Phát triển hệ thống y tế phục vụ kỷ nguyên vươn mình của đất nước
Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của đất nước, với kỳ vọng bứt phá về tăng trưởng kinh tế. Đối với ngành Y tế, câu hỏi rất quan trọng đặt ra lúc này là hệ thống y tế có vai trò và đóng góp như thế nào trong kỷ nguyên phát triển vượt bậc của dân tộc Việt Nam.

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế - Ảnh: VGP/TH.
Chia sẻ với phóng viên Báo Chính phủ trước ngày hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế – một người gắn bó nhiều năm với công tác quản lý và phát triển y tế cơ sở nhấn mạnh, sự phát triển của hệ thống y tế cần đồng hành cùng quá trình phát triển kinh tế xã hội có nhiều bước đột phá trong tương lai.
Đặc biệt, trong giai đoạn phát triển mới, hệ thống Y tế cần thực hiện tốt đồng thời cả 3 vai trò: là trụ cột vững chắc về an sinh xã hội và phát triển con người; là lá chắn tin cậy đảm bảo an ninh y tế và là ngành dịch vụ đặc biệt đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Trước hết, hệ thống y tế phải được phát triển tương xứng với sự phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước, với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Điều này có nghĩa, tới năm 2045, hệ thống y tế nước ta cần đạt được mức phát triển tương đương trung bình của các quốc gia OECD.
Thứ hai, hệ thống y tế phải có đóng góp tích cực và hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế xã hội. Sự đóng góp này có thể được thể hiện trên nhiều khía cạnh như chăm sóc sức khoẻ đảm bảo nguồn nhân lực khỏe mạnh, góp phần cải thiện năng suất lao động toàn xã hội. Chăm sóc sức khoẻ là ngành kinh tế thu hút nhiều lao động, chủ yếu là lao động chất lượng cao, đồng thời là ngành dịch vụ có doanh thu lớn, nhiều tiềm năng đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế...
Thứ ba, hệ thống y tế cần đảm bảo lan tỏa những thành quả của quá trình phát triển kinh tế xã hội tới người dân, đảm bảo người dân được thụ hưởng những thành quả của quá trình tăng trưởng kinh tế, đó là các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chất lượng với đặc trưng là dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, mang lại lợi ích trực tiếp và dễ nhận biết cho người dân.

Sự phát triển của hệ thống y tế cần đồng hành cùng quá trình phát triển kinh tế xã hội - Ảnh: VGP/HM.
Nhận diện nhiều cơ hội và thách thức đan xen
Cũng theo PGS Phan Lê Thu Hằng, để phát triển một cách hiệu quả và bền vững trong bối cảnh có nhiều cơ hội và thách thức đan xen, hệ thống y tế cần nhận diện, tận dụng tốt những cơ hội và giải quyết hiệu quả những thách thức của môi trường bên ngoài cũng như bên trong mà hệ thống y tế đang đối mặt.
Cụ thể, ngành Y tế đang có những yếu tố thuận lợi rất cơ bản. Đó là, Việt Nam có quyết tâm chính trị rất cao và lâu dài đối với công tác y tế. Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn coi công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Quy mô nền kinh tế đang mở rộng với tốc độ tương đối nhanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc gia tăng đầu tư cho lĩnh vực y tế. Đồng thời, người dân có nhận thức tốt hơn về vai trò của sức khỏe và ý nghĩa thiết thực của các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Do vậy, việc khuyến khích tính tự chủ của người dân, gia đình và cộng đồng trong việc tối ưu hóa sức khỏe thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, ngành Y tế cũng đang phải đối mặt với sự kết hợp giữa những thách thức mang tính toàn cầu và những thách thức trong nội tại hệ thống y tế.
Trên bình diện toàn cầu, thách thức đó là sự gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và kỳ vọng về chất lượng dịch vụ y tế; sự thay đổi mô hình bệnh tật với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm; tình trạng già hóa dân số; mối đe dọa ngày càng tăng của các bệnh dịch mới nổi và các tác nhân gây bệnh mới; tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và công nghiệp hóa; xu hướng chi phí y tế ngày càng tăng cao.

