Pháp điều tra về vụ các nhà báo bị theo dõi bằng phần mềm Pegasus
Ngày 20/7, Văn phòng công tố Paris thông báo mở cuộc điều tra về cáo buộc cho rằng cơ quan tình báo Maroc sử dụng phần mềm độc hại Pegasus để theo dõi một số nhà báo.
Cuộc điều tra của Văn phòng công tố Paris sẽ xem xét 10 cáo buộc khác nhau, trong đó có cáo buộc nghi ngờ vi phạm đời tư cá nhân, truy cập trái phép vào thiết bị điện tử cá nhân và có liên quan tới tội phạm.
Động thái trên diễn ra sau khi trang mạng điều tra Mediapart ngày 19/7 đã nộp đơn kiện cơ quan tình báo Maroc liên quan tới vụ việc này. Dự kiến, tờ báo điều tra Le Canard Enchaine cũng sẽ có động thái tương tự.
Trước đó, ba tờ nhật báo gồm Washington Post, Guardian, Le Monde và nhiều tờ báo khác phối hợp điều tra vụ rò rỉ dữ liệu có liên quan đến hơn 50.000 số điện thoại di động được cho là thuộc diện đối tượng được các khách hàng của NSO quan tâm từ năm 2016. Cuộc điều tra cho rằng hoạt động gián điệp này sử dụng phần mềm độc hại Pegaus có quy mô lớn hơn nhiều với đánh giá trước đây.
Theo trang Mediapart, số điện thoại di động của nhà sáng lập trang này, Edwy Pleenel và một nhà báo làm việc cho trang này nằm trong số những số điện thoại bị cơ quan tình báo Maroc theo dõi. Các nhà báo khác làm việc cho các công ty truyền thông Pháp, trong đó có các nhà báo của tờ Le Monde và phóng viên của hãng thông tấn AFP cũng là nạn nhân bị theo dõi của cơ quan an ninh Maroc.
Maroc đã bác bỏ các cáo buộc trên, khẳng định rằng nước này chưa bao giờ có phần mềm máy tính để xâm nhập vào các thiết bị liên lạc. Trong khi đó, NSO, công ty phát triển phần mềm gián điệp hàng đầu ở Israel khẳng định Pegasus được sử dụng để phòng ngừa tội phạm và chống khủng bố, đồng thời tuyên bố sẽ không xác nhận danh tính của các khách hàng.
Trước đó, trung tâm nghiên cứu Citizen Lab thuộc Đại học Toronto (Canada) đã từng phanh phui việc phần mềm Pegasus được sử dụng để xâm nhập vào điện thoại di động của các phóng viên Al-Jazeera và một nhà báo Maroc.
PV (T/h)