Phát động cuộc thi sáng tác truyền thông “Tôi lên tiếng - Tôi hành động”
Cuộc thi “Tôi lên tiếng - Tôi hành động” với thông điệp “Bạo lực hủy hoại yêu thương, sẻ chia khơi nguồn hạnh phúc”, nhằm tìm kiếm các sản phẩm truyền thông có thể chia sẻ trên không gian số, truyền tải các thông điệp nhằm ngăn ngừa và chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái (BLTCSGVPN&TEG) là một vấn đề phức tạp bởi nguyên nhân, ảnh hưởng và mức độ tác động của nó đối với đời sống cá nhân, cộng đồng và sự phát triển của xã hội.
Các loại hình BLTCSGVPN&TEG, bao gồm bạo lực thể xác, bạo lực tâm lý (bạo lực tinh thần và kiểm soát hành vi), bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế… BLTCSGVPN&TEG có thể xảy ra ở bất cứ đâu, trong gia đình, nơi làm việc, tại trường học, trong không gian công cộng hay trên không gian số. Kết quả từ các nghiên cứu cho thấy mặc dù bạo lực có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng 90% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.
Thông điệp của Tổng Thư lý Liên Hợp Quốc năm 2018 nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ mọi hình thức bạo lực với phụ nữ đã nhấn mạnh: "Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một sự xúc phạm nhân phẩm đối với tất cả phụ nữ và trẻ em gái, một vết nhơ đáng xấu hổ của xã hội và là một trở ngại lớn cho sự phát triển hòa nhập, công bằng và bền vững". Chính vì vậy, mỗi quốc gia cần có những ưu tiên và phân bổ nguồn lực cho công tác phòng ngừa và ứng phó với BLTCSGVPN&TEG, trong đó các ưu tiên can thiệp cần trọng tâm vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa trong xây dựng chính sách và khung pháp luật nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa BLTCSG. Các chương trình Quốc gia thúc đẩy Bình đẳng giới, Phòng chống bạo lực gia đình, BLTCSG đã và đang thực hiện nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng về bình đẳng giới, quyền phụ nữ, sự cần thiết phải chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng như đẩy mạnh công tác hỗ trợ nạn nhân. Tuy vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức và khó khăn để đảm bảo những thay đổi bền vững và dài hạn.
Các định kiến và khuôn mẫu giới truyền thông tiếp tục dung dưỡng cho những hành vi bạo lực, tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân làm cho mức độ chấp nhận bạo lực có xu hướng tăng lên, đồng thời bao biện cho các hành vi bạo lực. Các thách thức này đặt ra nhiệm vụ cấp thiết cho truyền thông trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao nhận thức của cộng đồng và người bị bạo lực, đưa ra các giải pháp để ứng phó và giải quyết các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Trong đó, truyền thông xã hội đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình thu hút sự quan tâm của cộng đồng, khuyến khích công chúng, đặc biệt là giới trẻ làm theo các thực hành giới tích cực và xây dựng môi trường xã hội an toàn cho mọi phụ nữ và trẻ em gái trong không gian gia đình và nơi công cộng.
Trong khuôn khổ dự án VNM9P05, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp với Quỹ dân số Liên hơp quốc (UNFPA) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh trên cơ sở cộng tác với đơn vị truyền thông chính của cuộc thi là Báo Phụ nữ Việt Nam trân trọng phát động cuộc thi: "Tôi lên tiếng - Tôi hành động" với thông điệp "Bạo lực hủy hoại yêu thương, sẻ chia khơi nguồn hạnh phúc", nhằm tìm kiếm các sản phẩm truyền thông có thể chia sẻ trên không gian số, truyền tải các thông điệp nhằm ngăn ngừa và chấm dứt BLTCSGVPN&TEG với các nội dung chi tiết như sau:
1. Mục đích cuộc thi:
- Thu hút sự quan tâm của cộng đồng, bao gồm các thanh thiếu niên tham gia chia sẻ các thông điệp đúng về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt thông qua các ứng dụng chia sẻ thông tin trên không gian số, hay điện thoại di động tác động nhiều đến giới trẻ hiện nay.
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, kêu gọi sự tham gia của xã hội, đặc biệt là giới trẻ và nam giới, trong việc nhận diện và đưa ra các giải pháp hướng tới một xã hội không còn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
- Góp phần phá bỏ các quan điểm bất bình đẳng giới và cách ứng xử mang định kiến giới, là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng BLTCSGVPN&TEG và đưa ra các hành xử văn minh, kêu gọi sự tôn trọng và bình đẳng đối với phụ nữ và trẻ em gái.