Mạng lưới y tế cơ sở bao phủ rộng nhưng chưa đủ khả năng chăm sóc sức khoẻ ban đầu hiệu quả theo mô hình mới - Ảnh: VGP/HM.
Đại dịch COVID-19 dù đã qua đi nhưng đã để lại những tác động tiêu cực có quy mô rộng lớn, khiến tổng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ gia tăng mạnh sau thời gian bị gián đoạn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, trong khi nguồn cung hàng hóa phục vụ chăm sóc sức khoẻ trở nên khan hiếm hơn và có chi phí cao hơn do sự đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như các chính sách bảo hộ thương mại.
Những thách thức nội tại
Bên cạnh đó, nhiều thách thức nội tại vẫn đang tồn tại ở các mức độ khác nhau, được xem có ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả vận hành chức năng chung của hệ thống y tế.
Đó là hệ thống cung ứng dịch vụ phân mảnh và thiếu cân bằng do dựa nhiều vào các dịch vụ bệnh viện; sự bất tương xứng giữa chăm sóc sức khoẻ ban đầu và chăm sóc sức khoẻ chuyên sâu còn bộc lộ rõ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả sử dụng nguồn lực cho chăm sóc sức khoẻ.
Mô hình hệ thống y tế giá rẻ (có độ bao phủ rộng, chi phí thấp nhưng chất lượng hạn chế) không đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, với đòi hỏi cao và nhiều về chất lượng dịch vụ y tế cũng như khả năng hội nhập quốc tế.
Mạng lưới y tế cơ sở dù có diện bao phủ rộng nhưng chưa đủ khả năng chăm sóc sức khoẻ ban đầu hiệu quả theo mô hình mới (đảm bảo chăm sóc sức khoẻ lồng ghép, toàn diện theo suốt vòng đời); khả năng tiếp cận các bệnh viện Trung ương, tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật ở một số khu vực còn hạn chế.

Các chính sách phát triển nhân lực y tế phần nhiều mang tính ngắn hạn - Ảnh: VGP/HM.
Những thay đổi có tính quy luật khó đảo ngược về dân số học (suy giảm tổng tỷ suất sinh, già hóa)… dự kiến sẽ tạo ra gánh nặng chi phí chăm sóc sức khoẻ trong tương lai không xa.
Hệ thống y tế và các chính sách liên ngành chưa theo kịp những thay đổi với tốc độ nhanh và phức tạp về nhân khẩu học, tốc độ già hóa được đánh giá nhanh hơn tốc độ cải thiện hệ thống chăm sóc sức khoẻ và an sinh xã hội cho người già.
Hệ thống tài chính y tế vẫn đang trong quá trình chuyển đổi, chưa thực hiện thật sự hiệu quả các chức năng cơ bản của tài chính y tế, bao gồm huy động nguồn lực (tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người thấp), phân bổ nguồn lực (đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa bảo đảm) và sử dụng nguồn lực (phương thức chi trả chậm đổi mới).
Ngoài ra, công suất đào tạo tăng nhanh nhưng quản lý chất lượng đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế. Các chính sách phát triển nhân lực y tế phần nhiều mang tính ngắn hạn; các chính sách dài hạn mang tính hệ thống còn hạn chế.
Công tác quản trị ngành Y tế ngày càng phức tạp, do hệ thống y tế có quy mô ngày càng lớn, cấu trúc phức tạp và tương đối thiếu linh hoạt, trong khi cần đảm bảo yêu cầu kép, vừa phải đổi mới và phát triển hệ thống y tế thông qua các chiến lược và chính sách dài hạn, vừa cần nhanh chóng có các giải pháp mang tính tình huống để giải quyết những điểm nghẽn trước mắt (về mua sắm, đấu thầu…).

Trong công tác quản trị ngành Y tế, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy quản trị - Ảnh: VGP/HM.
6 cấu phần cơ bản đều cần được đổi mới
PGS Phan Lê Thu Hằng nhấn mạnh, trong giai đoạn phát triển mới, toàn bộ 6 cấu phần cơ bản của hệ thống y tế đều cần được đổi mới, cải tiến liên tục theo hình xoắn ốc trong một khung cấu trúc thống nhất, đảm bảo sự tương tác hiệu quả giữa các thành tố này để tối ưu hóa tác động chung mong muốn.
Đổi mới mạnh mẽ tư duy quản trị
Thứ nhất, trong công tác quản trị ngành Y tế, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy quản trị theo nguyên tắc tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ, tầm nhìn tạo nên thành tựu, kiên quyết chuyển đổi tư duy quản trị tuyến tính, quản trị dựa vào kinh nghiệm sang quản trị dựa trên bằng chứng khoa học, quản trị căn cứ vào kết quả, kiến tạo môi trường quản trị trong suốt, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Quán triệt quan điểm mới về phát triển hệ thống Y tế. Theo đó, bên cạnh việc kế thừa định hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và hội nhập, cần chú trọng nâng cao năng lực chống chịu và khả năng duy trì bền vững để đảm bảo năng lực thích ứng linh hoạt, hiệu quả của hệ thống Y tế trong giai đoạn mới. Từng bước chuyển đổi mô hình hệ thống y tế giá rẻ sang mô hình hệ thống y tế hiệu quả với chi phí hợp lý (diện bao phủ rộng khắp, chất lượng cải thiện liên tục với chi phí phù hợp).

