Phát triển khu công nghệ cao - chính sách có tính chất vượt trội, đột phá
Nhằm phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội thì việc phân quyền cho UBND TP. Hà Nội quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao và ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do mình thành lập, phù hợp với năng lực và nhu cầu phát triển của Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt thăm quan Khu công nghệ cao Hòa Lạc năm 2023 - Ảnh: VGP
Để phát triển các khu công nghệ cao, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nêu quy định TP. Hà Nội quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao; ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do UBND Thành phố thành lập.
Theo dự thảo, dự án đầu tư và các hoạt động tại khu công nghệ cao được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định của Luật này, pháp luật về công nghệ cao và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô; là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước.
Thành phố bố trí vốn để đầu tư xây dựng và phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ trong khu công nghệ cao Hòa Lạc; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng nhà lưu trú phù hợp với quy hoạch để bố trí cho người lao động làm việc tại khu công nghệ cao Hòa Lạc thuê trong thời gian làm việc;
Dự án đầu tư tại khu công nghệ cao Hòa Lạc được áp dụng hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai để lựa chọn các dự án đầu tư có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển của khu công nghệ cao Hòa Lạc;
Nhà đầu tư thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong khu công nghệ cao Hòa Lạc được chuyển đổi mục tiêu dự án sang nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo hoặc cung ứng dịch vụ công nghệ cao và tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư, quỹ đất đã được giao, cho thuê để thực hiện mục tiêu chuyển đổi;
Đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong khu công nghệ cao Hoà Lạc được quyết định sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nêu quy định TP. Hà Nội được quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao...
Phát triển khu công nghệ cao phù hợp năng lực, nhu cầu phát triển Thủ đô
Về chính sách phát triển khoa học và công nghệ, TS. Hoàng Ly Anh, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung nhằm tạo cơ chế cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Thủ đô phát triển nhanh, trở thành đông lực để Thủ đô phát triển bứt phá trong điều kiện mới. Trong đó, xác định Hà Nội "trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học và công nghệ, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của đất nước, khu vực, quốc tế".
TS. Hoàng Ly Anh nhận định, những chính sách được kế thừa như "tập trung phát triển đồng bộ khoa học và công nghệ", "bảo đảm phát huy tiềm năng, trí tuệ của các nhà khoa học và công nghệ" là những chính sách phát triển khoa học và công nghệ đúng đắn, đã được kiểm nghiệm trên thực tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ của Thủ đô trong hơn 10 năm qua.
Việc tiếp tục ghi nhận các nội dung chính sách tại dự thảo đồng nghĩa với việc các chính sách hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển của Thủ đô về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời gian tới với mục tiêu trở thành"trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học và công nghệ, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của đất nước, khu vực, quốc tế".
Theo đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi, các quy định về chính sách phát triển khoa, học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong dự thảo Luật đã có bước hoàn thiện rất đáng kể, bổ sung và cụ thể hóa nhiều nội dung.
Đại biểu nhấn mạnh, đây thực sự là các nội dung chính sách có tính chất vượt trội và đột phá.
Nhằm phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội tương xứng với vị trí là hạt nhân của cả nước về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, đại biểu Lý Thị Lan tán thành các quy định tại khoản 1 Điều 24 về phân quyền cho UBND TP. Hà Nội quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao và ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do mình thành lập, phù hợp với năng lực và nhu cầu phát triển của Thủ đô.
Đại biểu cũng đồng tình cao việc quy định nguyên tắc áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất cho các dự án hoạt động đầu tư vào khu công nghệ cao. Các biện pháp ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao đến làm việc tại khu công nghệ cao.
Việc dự thảo Luật Thủ đô bổ sung hoàn thiện những quy định mang tính đột phá vượt trội, giúp cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc có nhiều hơn nữa cơ hội và lợi thế để phát triển.
Trong đó, nổi bật là 2 nhóm giải pháp chính sách, thứ nhất, nhóm quyết định vượt trội về bố trí vốn ngân sách thành phố hỗ trợ Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhanh chóng xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đặc biệt là việc xây dựng khu nhà ở lưu trú cho người lao động thuê. Dự thảo đã quy định cho phép nhà đầu tư thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc được chuyển đổi mục tiêu sang nghiên cứu phát triển, ươm tạo, đổi mới sáng tạo, phù hợp với mục tiêu chính của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Thứ hai, nhóm các quy định về vị trí pháp lý của Ban Quản lý khu công nghệ cao và các quy định phân quyền của chính quyền thành phố cho Ban Quản lý khu công nghệ cao trực tiếp thực hiện một số thẩm quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, lao động, đất đai, xây dựng, tương xứng với vị trí là một tổ chức hành chính trực thuộc UBND TP. Hà Nội thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghệ cao trên địa bàn thủ đô.
Đại biểu cũng nhất trí cao Luật Thủ đô cần phải có quy định chuyển tiếp về quản lý, sử dụng đất đai tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và về thẩm quyền quản lý đất đai của Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc trong bối cảnh Luật Đất đai năm 2024 chuẩn bị có hiệu lực thi hành, trong đó có những quy định mới khác với quy định của Luật Đất đai năm 2013 đang được thực hiện tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