- Tìm kiếm các sản phẩm truyền thông độc đáo, sáng tạo và hấp dẫn nhằm truyền tải thông điệp ngăn ngừa và chấm dứt BLTCSGVPN&TEG.
2. Chủ đề và đối tượng tham gia:
2.1 Một vài chủ đề gợi ý (nhưng không giới hạn):
- Cách nhận diện các loại hình BLTCSGVPN&TEG và hậu quả của bạo lực trên cơ sở giới đối với cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội.
- Đưa ra những giải pháp để ứng phó/giải quyết đối với từng loại hình bạo lực trên cơ sở giới cụ thể đối với phụ nữ và trẻ em gái.
- Chia sẻ các câu chuyện, bài học kinh nghiệm của người bị bạo lực trên cơ sở giới, khuyến khích "phá vỡ sự im lặng", lên tiếng chấm dứt bạo lực giới (BLG), tìm kiếm sự giúp đỡ và kế hoạch an toàn cho bản thân, thông qua các dịch vụ hỗ trợ.
- Những phương pháp hỗ trợ người bị bạo lực được an toàn và ứng phó với người gây bạo lực, hay những hành động cần thực hiện khi chứng kiến BLG.
- Những phương pháp, hành vi tích cực thay thế cho các hành vi bạo lực, để mang lại cuộc sống an toàn, hạnh phúc đối với phụ nữ và trẻ em và chính người gây bạo lực.
- Phá bỏ các quan điểm và cách ứng xử mang định kiến giới, các thực hành giới tiêu cực về vai trò của nam và nữ trong gia đình, cộng đồng và nơi làm việc, nhấn mạnh nguyên nhân cốt lõi của BLTCSGVPN&TEG là sự bất bình đẳng giới.
2.2 Đối tượng dự thi:
- Bất kỳ ai có sáng kiến, kinh nghiệm, câu chuyện liên quan tới chủ đề cuộc thi cũng có thể gửi bài.
- Tất cả các cá nhân, nhóm, tổ chức đang sinh sống và làm việc trong lãnh thổ Việt Nam.
- Các bạn trẻ, sinh viên các trường đại học trên cả nước.
- Các nhà báo, phóng viên, người làm truyền thông đang sinh sống và làm việc trong lãnh thổ Việt Nam.
- Thành viên ban tổ chức và thành viên ban giám khảo không được tham gia cuộc thi.
3. Yêu cầu về tác phẩm dự thi:
3.1 Yêu cầu về tác phẩm:
- Sản phẩm dự thi là: (1) những biểu tượng cảm xúc (Emoji/emoticon) có thể chia sẻ trên nền tảng internet và điện thoại hoặc các phần mềm chat như viber, zalo. (2) những hình ảnh (ảnh chụp, thiết kế) hoặc truyện tranh ngắn (có thể theo ảnh ơn lẻ hoặc bộ ảnh, bộ truyện). (3) video clip có thể đăng tải được trên Facebook, Youtube hay các ứng dụng trên điện thoại di động như (TikTok, Zalo).
- Sản phẩm dự thi là các sản phẩm mới, chưa tham gia bất kỳ cuộc thi nào và chưa từng được đăng tải, công bố trên bất kỳ các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội nào.
- Sản phẩm dự thi cần:
+ Thể hiện rõ chủ đề và thông điệp cuộc thi
+ Sáng tạo, nhân văn và đảm bảo tôn trọng quyền của phụ nữ và trẻ em gái
- Nếu là tác phẩm về nhân vật có thật, cần có sự cho phép của nhân vật về việc chia sẻ thông tin cũng như đảm bảo tính bảo mật thông tin của người trong cuộc. Tác giả tham dự cuộc thi phải chịu trách nhiệm về tính bản quyền và sự đồng ý của nhân vật trong câu chuyện.
- Dưới mỗi bài dự thi gửi về, ngoài bút danh, cần ghi rõ họ tên thật, địa chỉ, điện thoại, email để Ban tổ chức có thể liên lạc.
