Phóng thành công vệ tinh NanoDragon của Việt Nam vào vũ trụ

08:53, 09/11/2021

7h55 ngày 9/11, vệ tinh NanoDragon do Việt Nam chế tạo được phóng thành công lên quỹ đạo cùng các vệ tinh của Nhật Bản.

Phóng thành công vệ tinh NanoDragon vào 7 giờ 55 phút sáng nay, 9/11.

Một phút sau khi tên lửa được phóng thành công, theo đúng quỹ đạo so với phòng điều khiển, các động cơ tầng 1 và tầng 2 được tháo rời. Khi tên lửa được phóng lên quỹ đạo, vận tốc của nó khoảng 7,2 đến 7,8 km/s. Vệ tinh của Việt Nam sẽ được thả trên bầu trời nước Canada. 

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, hơn 1 tiếng nữa, vệ tinh Việt Nam sẽ được thả ra khỏi tên lửa. Dự kiến 9h30 hôm nay, vệ tinh sẽ bay qua bầu trời Việt Nam. NanoDragon có hai nhiệm vụ là senser phát tín hiệu tự động nhận dạng tàu biển và điều chỉnh tư thế vệ tinh trên quỹ đạo. Mỗi tàu đi trên biển đều phát tín hiệu chứa thông tin chủng loại, kích thước tàu. Hiện Việt Nam chỉ có các trạm đo nhận tín hiệu đặt ven biển, nhưng không có vệ tinh. Việc vệ tinh NanoDragon thành công vào quỹ đạo, là bước khởi đầu đều phóng thêm nhiều vệ tinh khác sau này giúp liên tục cập nhật tín hiệu từ các tàu biển trong vùng biển của Việt Nam.

Toàn bộ quá trình phóng Epsilon 5 mang theo NanoDragon.

NanoDragon được thiết kế hoạt động tối thiểu 6 tháng trong quỹ đạo, nhưng theo tính toán của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thì vệ tinh có thể hoạt động đến 2 năm.

Ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ: "Khoảnh khắc vệ tinh NanoDragon của Việt Nam được phóng thành công tôi thấy rất vui. Đây là thành tựu đáng tự hào của Trung tâm vũ trụ Việt Nam, đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam".

Đại sứ Vũ Hồng Nam (phải) và ông Yamakawa Hiroshi, Chủ tịch JAXA tại bãi phóng Uchinoura, tỉnh Kagoshima. 

Trước đó, tên lửa Epsilon 5 đã bị hoãn phóng 3 lần. Trong lần phóng đầu vào ngày 1/10, JAXA phải hoãn do sự cố kỹ thuật ở thiết bị radar mặt đất, có nhiệm vụ giám sát vị trí và tốc độ của Epsilon 5. Lần phóng tiếp theo được lên lịch vào sáng 7/10 nhưng tiếp tục bị hoãn do thời tiết xấu tại bãi phóng.

Đến ngày 28/10, JAXA công bố kế hoạch phóng tên lửa Epsilon 5 vào 7/11 song trước khi phóng 2 ngày, cơ quan vũ trụ thông báo hủy đợt phóng do dự báo thời tiết không thuận lợi. Đến sáng 9/11, tên lửa này mới được phóng sau 3 lần bị hoãn.

NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng 3,8 kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100 x 100 x 340,5 mm), được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System – AIS) sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.

Đây là sản phẩm của đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano" thuộc "Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020". Quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm vệ tinh được thực hiện tại Việt Nam bởi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC).

Radar theo dõi sự di chuyển của tên lửa tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura ở tỉnh Kagoshima, Nhật Bản. 

Trước NanoDragon, VNSC từng chế tạo vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1 kg), phóng lên quỹ đạo và thu được tín hiệu vào năm 2013. Trong khi đó, vệ tinh MicroDragon (50 kg) được chế tạo bởi 36 cán bộ VNSC dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản. Thiết bị này được phóng thành công lên quỹ đạo vào tháng 1/2019 và đã thu nhận ảnh chụp từ vệ tinh.

Epsilon là dòng tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, được sản xuất thay thế tên lửa M5 đã ngừng sử dụng vào năm 2006. Tháng 9/2013, Epsilon lần đầu được phóng, mang theo kính thiên văn quang phổ SPRINT-A. Những đợt phóng tên lửa Epsilon tiếp theo diễn ra vào các năm 2016, 2018 và 2019 - thuộc chương trình "Innovative Satellite Technology Demonstration-1".

Trong chương trình "Innovative Satellite Technology Demonstration-2" của JAXA, phóng cùng NanoDragon của Việt Nam còn có 8 vệ tinh khác của Nhật Bản. Trong đó có một vệ tinh chính nặng 100 kg, 4 vệ tinh lớp micro và 3 vệ tinh lớp cubesat. NanoDragon là vệ tinh cuối cùng được thả ra khỏi tên lửa, trong khi vệ tinh được thả đầu tiên là RAISE-2.

Khôi Nguyên (T/h)