Kinh ở nhiều chiều cạnh. Đồng thời, người tạm trú, đặc biệt ở các địa phương có lượng người tạm trú lớn, phải đối mặt với nhiều hạn chế trong tiếp cận DVC. Các địa phương miền núi và vùng cao đạt điểm thấp hơn các địa phương vùng đồng bằng ở các chỉ số đánh giá về sự tham gia của người dân, tính công khai, minh bạch trong việc ra quyết định và quản trị điện tử.
Về quản trị điện tử, mặc dù đã có những bước tiến trên phạm vi toàn quốc, nhưng khoảng cách số vẫn tồn tại, đặc biệt là trong khả năng tiếp cận và sử dụng internet và DVC điện tử giữa các nhóm nam - nữ, dân tộc Kinh - DTTS, và các khu vực thành thị - nông thôn.
Tham nhũng nổi lên là mối quan ngại lớn nhất của người dân trong năm 2024, với 22,58% số người trả lời khảo sát cho rằng đây là vấn đề hệ trọng cần Nhà nước ưu tiên giải quyết trong thời gian tới, tăng 17% so với năm 2023. Sự gia tăng đáng kể về tỉ lệ người dân quan ngại cho rằng đây là vấn đề hệ trọng có thể là do tác động của việc đưa ra xét xử nhiều vụ đại án liên quan đến tham nhũng trong năm 2024 và sự chú ý của dư luận đối với công cuộc chống tham nhũng đang được Đảng và Chính phủ thực hiện quyết liệt ở cấp quốc gia.
Đáng chú ý, yêu cầu của người dân về việc tập trung xử lý tham nhũng này có sự tương phản với những ghi nhận của họ về những nỗ lực kiểm soát tham nhũng ở địa phương.
Theo kết quả khảo sát năm 2024, tỉ lệ người dân cho biết họ phải trả chi phí không chính thức hoặc đưa "lót tay" khi sử dụng dịch vụ hành chính công hoặc DVC đã giảm so với năm 2023. Báo cáo khuyến nghị chính quyền các cấp tăng cường tính minh bạch trong cung ứng DVC, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và bảo vệ người tố cáo ngay sau khi các đơn vị hành chính được sắp xếp lại.
Phản ánh phần nào những cải thiện của nền kinh tế trong năm 2024 so với 2023, Báo cáo PAPI 2024 cho biết tỉ lệ người trả lời khảo sát đánh giá tình hình kinh tế hộ gia đình là “kém” hoặc “rất kém” đã giảm xuống 10,2% trong năm 2024 - mức thấp nhất kể từ năm 2019. Mặc dù vậy, đói nghèo vẫn là vấn đề đáng quan ngại đứng thứ hai (sau tham nhũng), với tỉ lệ 14,2% số người được hỏi đề cập đến vấn đề này. Tiếp theo đó là vấn đề việc làm, với 12,64% số người trả lời cho rằng đây là vấn đề cần được ưu tiên giải quyết.
Mặc dù Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,09% vào năm 2024, sự bất an trong đánh giá về điều kiện kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, là một vấn đề rất đáng quan tâm. Báo cáo chỉ ra mối tương quan chặt chẽ, dù không gây ngạc nhiên, giữa cảm nhận về tình hình kinh tế hộ gia đình và khả năng tiếp cận BHXH.
“Độ bao phủ BHXH ngày càng được mở rộng ở Việt Nam, tuy nhiên, vẫn còn rất hạn chế”, bà Deirdre Ní Fhallúin, Đại sứ Ai-len tại Việt Nam, nhận định. “Khảo sát PAPI 2024 cho thấy chỉ có 29% số người trả lời có BHXH, và tỉ lệ này ở nhóm lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức và DTTS còn thấp hơn đáng kể. Việc mở rộng độ bao phủ theo Luật BHXH năm 2024 sẽ góp phần giảm thiểu những quan ngại của người dân về đói nghèo và bất ổn kinh tế”.
