Truyền thông: Phương tiện thúc đẩy mục tiêu phát triển nền y tế toàn diện
Việc triển khai các chiến dịch truyền thông phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe cộng đồng, từ đó nâng cao chất lượng y tế, thúc đẩy mục tiêu phát triển một nền y tế toàn diện.
Song song với các hoạt động thăm khám, AstraZenca Việt Nam cũng chú trọng vào hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức thông qua các hoạt động truyền thông trực tuyến và trực tiếp - Ảnh: VGP/MT.
Đồng hành cùng với sáng kiến "Tiếp cận y tế toàn diện - vì một Việt Nam khỏe mạnh" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Y tế chỉ đạo, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam (VYPA) và các đơn vị thực hiện, AstraZeneca Việt Nam tiếp tục khẳng định tác động tích cực của các chiến dịch đồng hành cùng Hội, như chiến dịch "Chuyển đổi số vì sức khỏe phổi", "Chăm sóc sức khỏe tim mạch - thận - chuyển hóa (CAREME)".
Các sáng kiến thúc đẩy sức khỏe cộng đồng trong các năm 2023 và 2024 đã mang lại tác động tích cực, như đã có hơn 10.500 người dân được khám tại các chương trình cấp Trung ương, hơn 105.000 lượt người dân được khám trực tuyến trong chiến dịch "Chuyển đổi số vì sức khỏe phổi". Ngoài ra, chiến dịch CAREME đã khám trực tiếp được cho hơn 7.600 người dân. Để có được các tác động tích cực này, sự phối hợp truyền thông giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đóng một vai trò cốt yếu.
Nổi bật có thể kể đến các hoạt động truyền thông của CAREME là sáng kiến chuyển đổi số của AstraZeneca và VYPA khởi động từ năm 2022 với mục tiêu hỗ trợ phát hiện chẩn đoán sớm các bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mạn tính với mong muốn giúp người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng, nâng cao nhận thức về tầm soát, sàng lọc bệnh sớm để điều trị hiệu quả hơn. Trong khuôn khổ của chiến dịch này, nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức người dân đã được triền khai song song với các chương trình thăm khám trực tiếp tại các tỉnh, thành phố.
Song song với các hoạt động truyền thông trực tiếp, các hoạt động trực tuyến nhằm nâng cao nhận thức người dân về các bệnh lý nguy hiểm cũng được triển khai một cách đồng bộ - Ảnh: AstraZeneca.
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động truyền thông trực tiếp, AstraZeneca Việt Nam còn phối hợp với các đơn vị báo chí và hiệp hội y khoa để tổ chức các chương trình phổ cập và bổ sung các kiến thức về các bệnh lý phổ biến về ung thư phổi, vú, COPD và các bệnh lý không lây nhiễm nguy hiểm khác. Trong đó, chương trình "Giá như, hiểu sớm, hiểu đúng, sống khỏe" đã tác động tích cực tới nhận thức của người dân về sức khỏe cộng đồng thông qua việc truyền tải các thông tin về bệnh lý.
Chia sẻ về tầm quan trọng của truyền thông đến việc nâng cao nhận thức của người dân và thúc đẩy phát triển y tế toàn diện, ông Atul Tandon, Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam nhận định: "Trong bối cảnh y tế phát triển nhanh chóng như hiện nay, truyền thông giáo dục hiệu quả đóng vai trò then chốt trong việc thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận các giải pháp chăm sóc sức khỏe tiên tiến. Qua việc thúc đẩy hợp tác công-tư, chúng ta có thể khai thác đa dạng chuyên môn và nguồn lực để giải quyết những thách thức hiện có trong lĩnh vực y tế. Cam kết của chúng tôi về nỗ lực hỗ trợ thúc đẩy sự thay đổi đột phá dự trên tiến bộ của khoa học và lấy con người làm trọng tâm, đảm bảo rằng dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng có thể tiếp cận đến tất cả các cộng đồng".
Trong năm 2024, AstraZeneca cùng Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai nhiều chương trình thúc đẩy tiếp cận y tế toàn diện tại các địa phương - Ảnh: VGP/MT.
Đồng quan điểm với đại diện từ AstraZeneca Việt Nam, TS. Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Chủ tịch VYPA, ghi nhận những đóng góp của AstraZeneca thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh sự hợp tác giữa VYPA và AstraZeneca trong việc tuyên truyền các chiến dịch vì sức khoẻ cộng đồng đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân.
"Đây cũng là minh chứng hiệu quả cho việc phối hợp giữa các đối tác và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng. Bằng cách kết hợp sức mạnh của tất cả các bên liên quan, chúng ta có thể cùng nhau phát triển các giải pháp để giải quyết những thách thức y tế cấp bách với cam kết thúc đẩy sự phát triển bền vững trong chăm sóc sức khỏe, đảm bảo rằng mọi cá nhân đều được hưởng lợi từ sự tiến bộ của y tế và công nghệ", TS. Hà Anh Đức cho biết.
Chương trình "Tiếp cận y tế toàn diện – vì một Việt Nam khỏe mạnh" là sáng kiến của VYPA và Cục Quản lý khám chữa bệnh, tập trung vào việc huy động rộng rãi sự tham gia của cộng đồng, các đơn vị chuyên môn và các tổ chức để cùng xây dựng một nền y tế toàn diện, đảm bảo cho việc tiếp cận y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết của người dân, đặc biệt là các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Để thúc đẩy những nỗ lực của các bên từ doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý nhà nước trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và cải thiện tiếp cận y tế chất lượng cho người dân Việt Nam, các nỗ lực chung tay trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về sức khỏe, đặc biệt là nhóm người dân tại vùng sâu vùng xa và nhóm đối tượng yếu thế, từ đó hỗ trợ nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.