Phát hiện số lượng lớn vi hạt nhựa trong bia và nước đóng chai
Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại Mỹ công bố mới đây đã chỉ ra rằng bia và nước đóng chai chứa rất nhiêu hạt vi nhựa. Các hạt này có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo nghiên cứu được đã bắt đầu thực hiện từ năm 2018 và mới đây đã công bố trên Tạp chí Public Library of Science, trong các thử nghiệm đánh giá 12 nhãn hiệu bia từ các nhà máy bia lớn và bia thủ công từ khắp 5 hồ lớn Laurentian ở Mỹ, các nhóm các nhà khoa học đã phát hiện trung bình mỗi lút bia có thể chứa tới 4,05 hạt nhân tạo, chủ yếu là sợi nhựa. Các sợi và hạt nhựa siêu nhỏ. Hầu hết các sợi có chiều dài nhỏ hơn 5mm.
Nếu áp dụng kết quả này cho tất cả các loại bia, các nhà nghiên cứu ước tính rằng những người uống trung bình một cốc bia mỗi ngày sẽ tiêu thụ 520 hạt mỗi năm.
So sánh lượng sợi nhựa phát hiện trong bia với số lượng sợi nhựa phát hiện trong nguồn nước được sử dụng để sản xuất bia, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng: "Lượng vi nhựa phát hiện được trong bia không nhất thiết phải khớp với lượng vi nhựa phát hiện được trong nước dùng để sản xuất bia. Và điều đó cho thấy rằng nhựa có thể được đưa vào ở các bước khác nhau trong quá trình sản xuất bia".
Ngoài bia, nước uống đóng chai cũng được phát hiện có chứa lượng lớn vi hạt nhựa. Một nghiên cứu năm 2024 của Khoa Hóa học, Đại học Tiểu bang New York (Mỹ) đã cho thấy một lít nước - tương đương với hai chai nước đóng chai cỡ tiêu chuẩn - chứa trung bình 240.000 hạt nhựa từ bảy loại nhựa, trong đó 90% được xác định là nhựa nano và phần còn lại là hạt vi nhựa.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu từ 11 thương hiệu nước đóng chai có nguồn gốc toàn cầu, được mua tại 19 địa điểm ở 9 quốc gia khác nhau, để thử nghiệm về ô nhiễm vi nhựa. Trong số 259 chai được xử lý, 93% cho thấy một số dấu hiệu ô nhiễm vi nhựa.
Sau khi tính đến khả năng ô nhiễm nền (phòng thí nghiệm), trung bình có 10,4 hạt vi nhựa có kích thước trên 100 micromet trên một lít nước đóng chai được xử lý. Các mảnh vỡ là hình thái phổ biến nhất (66%), tiếp theo là sợi. Một nửa trong số các hạt này được xác nhận là có bản chất polyme với polypropylene là loại polyme phổ biến nhất (54%), trùng khớp với một loại nhựa thông thường được sử dụng để sản xuất nắp chai. Một phần nhỏ các hạt (4%) cho thấy sự hiện diện của chất bôi trơn công nghiệp.
Các chuyên gia cho biết nhựa nano là loại ô nhiễm nhựa đáng lo ngại nhất đối với sức khỏe con người. Đó là vì các hạt cực nhỏ có thể xâm nhập vào từng tế bào và mô trong các cơ quan chính, có khả năng làm gián đoạn các quá trình tế bào và lắng đọng các hóa chất gây rối loạn nội tiết như bisphenol, phthalate, chất chống cháy, chất per- và polyfluorinated, hay PFAS, và kim loại nặng.
Tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay đang ở mức báo động cao. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các vi hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm đang xâm nhập vào môi trường ở tốc độ nguy hiểm khi lượng nhựa sử dụng trên toàn cầu tăng lên.
Lượng vi nhựa tìm thấy trong môi trường đã tăng vọt suốt vài thập kỷ qua, với sản lượng nhựa hiện nay ở mức hơn 300 triệu tấn hàng năm, ước tính 2,5 triệu tấn nhựa trôi nổi trong các đại dương vào năm 2023, gấp hơn 10 lần so với năm 2005.
Một nghiên cứu công bố hôm 3/2 vừa qua trên tạp chí Nature Medicine phát hiện vi nhựa và nhựa nano (kích thước nhỏ hơn 1/1000 nanomet), tích tụ trong não người với lượng cao hơn ở gan và thận. Nghiên cứu cũng ghi nhận mật độ vi nhựa và nhựa nano trong mẫu vật năm 2024 cao hơn so với năm 2016 và lượng nhựa cao hơn ở não người mắc bệnh suy giảm trí nhớ.