Nâng cao khả năng cung ứng và cải thiện liên tục dịch vụ y tế - Ảnh: VGP/HM.
Nâng cao khả năng cung ứng và cải thiện liên tục dịch vụ y tế
Thứ hai, cần nâng cao năng lực cung ứng và cải thiện liên tục chất lượng dịch vụ y tế, đảm bảo việc cung ứng bền vững, đặc biệt là các dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng. Qua đó góp phần đảm bảo người dân được thụ hưởng những thành quả của quá trình đổi mới và phát triển đất nước, đặc biệt là những dịch vụ cơ bản, mang lợi ích thiết thực, trực tiếp và có thể nhận biết được.
Trong đó, y tế dự phòng cần nâng cao năng lực dự báo, giám sát và phát hiện dịch bệnh sớm, khống chế kịp thời các dịch bệnh. Bảo đảm đủ vaccine và tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%, thực hiện lộ trình tăng số loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trong đó thay thế hoàn toàn bệnh án giấy - Ảnh: VGP/HM.
Đối với y tế cơ sở, chú trọng mở rộng không gian phát triển và tăng cường động lực phát triển mạng lưới này, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp chủ chốt đã được xác định trong Chỉ thị số 25/CT-TW của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
Đồng thời, chú trọng phát triển năng lực nội tại bền vững của mạng lưới y tế cơ sở; đảm bảo sự kết nối chặt chẽ giữa y tế cơ sở với y tế chuyên sâu cũng như sự tương tác hiệu quả giữa y tế cơ sở với cộng đồng, gia đình và cá nhân; hỗ trợ và thúc đẩy quá trình tự đổi mới, tự hoàn thiện liên tục của mạng lưới y tế cơ sở.
Đảm bảo đồng bộ cả 3 yếu tố then chốt cho sự phát triển của mạng lưới này, bao gồm: cam kết chính trị cao và lâu dài, hệ thống giải pháp kỹ thuật hoàn chỉnh và khả năng huy động nguồn lực tài chính đầy đủ.
Cải tiến quy trình quản lý thuốc, vaccine và thiết bị y tế
Thứ ba, cần phải nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý thuốc, vaccine và thiết bị y tế thông qua cải tiến quy trình quản lý, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và bố trí nhân lực hợp lý. Thực hiện hiệu quả đấu thầu tập trung, đàm phán giá góp phần giảm chi phí thuốc. Xây dựng cơ chế tổ chức cung ứng, dự trữ, mua sắm đặc thù đối với các loại thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh hiếm. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, dược liệu, trang thiết bị y tế.
Cải thiện khả năng tiếp cận, nhận chuyển giao các sản phẩm công nghệ y tế có hàm lượng trí tuệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn. Tăng cường năng lực nghiên cứu cho các tổ chức nghiên cứu có thế mạnh như phòng chống dịch bệnh, ung thư, công nghệ sinh học, công nghiệp dược, vaccine...
Phát triển nhân lực y tế trong tình hình mới
Thứ tư, cần tăng cường các nỗ lực phát triển nguồn nhân lực y tế, cải thiện các khía cạnh chủ chốt liên quan tới phát triển nhân lực, không chỉ về số lượng, chất lượng, cơ cấu, phân bổ, mà còn chú trọng tới hiệu quả sử dụng nhân lực và năng lực cạnh tranh. Từng bước biến nhân lực y tế từ điểm hạn chế trở thành lợi thế so sánh của hệ thống y tế Việt Nam.
Đẩy mạnh đổi mới tài chính y tế
Thứ năm, về tài chính y tế, cần cần đẩy mạnh các nỗ lực đổi mới tài chính y tế theo hướng mở rộng không gian huy động nguồn lực tài chính, phân bổ nguồn lực tài chính hợp lý và sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả nhằm đảm bảo nền tảng tài chính bền vững cho hệ thống y tế, cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cũng như cải thiện khả năng bảo vệ tài chính khi gặp vấn đề sức khỏe của người dân.
Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Xây dựng giá dịch vụ y tế dự phòng; thực hiện giá dịch vụ y tế theo lộ trình tính đúng, tính đủ. Nghiên cứu, xây dựng lộ trình điều chỉnh mức đóng BHYT phù hợp. Hoàn thiện phương thức chi trả theo định suất, trọn gói theo trường hợp bệnh. Nghiên cứu từng bước mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT.
Hình thành nền y tế thông minh
Thứ sáu, cần tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống hướng dẫn kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin và chất lượng nhân lực.
Thực hiện hiệu quả việc kiến tạo và liên tục làm giàu tài nguyên dữ liệu, khai thác tài nguyên dữ liệu và đảm bảo an ninh tài nguyên dữ liệu.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Triển khai định danh và xác thực người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến được thông suốt, hợp nhất trên toàn bộ các hệ thống trực tuyến của Bộ Y tế. Triển khai trợ lý ảo phục vụ hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức và duy trì trợ lý ảo phục vụ người dân.