Phát triển hạ tầng số - yếu tố then chốt trong chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số

13:07, 25/11/2024

Những năm trở lại đây, Việt Nam đặt ra những kỳ vọng lớn trong việc phát triển nền kinh tế dựa trên yếu tố công nghệ và dữ liệu số. Theo đó, việc xây dựng và phát triển hạ tầng số là yếu tố then chốt, đặc biệt quan trọng.

Để chuyển đổi số hiệu quả, xây dựng và phát triển hạ tầng số là nhiệm vụ đầu tiên.

Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GDP, đến năm 2030 đạt tối thiểu 30%. Trong đó, kinh tế số của từng ngành, từng lĩnh vực năm 2025 đạt tối thiểu 10%, đến năm 2030 đạt tối thiểu 20%.

Trên cơ sở đó, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ, hiệu quả, những năm qua, kinh tế số của nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, ngày 30/9/2024 mới đây, tại hội thảo “Chuyển đổi số 2024 - Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam” do Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, năm 2023, kinh tế số chiếm khoảng 16,5% GDP nước ta. Trong đó, ngành công nghệ thông tin và truyền thông chiếm gần 60%, kinh tế số ngành, lĩnh vực chiếm hơn 40%.

Cũng tại hội thảo này, theo các chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, kinh tế số là việc áp dụng công nghệ số hóa vào các hoạt động kinh tế. Các yếu tố chính của kinh tế số bao gồm: Công nghệ thông tin và truyền thông; Thương mại điện tử; Công nghệ FinTech (bao gồm các dịch vụ thanh toán trực tuyến, vay tiền trực tuyến, quản lý tài chính cá nhân và các dịch vụ tài chính khác dựa trên công nghệ); Trí tuệ nhân tạo (AI); Blockchain…

Để chuyển đổi số hiệu quả, xây dựng và phát triển hạ tầng số là nhiệm vụ đầu tiên. Việc đầu tư, triển khai và nâng cấp các công nghệ, mở rộng, số hóa các dịch vụ được xem là giải pháp lõi, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu có vai trò quan trọng đối với Việt Nam.

Nội dung này bao gồm xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng, chất lượng cao trên toàn quốc; quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, sớm thương mại hóa mạng di động 5G; mở rộng kết nối internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực; phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT)…

Việt Nam hiện nằm trong số những nước hàng đầu thế giới về phát triển hạ tầng số, nhất là trong việc tăng độ phủ kết nối mạng. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số; mạng cũng đã kết nối đến 100% huyện, 100% xã trên toàn quốc.

Phát triển các nền tảng số để phục vụ người dân khu vực nông thôn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đã xây dựng được hạ tầng băng thông rộng với độ phủ cao, đưa mạng internet đến hầu hết các địa bàn trên cả nước với 80,2% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng thông rộng. Mặc dù là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, nhưng độ phủ sóng di động băng thông rộng 4G của Việt Nam cao hơn các nước phát triển có thu nhập cao. Tính đến hết năm 2023, độ phủ sóng 4G của Việt Nam đạt 99,8%, trong khi các nước thu nhập cao có độ phủ là 99,4%. Mạng internet 5G đã được triển khai tại 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Không chỉ vậy, tháng 3/2024, cơ quan quản lý nhà nước đã tổ chức đấu giá thành công hai khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz) và C2 (3.700-3.800 MHz), tháng 4/2024 cấp giấy phép kinh doanh 5G cho hai nhà mạng trúng đấu giá là Viettel và Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và trong tháng 7/2024 đã đấu giá khối băng tần C3 (3.800-3.900 MHz).

Theo ông Hoàng Việt Tiến, Phó Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam, sự phát triển của AI trong vài năm tới sẽ như vũ bão. Do đó cần có nền tảng, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ phát triển hạ tầng số. Chính sách phát triển hạ tầng số là một bài toán lớn, cần chiến lược chuyển đổi số tổng thể của cả nước. Một trong những giải pháp để phát triển hạ tầng số là phát triển 5G.

Việc cấp phép các băng tần cho 5G là một cột mốc quan trọng và là một bước thiết yếu để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Sau khi hoàn tất đấu giá, các nhà mạng đang tích cực chuẩn bị triển khai thương mại hóa 5G. Trong định hướng phát triển dịch vụ 5G, nhà mạng chọn hướng kinh doanh cho doanh nghiệp, các ngành kinh tế là chính; cũng như sẽ có sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên công nghệ 5G cung cấp cho doanh nghiệp chuyển đổi số.

Nếu như các công nghệ di động trước chủ yếu phục vụ khách hàng cá nhân thì mạng 5G được coi là nền tảng để phục vụ công nghiệp thông minh, nhà máy thông minh, thành phố thông minh và được coi là động lực của tăng trưởng kinh tế số. Các quốc gia đang triển khai mạng 5G cũng là những nước thành công trong chiến lược chuyển đổi số các ngành công nghiệp…

Năm 2024 là năm nước rút để có thể đạt được những mục tiêu đầu tiên trong chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, do đó, ngành Thông tin và Truyền thông với nỗ lực và quyết tâm phát triển hạ tầng số sẽ góp phần quan trọng tạo nền tảng và động lực hoàn thành các mục tiêu bước đầu của công cuộc chuyển đổi số quốc gia./.