- Không giới hạn số lượng bài dự thi với mỗi tác giả/nhóm tác giả
- Yêu cầu tiêu chuẩn cho các loại sản phẩm truyền thông dự thi:
Thể loại |
Yêu cầu |
Các biểu tượng cảm xúc (Emoji/ Emoticon) |
- Emoji/Emoticon cần truyền tải một thông điệp cụ thể về chủ đề phòng chống bạo lực trên cơ sở giới hoặc định kiến giới trong bối cảnh đời thường và thiết kế phù hợp với các tin nhắn trực tuyến - Thể loại: o Ảnh tĩnh: 1 bộ gồm 8 hoặc nhiều hơn các biểu tượng cảm xúc, định dạng PNG o Ảnh động: 1 bộ gồm 5 hoặc nhiều hơn các biểu tượng cảm xúc chuyển động, định dạng GIF - Các sản phẩm dự thi gửi dưới định dạng nén ZIP hay RAR. - Định dạng: 360x360 (px), ảnh màu RGB - Gửi kèm file thiết kế nếu trúng giải (AI hoặc PSD) |
Hình ảnh (ảnh chụp, ảnh thiết kế, truyện tranh ngắn...) |
Ảnh chụp, bản vẽ thiết kế hoặc những mẩu truyện tranh ngắn với mô tả ngắn gọn về ý tưởng thiết kế hình ảnh và chủ đề cuộc thi - Kích thước: A2 (420x594mm), tối đa 20 MB - Định dạng: JPG, JPEG, PNG. - Độ phân giải: 300 dpi hoặc cao hơn - Chèn logo KOICA, CSAGA và UNFPA trong ảnh - Gửi kèm file thiết kế nếu trúng giải Ảnh/Truyện tranh màu hoặc đen trắng - Đối với truyện tranh ngắn: Khổ canvas tối đa 4000px x 4000px, tối đa 15 khung hình, có thể vẽ tay hoặc vẽ máy - Ngôn ngữ: Tiếng Việt/Tiếng Anh - Gửi kèm file thiết kế nếu trúng giải |
Video |
- Bài đăng video/clip cần có hashtag #ToilentiengToihanhdong - Định dạng: MP4, WMV, AVI - Độ phân giải: tối thiểu là 1280x720px - Thời lượng: 30 giây đến 5 phút - Chèn logo KOICA, CSAGA và UNFPA ở cuối video |
3.2 Cách thức tham gia Cuộc thi:
Ứng viên có thể lựa chọn một trong hai cách, hoặc cả hai cách dưới đây để tham gia Cuộc thi:
- Đăng sản phẩm dự thi trên trang Facebook hay Blog cá nhân trong thời gian từ 0h00 ngày 20/08/2020 đến 23h59 ngày 13/09/2020. Sau đó gửi link sản phẩm và hình ảnh chụp màn hình thể hiện sản phẩm và số lượng tương tác tới Ban tổ chức theo địa chỉ email cuocthitruyenthong@csaga.org.vn. Bài đăng và hình ảnh gửi về không được qua chỉnh sửa.
- Gửi sản phẩm dự thi về địa chỉ email cuocthitruyenthong@csaga.org.vn. Tiêu đề gửi về cho Ban tổ chức là: Toilentieng_Tên tác giả_Tên sản phẩm_Số điện thoại
Tác phẩm dự thi không đúng với quy định ở trên được xem là không hợp lệ.
4. Thời gian Cuộc thi:
- Nhận tác phẩm dự thi: từ 0:00 ngày 20/08/2020 đến 23:59 ngày 13/09/2020.
- Chấm giải: Từ 14/09/2020 đến 18/09/2020.
- Tổ chức Lễ Công bố Tác phẩm đạt giải và trao giải thưởng: 10:00 ngày 23/09/2020.
5. Cách thức chấm bài:
5.1 Hệ thống giải thưởng và ban giám khảo:
Cuộc thi có 2 hệ thống giải thưởng:
- Giải thưởng do Ban tổ chức lựa chọn: trên cơ sở các sản phẩm gửi về email, Ban tổ chức và Ban giám khảo sẽ chấm điểm theo các tiêu chí về nội dung, sự sáng tạo và khả năng lan tỏa trên truyền thông số.
- 01 Giải thưởng có lượt tương tác cao nhất: Ban tổ chức sẽ căn cứ vào lượng tương tác (Like, Share, Comment) của những tác phẩm đăng trực tiếp lên trang cá nhân của tác giả và gửi link bài đăng, ảnh chụp màn hình. Tác phẩm có lượng like, share, comment cao nhất sẽ được trao giải này. (Mỗi lượt like sẽ được cộng một điểm, mỗi lượt comment được cộng hai điểm, mỗi lượt share được cộng ba điểm).
Các thành viên Ban giám khảo là các chuyên gia về giới hay lĩnh vực BLG, nhà báo có uy tín, và các chuyên gia về truyền thông. Ban giám khảo hoạt động độc lập, khách quan và theo đúng thể lệ này.
5.2 Quy trình đánh giá sản phẩm:
- Vòng 1: Các sản phẩm truyền thông sẽ được đánh giá tổng quát về nội dung trong vòng 1. Các sản phẩm truyền thông đạt chất lượng sẽ tiếp tục được đánh giá chi tiết.