Báo cáo cũng nhấn mạnh tác động của các thảm họa liên quan đến khí hậu đối với cảm nhận của người dân về tình hình kinh tế hộ gia đình. Phát hiện từ khảo sát PAPI năm 2024 cho thấy, khi biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ nét, cảm giác dễ bị tổn thương của người dân nói chung gia tăng, với gần 40% số người trả lời cho biết gia đình hoặc cộng đồng của họ đã chịu tác động trực tiếp từ các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm qua. Do đó, cần tăng cường khả năng ứng phó với thảm họa, đầu tư kiên cố hóa cơ sở hạ tầng và đảm bảo thực hiện các biện pháp ứng phó phù hợp với đặc điểm của từng vùng, khu vực dân cư để bảo vệ cộng đồng và nâng cao khả năng chống chịu lâu dài trước biến đổi khí hậu.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam.
“Những phát hiện từ khảo sát PAPI năm 2024 cho thấy nhu cầu cấp thiết và cơ hội to lớn của việc thúc đẩy bình đẳng giới, hòa nhập xã hội và khả năng tiếp cận DVC một cách công bằng thông qua các cải cách quản trị đang được triển khai trong năm 2025”, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, phát biểu.
"Những phát hiện này gợi mở một lộ trình dựa trên bằng chứng thực tiễn hướng tới nâng cao hiệu quả quản trị công lấy người dân làm trung tâm, đảm bảo những cải cách thể chế hiện nay và tới đây sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân Việt Nam”.
Chuyển đổi số có thể là phương thức thay đổi "luật chơi"
Năm 2024, đánh dấu một giai đoạn phục hồi và tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế Việt Nam sau những biến động toàn cầu do đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị thế giới. Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực công, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả quản trị công. Bảo vệ môi trường được chú trọng, chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được triển khai mạnh mẽ.
Năm 2025 đã đi qua được 1/4 chặng đường với nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới. Việt Nam vẫn đang quyết tâm thực hiện tầm nhìn phát triển của mình trong Kỷ nguyên mới. Đảng và Nhà nước Việt Nam đang thực hiện một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, xây dựng một hệ thống chính trị tinh, gọn, nhẹ, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Cuộc cải cách bộ máy lần này là cuộc cách mạng mang dấu ấn lịch sử nhằm khắc phục điểm nghẽn của điểm nghẽn đó là thế chế phát triển đã được Đảng chỉ ra, đó là bỏ cấp huyện, loại bỏ các khâu trung gian, chồng lấn, hướng tới một chính quyền quyền gần hơn, phục vụ người dân tốt hơn.
Theo bà Đỗ Thanh Huyền, những cải cách trong tổ chức chính quyền địa phương hiện nay là cơ hội lớn để giải quyết những điểm nghẽn trong thực thi chính sách bởi các tỉnh, thành phố có thể học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm tốt từ các địa phương.
Sự chênh lệch về mức độ hài lòng của người dân theo vùng và các đặc điểm nhân khẩu học - đặc biệt những đánh giá thấp của các nhóm dân cư là phụ nữ, người DTTS và người tạm trú - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiêm túc thực thi các chính sách "không để ai bị bỏ lại phía sau". Các địa phương tiếp nhận người nhập cư cần thực hiện các chính sách bảo đảm người tạm trú được tham gia trị địa phương và hưởng lợi từ các DVC đầy đủ, công bằng như người thường trú.
Bà Đỗ Thanh Huyền nhấn mạnh: "CĐS có thể là phương thức thay đổi "luật chơi". Do đó, cần tiếp tục phát triển quản trị điện tử, quản trị số, đơn giản hoá thủ tục hành chính nhằm tiếp tục nâng cao tính minh bạch và cải thiện hiệu quả cũng như điều kiện tiếp cận DVC.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (với tên viết tắt tiếng Anh là PAPI) là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn vào năm 2010, khảo sát PAPI đã tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011. Năm 2024, 18.894 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên đã tham gia khảo sát PAPI. Trong suốt 16 năm qua, có tới 216.673 lượt người dân trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI từ năm 2009. PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng DVC; quản trị môi trường; và quản trị điện tử. Chỉ số PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và UNDP tại Việt Nam, với sự hỗ trợ trong điều phối khảo sát thực địa của các cơ quan trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ trung ương đến cơ sở từ năm 2009. Báo cáo PAPI 2024 và các phân tích sâu được đăng tải tại: www.papi.org.vn./. |