Tuyên Quang: Tăng cường hạ tầng số và đổi mới sáng tạo, ứng dụng số để phát triển kinh tế số
Sáng nay 31/10, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội thảo tăng cường hạ tầng số và đổi mới sáng tạo, ứng dụng số để phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Đồng chí Hoàng Việt Phương, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực chuyển đổi số tỉnh chủ trì hội thảo.
Đồng chí Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội thảo.
Dự hội thảo có đồng chí Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trong và ngoài tỉnh; cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiêu biểu trong triển khai hoạt động thương mại điện tử, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội; các cơ quan truyền thông; các thành viên Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; đại biểu Ban chỉ đạo Chuyển đổi số huyện, thành phố; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có thành tích nổi bật trong hoạt động chuyển đổi số năm 2023; đại diện các Tổ công nghệ số cộng đồng, thanh niên tiêu biểu trong hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo là dịp đánh giá lại những kết quả đạt được của tỉnh Tuyên Quang trong tiến trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, kinh tế số theo Nghị quyết số 48-NQ/TU ngày 15/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời có sự tham vấn của các chuyên gia, các tổ chức đồng hành cùng tỉnh định hướng kế hoạch phát triển hạ tầng số và ứng dụng số để phát triển kinh tế số trong thời gian tới.
Các đại biểu dự Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hoàng Việt Phương, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban thường trực chuyển đổi số tỉnh khẳng định: Chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số, cho phép đưa toàn bộ hoạt động lên không gian số. Muốn phát triển kinh tế số thì phải có hạ tầng số. Hạ tầng số bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Hạ tầng là cái nền cho phát triển. Cái nền thì phải đủ và phải phổ cập.
Để phát triển kinh tế số thì quan trọng nhất là sáng tạo các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực và phổ cập các ứng dụng số đó đến từng người dân biết và sử dụng; giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển và để "không ai bị bỏ lại phía sau", từ đó thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số diễn ra một cách tự nhiên, khai mở giá trị mới, mang lại lợi ích rõ ràng cho xã hội.
Chính vì vậy, việc tăng cường hạ tầng số và đổi mới sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2022, chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố và tăng 10 bậc so với năm 2021 (trong đó, chính quyền số xếp thứ 47/63, kinh tế số xếp thứ 54/63 và xã hội số xếp thứ 19/63). Theo số liệu công bố của Tổng Cục Thống kê, ước tính tỷ trọng tăng thêm của kinh kế số trong GRDP của tỉnh Tuyên Quang năm 2023 là 6,19% (tăng 0,17% so với năm 2022, tăng 0,35% so với năm 2021). Như vậy, chỉ số chuyển đổi số của tỉnh năm sau có tăng hơn so với năm trước, tuy nhiên đang còn đứng ở mức thấp.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham qua các gian trưng bày sản phẩm công nghệ số.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội và là cơ hội để tỉnh Tuyên Quang bứt phá, Nghị quyết số 48-NQ/TƯ ngày 15/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% và đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP); từng bước nâng thứ hạng của Tuyên Quang trên bảng xếp hạng đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) hàng năm; phấn đấu đến năm 2025 Tuyên Quang là một trong những tỉnh xếp hạng khá, đến năm 2030 là tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc.
Tại Hội thảo các đại biểu được nghe các tham luận: Giải pháp tăng cường hạ tầng số, ứng dụng số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; Vai trò của Đề án 06 trong phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; Phát huy vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên tham gia sáng tạo ứng dụng số tại địa phương; Ứng dụng số trong phát triển kinh tế số tại địa phương; Giải pháp tăng cường phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã mời các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các chuyên gia, các doanh nghiệp đến dự, tư vấn các giải pháp tăng cường hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số của tỉnh; triển lãm trưng bày giới thiệu, quảng bá các nền tảng số, sản phẩm, giải pháp công nghệ số phục vụ chính quyền, doanh nghiệp, người dân. Qua đó sẽ tạo ra một không gian trao đổi, chia sẻ và trải nghiệm thực tế các giải pháp, nền tảng công nghệ số hỗ trợ công tác quản lý nhà nước cũng như phục vụ hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.