- Vòng 2: Các sản phẩm truyền thông sẽ được đánh giá theo các tiêu chí sau:
+ Tính nhạy cảm giới (30 điểm)
(1) Sản phẩm có thể hiện tốt quan điểm về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới hay không?
(2) Cách thể hiện có tôn trọng quyền của phụ nữ và trẻ em gái hay không (ngôn ngữ phù hợp...)?
(3) Có yếu tố phân biệt trên cơ sở giới nào trong nội dung, đồ họa, hình ảnh... hay không?
+ Xây dựng nội dung (40 điểm)
(1) Chủ đề có phù hợp không?
(2) Nội dung mới lạ và sáng tạo hay không?
(3) Thông điệp có được truyền tải tốt không?
+ Tính hiệu quả (20 điểm)
(1) Sản phẩm có thể thu hút sự quan tâm và đồng cảm của công chúng không?
(2) Sản phẩm có thể sử dụng được như tài liệu giáo dục và truyền thông hay không?
+ Sự hoàn hảo (10 điểm)
(1) Câu chuyện, nội dung, hình ảnh có một cốt truyện/tình huống/ thông điệp ý tưởng tốt hay không?
(2) Có điểm yếu kỹ thuật nào không?
6. Cơ cấu giải thưởng:
Thể loại |
Giải thưởng |
Clip/video |
Giải nhất: 10 triệu đồng (tiền mặt) Giải nhì: Thẻ mua hàng VinID trị giá 5 triệu đồng + giấy chứng nhận Giải ba: Thẻ mua hàng VinID trị giá 2 triệu đồng + giấy chứng nhận Giải có nhiều lượt tương tác nhất: Thẻ mua hàng VinID trị giá 3 triệu đồng + giấy chứng nhận |
Hình ảnh, truyện tranh ngắn |
Giải nhất: 10 triệu đồng (tiền mặt) Giải nhì: Thẻ mua hàng VinID trị giá 5 triệu đồng + giấy chứng nhận Giải ba: Thẻ mua hàng VinID trị giá 2 triệu đồng + giấy chứng nhận Giải có nhiều lượt tương tác nhất: Thẻ mua hàng VinID trị giá 3 triệu đồng + giấy chứng nhận |
Biểu tượng cảm xúc |
Giải nhất: 10 triệu đồng (tiền mặt) Giải nhì: Thẻ mua hàng VinID trị giá 5 triệu đồng + giấy chứng nhận Giải ba: Thẻ mua hàng VinID trị giá 2 triệu đồng + giấy chứng nhận Giải có nhiều lượt tương tác nhất: Thẻ mua hàng VinID trị giá 3 triệu đồng + giấy chứng nhận |
7. Một số quy định chung:
7.1 Quy định về quyền sở hữu đối với tác phẩm đạt giải:
- Bản quyền của các sản phẩm đạt giải thuộc về Ban tổ chức. Chúng tôi sẽ sử dụng các sản phẩm này trong công tác truyền thông, tại các sự kiện, hoạt động phù hợp về phòng chống BLTCSGVPN&TEG, không sử dụng cho mục đích cá nhân và mang tính chất kinh doanh.
- Các tác phẩm đạt giải sẽ được đăng trên các kênh truyền thông của CSAGA, UNFPA, Ngôi nhà Ánh Dương, Báo Phụ nữ Việt Nam và đối tác tài trợ.
- Người dự thi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những khiếu nại liên quan đến bản quyền, tính hợp lệ của tác phẩm. Nếu vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan theo quy định của pháp luật, Ban tổ chức sẽ thu hồi tiền giải thưởng.
- Khi gửi tác phẩm, đồng nghĩa người gửi đã hiểu rõ nội dung thể lệ, quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời coi như chấp thuận mọi quy định trong thể lệ cuộc thi.
- Tất cả các tác phẩm đã dự thi sẽ không trả lại cho tác giả.
- Ban tổ chức sẽ không trả bất kỳ khoản tiền nào cho việc sử dụng tác phẩm ngoài quy định về giải thưởng như được đề cập ở trên.
- Trong thời gian diễn ra cuộc thi, tác giả không được sử dụng các tác phẩm tham gia cuộc thi này để tham dự bất kỳ cuộc thi nào khác.
7.2 Các quy định khác:
- Ban tổ chức không giải quyết các khiếu nại về kết quả và giải thưởng sau khi công bố giải thưởng.
- Ban tổ chức mong muốn nhận được sự tham gia, hưởng ứng đông đảo của các cá nhân/đơn vị/tổ chức trên toàn quốc.
Thùy Chi