Xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại hóa hành chính ở tỉnh Tuyên Quang
Cải cách hành chính là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong những năm qua Tuyên Quang luôn quyết liệt trong công tác lãnh, chỉ đạo các cấp, các địa phương thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước đặc biệt là xây dựng Chính quyền điện tử, hiện đại hóa hành chính trên địa bàn tỉnh và đã đạt được một số kết quả quan trọng.
- Hà Nội cần đi đầu xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử ở Thái Bình
- Bình Dương duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử
- Bình Phước: Đầu tư xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số
- Lạng Sơn đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử
Về xây dựng Chính quyền điện tử
Căn cứ Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều Quyết định, Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Tuyên Quang phiên bản 1.0 như: Quyết định số 464/QĐ-UBND ngày 27/12/2017 phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Tuyên Quang, phiên bản 1.0; Kế hoạch số 63/KH-UBND, ngày 20/6/2018 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Tuyên Quang (giai đoạn 2018 - 2022); Quyết định số 324/QĐ-UBND ngày 08/04/2020 của UBND tỉnh Tuyên Quang về Phê duyệt chủ trương thực hiện xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Tuyên Quang, phiên bản 2.0) ... thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh. Tỉnh đã thực hiện dự án Ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh phát triển Chính quyền điện tử giai đoạn 2016 - 2020; dự án đã hoàn thành nội dung xây dựng trục kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu trên địa bàn tỉnh.
Hình ảnh điểm cầu tỉnh Tuyên Quang tại Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.
Hiện nay, 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có mạng Internet và hệ thống mạng nội bộ (LAN). Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan nhà nước cấp tỉnh, UBND cấp huyện được trang bị máy tính đạt 100%; tỷ lệ cán bộ công chức tại UBND cấp xã trang bị máy tính đạt 98,6%.
Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước đã được kết nối đến các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, đảm bảo việc hoạt động thông suốt của hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 82 điểm cầu Hội nghị truyền hình trực tuyến, trong đó cấp tỉnh có 21 điểm cầu, cấp huyện có 07 điểm cầu, cấp xã có 54 điểm cầu.
Trung tâm dữ liệu của tỉnh hoạt động thông suốt 24/24h, đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho các phần mềm dùng chung.
Điểm cầu huyện Lâm Bình dự họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Về hiện đại hóa hành chính
Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước. Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành dùng chung của tỉnh, được triển khai tới 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, đảm bảo liên thông 4 cấp (Chính phủ, tỉnh, huyện, xã); chữ ký số chuyên dùng đã được tích hợp vào hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành tại các cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 91%, dưới dạng điện tử và song song với văn bản giấy đạt 9% (không tính các văn bản mật); chữ ký số chuyên dùng được tích hợp vào hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại các cơ quan, đơn vị phục vụ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Cấp 1.630 chứng thư số (trong đó: 995 chứng thư số cá nhân, 430 chứng thư số của tổ chức, 205 sim ký số cá nhân); 4.556 cán bộ, công chức của tỉnh được cấp tài khoản thư điện tử công vụ, đạt 98% so với tổng số cán bộ, công chức tỉnh Tuyên Quang.
Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Tuyên Quang được triển khai, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp tại địa chỉ http://dichvucong.tuyenquang.gov.vn/. Hiện nay, có 20 Sở, ban, ngành; 07 huyện, thành phố;138 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 3, 4.
Người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang.
Hệ thống thư điện tử tỉnh Tuyên Quang (@tuyenquang.gov.vn) đã được nâng cấp đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo điều hành các cấp. Có 97,5% cán bộ, công chức của tỉnh được cấp tài khoản thư điện tử chính thức để thực hiện trao đổi công việc (đã cấp 4.485 tài khoản thư điện tử cho cán bộ, công chức.). Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Tuyên Quang đang được triển khai thử nghiệm, đã kết nối thành công với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ….
Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn một số thách thức đặt ra như: Nguồn nhân lực để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước vẫn còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao nhất là ở cấp huyện, cấp xã; thiếu chuyên gia giỏi nên việc tham mưu và thực hiện triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin chưa thực sự hiệu quả. Người dân vẫn còn lúng túng, chưa khai thác được đầy đủ các chức năng của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4...
Để đảm bảo các mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Tuyên Quang đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh phục vụ chính quyền điện tử, tích hợp chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp giữa các cơ quan tạo cơ sở phục vụ chuyển đổi số. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, góp phần nâng cao năng xuất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp...
Với những giải pháp thiết thực, phù hợp trong xây dựng chính quyền điện tử và hiện đại hóa nền hành chính nhà nước sẽ đạt được những mục tiêu mà Đảng bộ tỉnh đề ra. Đến năm 2025, Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Tuyên Quang đạt từ 86% trở lên (thuộc nhóm khá trong cả nước).
Thu Hiền,TrịnhThứ